Để có được một cuộc đời thuận buồm xuôi gió vốn không quá khó, chỉ cần chúng ta học biết đủ với mọi thứ là được, như câu "cái gì quá cũng không tốt"
1. Không mặc quá ấm
Bất kể là đội mũ hay mặc quần áo đều không nên mặc quá nhiều, làm vậy chỉ phản tác dụng mà thôi. Mặc quá ấm sẽ dễ bị cảm, quá lạnh cũng không tốt cho sức khỏe.
Vì thế, ta nên ăn mặc phù hợp với thời tiết, căn cứ theo sự thay đổi của các mùa mà biến đổi linh hoạt, chuẩn bị các loại quần áo khác nhau. Hiện nay, có rất nhiều người thích mặc đồ trái mùa, nhưng thực tế điều này rất có hại cho cơ thể.
2. Không ăn quá no
Khi ăn, chỉ cần ăn đủ no 8, 9 phần là được, và phải biết ăn đầy đủ cả thịt lẫn rau; nên uống canh trước bữa ăn; không hút thuốc, không uống rượu. Thói quen ăn uống lành mạnh là rất quan trọng, chúng ta không nên ăn quá no, nên ăn nhiều ngũ cốc, rau và trái cây.
Cũng giống như mặc quần áo, đối với ăn uống, bạn cũng cần phải thuận theo thời tiết, vì những thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe chính là những thực phẩm đang vào mùa. Quy luật cả trời đất là không thể đổi, mọi thứ chỉ có thể tồn tại lâu dài nếu biết thuận theo thiên thời, thuận theo tự nhiên.
3. Không sống quá rộng
Sống không cần phải quá xa hoa, nơi ở không cần phải quá sang trọng, chỉ cần thoải mái là được. Nơi ở có thể nhỏ, chỉ cần bạn tự tay chăm chút, bạn cũng có thể biến ngôi nhà nhỏ ấm áp trở nên độc đáo. Nói chung, sạch sẽ, thoải mái là dễ chịu nhất, nếu như quá lộng lẫy bề thế sẽ rất dễ khiến chúng ta biến chất.
4. Không đi quá nhanh
"Sau buổi ăn tối, đi bộ 100 bước, thọ đến 99."
Đi bộ không nên quá vội vàng. Trong cuộc sống, nếu sức khỏe của bạn cho phép, thì hãy cố gắng sử dụng đôi chân thay xe. Các khớp của cơ thể giống như các bộ phận trong một cỗ máy, nếu lâu ngày không sử dụng, máy sẽ ì ạch, rỉ sét, con người cũng vậy. Nếu như mỗi khi đi ra đường bạn đều dùng đến xe, thì về lâu dài đôi chân của bạn chắc chắn sẽ không còn được linh hoạt nữa.
5. Không lao lực quá sức
Không cần biết bạn làm việc quá sức về thể chất hay tinh thần, bạn đều phải kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi. Làm việc quá sức có thể gây ra một số căn bệnh gây hại nghiêm trọng cho cơ thể. Đây hoàn toàn không phải là một lời đe dọa ba hoa, có rất nhiều trường hợp thực tế cho chúng ta thấy tầm quan trọng của làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Ngoài 8 tiếng làm việc ra, thì bạn nên tìm cho mình những phương pháp cũng như thời gian nghỉ giải lao thích hợp để tái nạp năng lượng cho cơ thể.
6. Không quá an nhàn
Kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, có nghĩa là không làm việc quá sức cũng như không nghỉ ngơi quá nhiều.
Ngồi nhàn rỗi cả ngày không chỉ làm chúng ta mất hứng thú với cuộc sống mà còn suy giảm năng lực, bị kéo về phía tư duy cực đoan. Dù là nghỉ hưu ở nhà hay nghỉ lễ, đừng để bản thân quá nhàn nhã. Việc bồi dưỡng cho bản thân những thú vui tốt cũng rất quan trọng, cho dù đó là đọc sách, đọc báo hay leo núi đường dài cũng có thể giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Những sở thích tốt này sẽ khiến bạn có một cuộc sống đầy màu sắc hơn.
7. Không quá tức giận
Giận nhiều thì hại thân, nộ nhiều thì hại gan. Dù gặp khó khăn phiền muộn, bạn cũng phải học cách trút bỏ đúng cách và không nên nổi nóng. Hãy học cách lạc quan hơn, cải thiện khả năng tự kiềm chế và nhìn nhận vấn đề với thái độ cởi mở.
Đôi khi bạn cũng phải học cách mỉm cười đối mặt nghịch cảnh, cũng như câu: "Miệng luôn tươi cười, may mắn tự nhiên đến."
8. Không quá mưu cầu danh lợi
Có một thứ mà khi sống không đem đến, khi chết cũng không thể mang đi, nhưng luôn có nhiều người vùi đầu kiếm tìm, đó chính là tiền tài, danh vọng. Có một số người còn nhất quyết vì những thứ phù du này mà từ bỏ đi nhân phẩm của mình.
Công danh, không cần cầu quá nhiều, chỉ cầu một đời thanh thản vô tư là đã đủ mãn nguyện rồi.
9. Không quá tham lợi
"Tửu sắc tài khí, không lấy. Phong hoa tuyết nguyệt, không chạm."
Biết đủ là phúc, hãy sống một cuộc đời thuận theo tự nhiên, hưởng thụ sự thanh thản của vô cầu vô dục, không ưu không phiền mới là sự giàu có thật sự. Hãy làm cho cuộc sống nhẹ nhàng và tự nhiên hơn.
Trần Anh/soha