Đối diện với những biến cố cuộc đời, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận và quyết định khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm cuộc đời họ từng trải qua và tri thức về cuộc sống mà họ học hỏi được. Dưới đây là 9 câu nói cũ về kinh nghiệm sống do các đại học giả uyên bác để lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
1. Sự đời, khó dễ tại tâm
Câu nói: “Thiên hạ sự hữu nan dịch hồ? Vi chi, tắc nan giả diệc dịch hĩ; bất vi, tắc dịch giả diệc nan hĩ”, trích từ tác phẩm “Bạch hạc đường văn tập” của học giả nổi tiếng đời Thanh Bành Đoan Thục.
Ý nghĩa là mọi sự trên đời có sự phân biệt giữa khó và dễ hay sao? Nếu ta sẵn sàng làm, thì dù việc khó khăn cũng trở nên dễ dàng; nếu ta không muốn làm, thì ngay cả những việc dễ dàng sẽ trở thành khó khăn.
2. Người thông minh tuỳ thời mà chuyển, người trí tuệ tùy việc mà làm
Câu này xuất phát từ tác phẩm “Diêm Thiết Luận” của tác giả Hoàn Khoan đời nhà Hán, ý nghĩa là người thông minh sẽ tùy theo thời thế mà lựa chọn sách lược của mình, người trí tuệ sẽ tùy theo tình huống cụ thể mà lựa chọn phương pháp xử lý vấn đề.
Trong cuộc sống, người biết tiến biết lùi, biết nhanh biết chậm, hiểu rõ thực hư, xét việc rõ ràng, tỉnh táo minh bạch mới có thể đương đầu được với những tình thế hiểm hóc, mới có thể định tâm vững vàng trước thử thách phong ba.
3. Người có thể yêu quý chính mình thì ắt sẽ nhận được sự yêu quý từ người khác. Người biết tôn trọng chính mình thì sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Trích từ tác phẩm “Quân tử – Pháp ngôn” của học giả Dương Hùng thời Tây Hán. Câu này ý nghĩa là con người phải biết yêu quý bản thân mình thì mới có thể có được sự yêu mến từ người khác; đồng thời cũng phải biết tôn trọng bản thân thì mới có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Tôn trọng bản thân là một nhân tố để xây dựng lòng tự trọng và tin tưởng vào bản thân. Khi bạn đánh giá bản thân và thể hiện niềm tin khả năng của riêng bạn, bạn sẽ thấy mình hiểu rõ bản thân hơn. Đây là bước đầu tiên để xây dựng mục tiêu sống cho mình. Đó cũng chính là nền tảng để đi đến thành công và nhận được sự tôn trọng từ người khác.
4. Rộng rãi với người, nghiêm khắc với bản thân
Thay vì oán hận, trách móc, sống thấu hiểu và bao dung khiến cho người với người không còn khoảng cách. (Ảnh: Fizkes/ Shutterstock)
Câu này trích từ tác phẩm “Y Huấn – Thượng Thư”. Câu này ý nghĩa là đừng trách móc người khác và đòi hỏi sự hoàn hảo ở họ, mà là nghiêm khắc yêu cầu hoàn thiện chính bản thân mình.
Hai vế của câu mang nội hàm vô cùng ý nghĩa. Một là không dùng sự hà khắc, trách móc mà dày vò người khác; ngược lại, cần dùng tấm lòng bao dung, rộng rãi để đối đãi với lỗi lầm của họ, đồng thời luôn luôn cân nhắc đến hoàn cảnh và cảm thụ của họ.
Hai là cần nghiêm khắc với bản thân, tự chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm, thay vì đổ lỗi cho người khác, cần bắt đầu tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình.
Nếu không muốn tự giam cầm mình trong oán hận, trách móc, chúng ta hãy dừng việc nhìn chăm chăm vào lỗi lầm của người khác. Nếu muốn bước đường tương lai trở nên rộng mở, chúng ta hãy hướng vào bản thân, tự tìm khuyết điểm và hoàn thiện mình.
5. Vàng không thuần khiết, nhân vô thập toàn.
Bài thơ “Ký hưng” của tác giả Đới Phúc Cổ, đời nhà Tống có câu:
“Vàng kim vô túc sắc, bạch bích hữu vi hà.
Cầu nhân bất cầu bị, thiếp nguyện lão quân gia”
Ý nghĩa là vàng còn không thể hoàn toàn thuần khiết, ngọc trắng cũng còn có tì vết, thì con người sao có thể lúc nào cũng thập toàn thập mỹ? Cho dù chàng có chút khuyết điểm thì thiếp vẫn nguyện cùng chàng nắm tay cho đến cuối đời. Người đời sau đã cô đọng bài thơ này thành câu nói “Vàng kim vô túc sắc, nhân vô hoàn nhân”, ý nói trên đời không có người nào hoàn hảo và không thể yêu cầu một người không có thiếu sót và sai lầm nào.
Một ý nghĩa khác chính là sống trên đời không ai hoàn hảo cả, việc có thể vừa lòng được tất cả mọi người dường như là điều không thể. Bởi vậy cũng đừng tự dằn vặt bản thân mình, chỉ cần bạn nhìn vào nội tâm của mình, tìm thấy giá trị của bản thân và làm điều đúng đắn thì bạn không có gì phải hổ thẹn.
6. Học tập một mình mà chẳng có bạn bè, tất kém cỏi mà nông cạn.
Câu này xuất phát từ “Lễ ký – Học ký”, ý nghĩa là trong học tập nên quan sát lẫn nhau và bù đắp thiếu sót cho nhau, ngược lại nếu học một mình mà không có bạn bè thì kiến thức sẽ trở nên nông cạn.
