Chân là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể. Nếu chân xuất hiện các triệu chứng bất thường thì đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của một số căn bệnh nguy hiểm.
Một khoảng thời gian trước, cô Vương, ở Trung Quốc luôn bị chuột rút nhưng không đi khám. Cô nghe nói chân bị chuột rút có thể là do thiếu canxi nên đã mua rất nhiều viên uống canxi về để uống. Kết quả, sau một thời gian uống canxi chân cô vẫn bị chuột rút liên tục không dứt.
Lúc này, cô Vương mới đến bệnh viện để khám và kiểm tra. Bác sĩ cho biết nguyên nhân cô bị chuột rút ở chân là do xơ vữa động mạch. Do trong động mạch của cô Vương xuất hiện các mảng xơ vữa hoặc các cục máu đông dẫn đến suy giảm tuần hoàn máu tới các chi và tích tụ các chất thải chuyển hóa, từ đó gây ra chuột rút.
Vì vậy, đôi khi, một số bất thường ở chân cũng có thể là tín hiệu cảnh báo sức khỏe do cơ thể phát ra.
Đôi chân - "trái tim thứ hai" của cơ thể
Chân không chỉ là bộ phận dùng để đi lại, chạy nhảy mà nó thực sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Chân nằm ở phần dưới cùng của cơ thể con người và cần chịu trọng lượng chính của cơ thể con người.
Vì đôi chân là nơi tập trung các đường mạch máu lớn của cơ thể, giữ vai trò quan trọng lưu thông máu trở về tim và hỗ trợ các cơ quan ngũ tạng.
Đặc biệt là bàn chân, đây là nơi chứa hơn 7.200 dây thần kinh, 2000 tuyến nội tiết và nhiều động mạch, tĩnh mạch. Bàn chân là nơi chứa nhiều huyệt đạo quan trọng của cơ thể. Hơn nữa, mỗi cơ quan đều kết nối với đôi bàn chân. Chính vì vậy mà chân được ví như “trái tim thứ 2” của cơ thể.
5 dấu hiệu ở chân cảnh báo nguy cơ bệnh tật
1. Phù chân
Phù nề ở chân là tình trạng xảy ra sau khi ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tình trạng sưng phù sẽ nhanh chóng biến mất sau khi đôi chân được nghỉ ngơi đầy đủ.
Tuy nhiên, nếu hiện tượng sưng phù chân diễn ra liên tục dù đã nghỉ ngơi đủ thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng suy tim phải khiến cho máu bị ứ ở khu vực tuần hoàn ngoại vi, làm tổn thương thành mạch, từ đó gây sưng phù ở 2 chi dưới.
Phù chân cũng có thể là do viêm tắc tĩnh mạch khiến cơ thể hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn và gia tăng áp lực, dồn máu ra khỏi tĩnh mạch, đẩy vào vị trí các mô gây sưng, phù chân. Thậm chí, nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì còn có thể gây những nguy hiểm cho tính mạng.
Bên cạnh đó, các bệnh lý về gan đặc biệt là xơ gan làm giảm chức năng tổng hợp albumin từ đó giảm áp lực kéo cũng là nguyên nhân khiến chân bị phù nề. Không chỉ có vậy, hiện tượng phù thận do thiếu albumin cũng có thể gây ra tình trạng phù toàn thân trong đó có chân.
2. Tê chân
Tê bì chân tay chủ yếu liên quan đến bệnh lý thần kinh. Các bệnh lý như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp,... có thể gây ra tình trạng đè ép lên các dây thần kinh và gây ra tình trạng tê chân tay.
Ngoài ra, các bệnh rối loạn chuyển hóa như: tiểuđư ờng, mỡ máu cao cũng là những nguyên nhân thường gặp gây nên chứng tê bì chân tay. Nguyên nhân là do ở nhóm bệnh này có sự tổn thương vi mạch dẫn tới tình trạng thiếu hụt máu cung cấp nuôi dưỡng dây thần kinh. Biểu hiện lúc đầu có thể chỉ đơn giản là rối loạn co thắt mạch máu, khi co thắt dẫn tới thiếu máu gây tê tay chân.
Cuối cùng, tê tay chân cũng có thể là do xơ vữa động mạch - nguyên nhân hàng đầu gây nên các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Dấu hiệu tê tay chân là do các khối vật chất bất thường bám lên thành mạch gây xơ cứng, hẹp lòng mạch, chèn ép dây thần kinh.
3. Đau chân
Đau chân không vô cớ xuất hiện. Nếu bạn không hoạt động quá mạnh dẫn đến tổn thương mà lại bị đau chân dai dẳng thì cũng cần cảnh giác với một số bệnh như bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên, huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh thần kinh ngoại biên, hẹp ống sống, đau thần kinh tọa,...
4. Chuột rút chân
Chuột rút là tình trạng xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân khi các cơ co thắt đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa. Tình trạng chuột rút ở chân có thể xảy ra khi cơ thể bị thiếu canxi, do lao động nặng nhọc hoặc vận động quá mạnh.
Tuy nhiên, thường xuyên bị chuột rút ở chân có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận đang lọc máu, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới. Vì vậy, nếu tình trạng tê chân không rõ nguyên nhân xảy ra thường xuyên, mọi người cần đi khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
5. Chân lạnh
Hiện tượng lòng bàn chân lạnh là hiện tượng thường xảy ra vào mùa đông khi nhiệt độ hạ thấp, khiến thành mạch co lại, làm chậm quá trình lưu thông máu dẫn đến chân luôn bị lạnh.
Tuy nhiên, nếu bạn bị lạnh tay chân ngay cả khi thời tiết đã ấm áp thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, bệnh tim mạch, suy giáp, xơ cứng động mạch tắc nghẽn,...
Trên đây là 5 dấu hiệu ở chân cảnh báo về nguy cơ mắc một số căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, nếu chân thường xuyên gặp 1 trong 5 dấu hiệu trên thì mọi người cũng cần đi khám kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Nguồn: Aboluowang/soha