Sách Thái Căn Đàm viết: “Cái miệng là cánh cửa của nội tâm, giữ miệng không kín thì lộ hết chân cơ. Ý nghĩ là chân cẳng của nội tâm, phòng ý không nghiêm thì đi toàn đường tà”.
Lời không thể tùy miệng
Cái miệng chính là phát ngôn viên của cái tâm, chúng ta nói gì không phải do miệng quyết định mà là do trong lòng quyết định.
Trong cuộc sống có nhiều người “miệng lưỡi nhanh hơn trí não”. Nhưng trực ngôn mau miệng lại không phải là ưu điểm, bởi lời nói khinh suất có thể gây tổn thương cho người.
Tùy tiện nhận lời chính là hoang ngôn. Những việc biết rõ rằng bản thân không thể làm được mà vẫn để người ta ôm hy vọng, vậy là ta đã tiêu xài lãng phí vốn ‘thành tín’ của mình.
Khi người khác thổ lộ tâm tư với bạn, đó là vì họ đã tín nhiệm bạn. Bán rẻ tín nhiệm của người khác thì sau này ai có thể đặt lòng tin vào mình đây?
Lúc tức giận, nếu hai người rời xa nhau trong im lặng, thì khi hết giận họ có thể trao đổi để hiểu thấu lòng nhau. Vẫn hai người ấy, nếu chỉ vì bực tức mà dùng từ ngữ tùy tiện không kiểm soát, gây nên phẫn nộ, thì chẳng phải mối quan hệ này sẽ dễ dàng chấm dứt hay sao?
Hai năm học nói, cả đời học ngậm miệng. Cho dù có hiểu hay không thì cũng không cần nói nhiều, tâm rối loạn thì hãy đợi bình tâm rồi từ từ mà nói, nếu thực sự không có gì để nói thì cứ giữ im lặng là được rồi.
Việc không thể tùy tâm
Muốn vào trường danh tiếng thì phải nỗ lực đủ nhiều. Muốn tìm được công việc như ý thì phải có năng lực đủ mạnh. Những sự việc trên đời đều là có giá cả, bạn muốn thu được kết quả gì thì cần phải bỏ công sức ra tương xứng.
Nhưng không phải là có ý nói rằng: ‘Tôi muốn làm gì thì làm nấy’, mỗi chúng ta đều có thân phận khác nhau. Cha mẹ là trụ cột gia đình, phải gánh vác trách nhiệm với gia đình. Thầy cô là cột trụ nâng đỡ tâm hồn học sinh, phải có trách nhiệm với học sinh. Mỗi người đều có vị trí, có nhiệm vụ riêng của mình.
Rất nhiều trường hợp chúng ta không thể hành xử tùy theo tâm tính, cũng không thể tùy theo cảm xúc hay tâm trạng bản thân. Lúc phẫn nộ, hễ mất kiểm soát sẽ tạo thành hậu quả không thể vãn hồi. Lúc vui vẻ quá đà hay khi lòng rầu rĩ, cũng sẽ đem lại cho chúng ta những phiền phức mãi không thôi.
Vây nên nói, tâm trạng là kẻ địch nguy hiểm của con người, kiểm soát được tâm trạng thì sẽ kiểm soát được cuộc đời.
Làm không thể tùy ý
Làm người thì không thể tùy ý hành xử, cần phải có lương tri và chuẩn mực đạo đức tối thiểu.
Người xưa coi trọng ‘thận độc’, nghĩa là làm gì cũng phải cẩn thận và thận trọng ngay cả khi đang ở một mình.
Đó chính là nói, một người bất kể trong tình huống nào cũng cần phải giữ vững nội tâm, không làm những việc sai trái, không hành xử đối nghịch với lương tri.
Con người một khi làm những điều trái với đạo đức thì sẽ chịu sự trừng phạt của lương tâm. Nhiều người vì sai lầm nhất thời mà cả đời ôm hận, hối lỗi. Đâu cần bị pháp luật chế tài, cả đời họ cũng sẽ bị lương tâm trừng phạt.
Vậy nên, làm người mà không có chuẩn mực đạo đức tối thiểu thì quả là đáng sợ. Người như thế sẽ không có bạn bè, vì họ không từ thủ đoạn để đạt được mục đích, khiến mọi người e sợ tránh xa.
Xã hội có phép tắc, làm người cũng cần phép tắc. Chỉ những bậc thiện lương mới được người khác kính yêu, tôn trọng.
Mây tụ mây tan, hoa nở hoa tàn, đời người trải qua mấy chục năm rồi cũng hết. Khi chúng ta già cả, chớ để bản thân phải hối hận vì đã cô phụ cuộc đời mình. Hãy nỗ lực dốc sức, nở ra đóa hoa riêng của bản thân ta, thì sẽ mang lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời này.
Đời người chỉ có một lần, nghiêm túc đối đãi cuộc sống thì cuộc sống cũng quyết chẳng phụ lòng.
Nam Phương biên dịch/nguoiphuongnam