Khổng Tử nói: “Ba người cùng đi, tất có một người là thầy của ta, chọn người tốt mà bắt chước, nhìn kẻ xấu mà sửa mình.”
Khổng Tử vốn là người có học vấn rất cao nhưng vì sao ông vẫn nói những lời khiêm nhường này? Đó là vì ông cho rằng nếu ai đó có một mặt nào đó ưu tú hơn người khác thì người này có thể được xem là thầy về phương diện đó.
Vì vậy, khi học mà có bạn thì có thể chỉ dạy cho nhau những đạo lý chưa biết và học tập những lý luận không quen thuộc để đôi bên cùng được thọ ích. Bạn bè học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau giúp ích cho việc nâng cao kiến thức và là nhân tố quan trọng trong việc tu dưỡng đức hạnh.
7. Mở đầu thường tốt đẹp, kiên trì đến cuối thì thật hiếm hoi
“Mi bất hữu sơ, tiên khắc hữu chung” là một lời nhắc nhở đầy triết lý của người xưa, ý nghĩa là sự tình thường có cái mở đầu tốt đẹp, nhưng rất ít có thể bảo trì đến kết thúc. Câu này được trích từ một đoạn trong sách Kinh Thi: “Thiên sinh chưng dân, kỳ mệnh phỉ kham. Mi bất hữu sơ, tiên khắc hữu chung”. Ý nghĩa là: Con người do trời sinh ra bản tính vốn lương thiện, nhưng dưới các loại cám dỗ của xã hội thì rất ít người có thể đi cho trọn con đường thiện của mình.
Đây chính là một triết lý nhân sinh, ý nghĩa tương tự với câu nói “Thiện thủy thiện chung”. “Thiện thủy” nghĩa là khởi đầu tốt đẹp, đây là điều tương đối dễ đạt được, nhưng sau này vì thành tựu trong tương lai, sự thăng tiến và địa vị, những thay đổi trong môi trường và sự cám dỗ của thú vui, người ta có thể thay đổi ý định ban đầu. Vì vậy, khởi đầu tốt đẹp chưa chắc đã có một kết thúc tốt đẹp.
8. Gian khổ mài dũa nên ngọc sáng
Đằng sau thành công là cả một một quá trình vất vả mài dũa ý chí trước gian khổ, khó khăn. (Ảnh: TimeImage Production/ Shutterstock
Câu “Gian nan khốn khổ, ngọc nhữ vu thành” vốn xuất phát từ câu “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ thành dã” trong tác phẩm “Tây minh” của Trương Tái, một vị quan uyên bác đời Tống. Ý nghĩa là trong các điều kiện ngoại cảnh khó khăn khác nhau, như nghèo khó, địa vị thấp hèn, đau buồn, tai nạn… mà vẫn thường xuyên mài dũa ý chí của mình thì mới có thể trở thành viên ngọc sáng, để cuối cùng đạt được thành quả.
9. Yêu con sai cách sẽ làm hại con
Câu này xuất phát từ “Tư trị thông giám”, để khuyên bảo các bậc cha mẹ rằng nếu bạn yêu thương con sai cách thì tình yêu như vậy sẽ chỉ làm hại chúng.
Có một câu chuyện đằng sau câu ngạn ngữ cổ này. “Tư trị thông giám” có ghi lại rằng: Trong thời kỳ Trung Quốc bị chia cắt thành 16 nước. Vua Thạch Hổ của nhà Hậu Triệu có 2 người con trai được ông vô cùng yêu quý là: Thạch Tuyên và Thạch Thao. Thạch Tuyên là thái tử, còn Thạch Thao được phong là Tần Công. Vua Thạch Hồ để hai người con trai thay phiên nhau phụ trách quyết định các tấu sớ hàng ngày của Thượng thư và trao cho họ quyền quyết định khen thưởng cũng như trừng phạt một cách độc lập mà không cần bẩm báo.
Đối với vấn đề này, Tư Đồ Thân Chung khuyên can rằng ban thưởng hay hình phạt là quyền lực của bậc quân vương, không thể giao cho người khác. Trách nhiệm của thái tử là phụng dưỡng cha mẹ, không được tham gia vào triều chính. Mà bây giờ đã thành hai người phân chia nắm giữ triều chính thì có thể xảy ra thảm họa. Sau đó, ông khuyên can vua Thạch Hổ rằng yêu con sai cách sẽ làm hại con, nhưng Thạch Hổ vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình.
Để thể hiện yêu thương con, ông đã để thái tử Thạch Tuyên mang theo cờ của thiên tử đi vi hành tế tự dẫn theo 180.000 binh sĩ. Thạch Thao cũng được đãi ngộ như thái tử khi đi vi hành. Điều này khiến thái tử vô cùng bất mãn và âm thầm cho người đâm chết Thạch Thao. Sau khi vua Thạch Hổ biết chuyện, ông ta lập tức ra lệnh cho người dùng thủ đoạn vô cùng tàn nhẫn để giết thái tử Thạch Tuyên và tàn sát cả gia đình thái tử. Sau khi Thạch Hổ chết, các con trai của ông ta tàn sát lẫn nhau để tranh giành ngai vàng, sau đó nước Triệu dần suy tàn và cuối cùng dẫn đến vong quốc.
Vậy nên, nếu yêu con thì cần lấy đạo nghĩa để dạy con. Nếu tình yêu thương không tuân theo nguyên tắc sẽ dễ dẫn trẻ đi lệch đường, cuối cùng trẻ chính là người phải chịu tội khổ.
Theo Vision Times-Ngữ Yên biên tập/trithuc.vn