Với nền văn hóa giàu bản sắc cùng cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đất nước Ukraina có nhiều địa danh đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Nằm tại huyện Pechersk, thuộc thành phố Kiev, Kiev Pechersk Lavra hay Tu viện các hang động Kiev là một trung tâm Chính thống giáo có tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Âu. Là Di sản thế giới đầu tiên của Ukraina, đây là một tổ hợp gồm công trình tôn giáo cổ, gồm các hang động, nhà thờ, tháp chuông… tuổi đời nhiều thế kỷ. Ảnh: Pixabay.
Phố cổ Lvov là trung tâm lịch sử của thành phố Lvov thuộc tỉnh Lvov, Ukraina. Đô thị cổ này là một hình mẫu nổi bật của sự hợp nhất truyền thống kiến trúc nghệ thuật của Đông Âu với các truyền thống kiến trúc nghệ thuật của Italia và Đức. Ảnh: Lonely Planet.
Vòng cung trắc đạc Struve là Di sản văn hóa thế giới chung của Ukraina với nhiều nước khác. Đây là một chuỗi các trạm trắc đạc tam giác dài gần 3.000 km, chạy qua 10 quốc gia, do nhà khoa học Nga gốc Đức là Friedrich Georg Wilhelm von Struve thành lập và sử dụng trong từ năm 1816-1855 để đo đạc Trái đất. Ảnh: Atostogos kaime.
Các khu rừng sồi nguyên sinh trên dãy Carpath và các khu vực khác của châu Âu là Di sản thiên nhiên thế giới mà Ukraina “đồng sở hữu” với với 17 quốc gia khác. Di sản này bao gồm các khu vực rừng nằm trên 10 dãy núi riêng biệt dọc theo một trục dài 185 km. Ảnh: Sonian Forest.
Nằm ở thành phố Chernivtsi, dinh thự của người Bukovina và Giám mục đô thành Dalmatian là tòa nhà tráng lệ được xây dựng từ những năm 1864-1882 theo thiết kế của kiến trúc sư người Séc Josef Hlávka. Hiện nay dinh thự là một phần của Đại học Chernivtsi. Ảnh: UNESCO.
Nhà thờ gỗ Tserkvas trên dãy Karpat là Di sản văn hóa thế giới nằm ở Ukraina và Ba Lan. Đây là một nhóm 16 nhà thờ bằng gỗ được các cộng đồng của Giáo hội Chính Thống Hy Lạp và Công giáo Đông phương xây dựng từ giữa thế kỷ 16 tới thế kỷ 19. Ảnh: SummitPost.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG /anle20