Khoang miệng cũng là một trong những cơ quan trên cơ thể có thể cảnh báo một số căn bệnh đáng lo ngại.
Sau một đêm dài, cơ thể bị mất nước nên thông thường sáng ngủ dậy mọi người dễ bị khô đắng miệng. Tuy nhiên, triệu chứng đắng miệng sẽ nhanh chóng biến mất sau khi thức dậy và đánh răng.
Nếu mỗi buổi sáng, sau khi thức dậy, bạn cảm thấy miệng bị đắng kể cả sau khi đánh răng mà tình trạng này vẫn không hết thì đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh dưới đây.
1. Vấn đề sức khỏe răng miệng
Thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày không đúng cách hoặc hút thuốc lá thường xuyên có thể là nguyên nhân khiến vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến các bệnh lý về răng miệng. Các bệnh lý về răng miệng có thể gây ra tình trạng khô miệng, đắng miệng hoặc hôi miệng vào buổi sáng.
Tình trạng khô, đắng miệng, hôi miệng sau khi ngủ dậy vào buổi sáng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nha chu. Bệnh viêm nha chu là bệnh phổ biến, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả. Nhẹ thì gây hôi miệng, chảy máu chân răng, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, khó khăn trong giao tiếp. Nặng hơn thì gây rối loạn các khớp cắn, suy yếu lực nhai, đau nhức khi nhai, răng bị lệch. Thậm chí, viêm nha chu còn có thể gây áp xe chân răng làm chết tủy, phá hủy các mô nâng đỡ răng, khiến răng bị lung lay, làm viêm ổ xương răng, dẫn đến mất răng.
Vì vậy, khi tình trạng khô, đắng miệng, hôi miệng kéo dài, người bệnh cần thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống hàng ngày.
2. Gan gặp vấn đề
Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể con người có chức năng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu buổi sáng, sau khi ngủ dậy thấy khô miệng, đắng miệng thì rất có thể gan đang gặp vấn đề và không thể lọc hết độc tố trong cơ thể gây ra tình trạng đắng miệng.
Vì vậy, nếu sáng sớm ngủ dậy thấy hiện tượng khô miệng, đắng miệng và tình trạng này đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài thì mọi người cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm và kiểm tra xem chức năng gan có vấn đề gì hay không.
3. Trào ngược dịch mật
Khô miệng và đắng miệng có thể dấu hiệu của bệnh trào ngược dịch mật. Túi mật có chức năng dự trữ mật, dịch mật này cần được bài tiết ra ngoài để tiêu hóa thức ăn sau khi mọi người ăn thức ăn chứa nhiều chất béo.
Hiện tượng trào ngược dịch mật là hiện tượng dịch mật bị trào ngược lên dạ dày rồi lên thực quản do cơ thắt thực quản dưới ngăn giữa thực quản và dạ dày yếu đi hoặc giãn bất thường. Vì vậy dịch mật có thể trào lên thực quản, khiến người bệnh dễ bị khô miệng, đắng miệng.
Bệnh trào ngược dịch mật nếu không nhanh chóng điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm lên dạ dày như: viêm dạ dày trào ngược dịch mật, loét dạ dày, thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Không chỉ gây ra biến chứng tại dạ dày, trào ngược dịch mật còn gây tổn thương trực tiếp lên thực quản, dẫn đến một số bệnh như: viêm thực quản, loét thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.
Hơn nữa, trào ngược dịch mật cũng không thể tự khỏi mà cần áp dụng các phương pháp để điều trị bệnh. Vì vậy, nếu mọi người có triệu chứng khô, đắng miệng vào buổi sáng thì nên lập tức đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
4. Trào ngược dạ dày là bệnh lý phổ biến hiện nay vì trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người quá bận rộn và không chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý, từ đó gây tổn hại đến chức năng của dạ dày, điển hình là bệnh trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày hoặc trào ngược acid là hiện tượng do cơ vòng ở đầu dạ dày trở nên yếu và cho phép axit hoặc mật trào lên thực quản. Trào ngược dạ dày có xu hướng kích thích đường ống dẫn thức ăn, gây nên một số hiện tượng như khô miệng, đắng miệng, hôi miệng.
Bệnh trào ngược dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét thực quản, chít hẹp thực quản, viêm phổi do dịch trào ngược bị đẩy lên đường thở, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
theo soha.vn