Không phân biệt giàu hay nghèo, khỏe mạnh là điều mà ai cũng mong muốn, thậm chí có tiền cũng không thể đổi được. Mỗi người đều có cách riêng để duy trì lối sống lành mạnh cho mình, nhưng liệu thói quen nào cũng thực sự tốt cho sức khỏe?
Lối sống lành mạnh không đơn thuần chỉ là thỉnh thoảng “eat clean”, tập thể dục hay uống vài viên vitamin tùy hứng. Đây là cả một quá trình rèn luyện, nỗ lực và biến những hành động tốt cho sức khỏe thành thói quen được duy trì lâu dài. Do đó, nếu muốn sống khỏe, bạn cần phân biệt và tránh những việc làm có vẻ tốt nhưng lại đang khiến cơ thể “héo mòn” mỗi ngày sau đây:
1. Làm sạch đường ruột
Nhiều người tin rằng biện pháp làm sạch đường ruột bằng cách cố tình nhịn ăn uống, kích thích phân lỏng hơn hoặc thậm chí tiêu chảy có tác dụng “thải độc” ruột, giúp cơ thể được thanh lọc. Tuy nhiên, nhịn ăn kéo dài có thể khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng, thậm chí còn mang những nguy cơ gây hại cho sức khỏe đối với một số bệnh nhân suy nhược cơ thể hoặc mắc các bệnh lý tiềm ẩn khác.
Việc sử dụng các sản phẩm “giải độc” để làm sạch đường ruột lại càng không đáng tin cậy. Thực tế, nhiều sản phẩm có tác dụng thúc đẩy đại tiện tức thì là do có thêm thành phần nhuận tràng. Song, những loại thuốc nhuận tràng như vậy có thể gây ra hắc tố ruột già và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng nếu dùng trong thời gian dài .
Đường ruột là một hệ sinh thái hoàn chỉnh và việc bảo vệ của hệ sinh thái vi sinh này là ưu tiên hàng đầu để duy trì sức khỏe đường ruột cũng như cơ thể. Thay vì quan niệm “thải độc” ruột bằng thuốc hoặc nhịn ăn, chúng ta nên chú ý đến những thói quen lành mạnh hơn như bổ sung nhiều chất xơ, bỏ rượu bia, không lạm dụng thuốc kháng sinh, tăng cường vận động,… mới thực sự tốt cho sức khỏe.
2. Chế độ ăn kiêng đếm calo
Với chế độ ăn kiêng đếm calo, bạn sẽ được phép ăn bất cứ thứ gì mình muốn để đa dạng hóa thực đơn mỗi ngày với lượng protein, chất béo và carbohydrate cần thiết. Logic của chế độ ăn kiêng đếm calo là: chỉ cần tôi giảm lượng calo nạp vào cơ thể, tôi có thể giảm cân.
Tuy nhiên trên thực tế, cách ăn uống tính calo như vậy ngoài việc mang thêm gánh nặng tâm lý còn cần phải tính toán kỹ càng và nạp đúng lượng calo mỗi lần vào cơ thể. Chế độ ăn kiêng áp dụng cho từng đối tượng cũng hoàn toàn khác nhau, và tốc độ tiêu thụ calo còn có liên quan chặt chẽ đến loại thức ăn, mức độ trao đổi chất và sức khỏe của hệ vi khuẩn đường ruột của mỗi người.
Do đó, một chế độ ăn kiêng đếm calo nghiêm ngặt chưa chắc có thể cải thiện tình trạng béo phì. Theo các chuyên gia về lĩnh vực này, kế hoạch duy trì cân nặng lành mạnh hơn là: ăn uống khoa học và hợp lý, tuân thủ tập luyện lâu dài, ngủ đủ giấc và được tư vấn sức khỏe phù hợp.
