Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Đông Y: 6 bài thuốc phòng, chữa bệnh thường gặp trong mùa xuân

Con người chịu ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên. Những biến đổi về thời tiết, khí hậu, môi trường có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. 


1. Ảnh hưởng của mùa xuân với sức khỏe như thế nào?

Mùa xuân là giai đoạn Dương khí trong trời đất bắt đầu thăng phát. Khí hậu ấm lên dần, da và lỗ chân lông giãn ra và lưu lượng máu trong huyết quản ngoại vi cũng tăng lên, khiến lượng máu cung cấp lên não và cơ quan nội tạng giảm xuống.

Mặt khác, chuyển hóa cơ bản trong cơ thể cũng tăng lên dần, cần có nhiều huyết dịch và ô xy hơn, khiến lượng máu đưa lên não càng bị giảm thiểu, độ hưng phấn thần kinh vỏ não giảm xuống rõ rệt.

Suốt mùa đông, bộ não của chúng ta đã quen làm việc trong điều kiện huyết dịch dồi dào, sang xuân chưa thể kịp thích ứng ngay với tình trạng huyết dịch giảm thiểu, nên thường hay dẫn tới tình trạng mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ... mà người xưa gọi là "xuân khốn".

Xuân khốn là giai đoạn quá độ, khi cơ thể con người phải điều chỉnh lại đồng hồ sinh học, thích nghi dần với những biến đổi của môi trường bên ngoài.

Mùa xuân là thời kỳ hay xuất hiện những chứng bệnh cấp tính, kèm theo phát sốt, có tính nhiệt, mà người xưa gọi là "xuân ôn". Các bệnh dịch lây theo đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị, viêm màng não... đều phát triển mạnh trong các tháng mùa xuân.

Mùa xuân khí hậu thường biến đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường, cơ thể không thích ứng kịp, nên một số bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành tim, thiểu năng tuần hoàn não, hen suyễn, đau dạ dày... dễ tái phát.

                     Đậu ván trắng, món ăn bài thuốc dự phòng viêm não trong mùa xuân. 

 

2. Bài thuốc phòng ngừa và chữa bệnh hay gặp trong mùa xuân

2.1 Điều trị cảm mạo, ho, đau họng, đầy bụng, ăn uống kém, buồn nôn và nôn: Tía tô (cành và lá tươi) 12g, kinh giới 8g, hoắc hương 10g, vỏ quít 12g, củ gấu 12g, bán hạ chế 8g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g, hành 8g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g. Sắc với 800ml nước, đun sôi nhỏ lửa cô lại còn 400ml, chia 3 phần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng mỗi ngày có thể uống 2 thang.

2.2 Chữa suy nhược thần kinh, phòng ngừa các bệnh tim mạch và hen suyễn tái phát: Nấm linh chi 15g, hoàng kỳ 20g, chân giò lợn 150g. Tất cả đem chế biến thành món hầm, ăn chân giò và uống nước canh thuốc. Thường xuyên sử dụng có tác dụng tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng.

2.3 Bổ gan thận, tăng cường chức năng tiêu hóa trong mùa xuân, dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

- Bài 1: Nấm đông cô 50g, kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10 quả, thịt lợn nạc 100g. Nu thành món canh, ăn trong ngày, ăn liền trong 7-10 ngày.

- Bài 2: Kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10 quả, trứng gà tươi 2 quả. Cho tất cả vào nồi, thêm nước, nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ, lại cho trứng vào nấu tiếp 10 phút là được. Ăn trứng, uống nước thuốc.

2.4 Tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh nhiễm trùng, cảm mạo: Tang diệp (lá dâu tằm) 12g, cúc hoa 8g, trúc diệp 20g, bạc hà 3g, cam thảo 4g. Tất cả cho vào ấm đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 3cm, đun sôi, nhỏ lửa trong10 phút. Uống thay trà hàng ngày, uống ấm tốt hơn uống lạnh. Uống liền 3-5 ngày

2.5 Dự phòng viêm não trong mùa xuân: Bạch biển đậu (đậu ván trắng) 60g, gạo tẻ 50g. Đậu ván trắng ngâm trước 2 giờ cho mềm, sau đó vớt ra, nấu với gạo đã vo sạch cho chín mềm, thêm gia vị cho vừa miệng. Ăn vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ.

2.6 Trị cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, ngạt mũi, khô miệng, đau họng, ho  đờm: Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 6g, kinh giới 6g, cát cánh 6g, lá tre 8g, xạ can (củ cây rẻ quạt) 6g, cam thảo 4g. Sắc với 800ml nước, đun sôi nhỏ lửa cô lại còn 400ml, chia 3 phần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng mỗi ngày có thể uống 2 thang.

 (theo baomoi)