3. Tắm mỗi ngày
Tắm là một thói quen sinh hoạt của hầu hết tất cả chúng ta để giúp cơ thể gột bỏ đi bụi bẩn và mệt mỏi sau một ngày dài. Tuy nhiên, thói quen kỳ cọ khi tắm rửa hoặc sử dụng xà phòng, sữa tắm hàng ngày sẽ rửa trôi quá mức lớp dầu bảo vệ tiết ra trên da. Điều này có thể khiến da dễ bị khô, hàng rào miễn dịch bị suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
Một số người còn thích dùng xà phòng diệt khuẩn, tuy nhiên nếu lạm dụng thường xuyên, chất diệt khuẩn trong xà phòng sẽ tiêu diệt vi khuẩn có lợi trên da và càng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Vậy nên, lời khuyên khoa học là chỉ nên tắm từ 3 đến 4 lần một tuần. Thay vào đó, cần chú ý thay đồ lót và áo quần để giữ vệ sinh cơ thể. Mùa hè nếu tiết trời oi bức thì có thể tắm qua với nước, không cần kì cọ quá kỹ càng.
4. Chế độ ăn kiêng ít chất béo
Một chế độ ăn uống lành mạnh là một chế độ ăn ít chất béo, nhưng điều này không có nghĩa là phải bỏ hoàn toàn loại chất này trong thực đơn hàng ngày. Chế độ ăn kiêng này khuyến nghị nên hạn chế lượng chất béo vào cơ thể xuống dưới 30% tổng lượng calo tiêu thụ. Không chỉ để giảm cân, nhiều người còn có suy nghĩ rằng giảm chất béo tổng thể sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm lượng chất béo trong cơ thể không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này nếu ăn quá ít chất béo.
Vì vậy, thay vì hạn chế những thứ không cần thiết, có thể chú trọng hơn vào việc cải thiện chất lượng chế độ ăn uống. Tận dụng những thực phẩm có chứa axit béo không bão hòa và các thành phần giàu protein chất lượng cao như bơ, các loại hạt, dầu thực vật hay cá biển nên là những ưu tiên hàng đầu trong thực đơn ăn kiêng lành mạnh.
5. Đánh răng ngay sau bữa ăn
Sức khỏe răng miệng rất quan trọng đối với cơ thể của chúng ta. Các nghiên cứu phát hiện rằng một hàm răng khỏe mạnh không chỉ giúp duy trì chất lượng cuộc sống tốt mà còn có mối tương quan nhất định với việc cải thiện nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, đánh răng thường xuyên là một thói quen lành mạnh.
Nhiều người có thói quen đánh răng ngay sau bữa ăn, tuy nhiên đây lại là một hành động làm tổn thương răng. Sau khi ăn, men răng, ngà răng sẽ trở nên mềm và yếu hơn, nếu ngay lập tức đánh răng sẽ khiến axit có trong thức ăn, nước uống ngấm vào men răng rồi xuống dưới ngà khiến những bộ phận này bị xói mòn, hư tổn.
Vậy nên, thời điểm tốt nhất để đánh răng sau bữa ăn là một giờ sau, đặc biệt là sau khi ăn thức ăn có tính axit hoặc uống nước có ga.
6. Uống bổ sung vitamin và chất chống oxy hóa hàng ngày
Trên thực tế, hầu hết các nghiên cứu liên quan cho đến nay đều chỉ ra rằng việc uống thuốc bổ để bổ sung các dưỡng chất như vitamin tổng hợp và một số chất chống oxy hóa không giúp làm giảm nguy cơ tim mạch, ung thư cũng như nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Thậm chí, nếu vượt quá giới hạn cho phép, việc nạp vào quá mức một số chất như vitamin A, vitamin D, vitamin E,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà khoa học cho rằng sở dĩ “thuốc bổ không tốt bằng thực phẩm bổ” là do các chất dinh dưỡng như vitamin, chất chống oxy hóa trong thực phẩm chức năng có thể phản ứng đồng thời với các chất dinh dưỡng và thành phần khác trong thức ăn. Do đó, việc hấp thụ vào cơ thể sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn so với các chất dinh dưỡng thu được bằng cách uống bổ sung một mình.
(Theo Aboluowang)/ Ánh lê / Nhịp sống Kinh Tế/anle20