Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Công dung sức khỏe của dầu mè

Dầu mè là một loại dầu thực vật được nhiều chị em yêu thích sử dụng để vào bếp hằng ngày. Tuy nhiên, ít ai trong số chúng ta thực sự hiểu rõ loại dầu này có những tác dụng gì tích cực cho sức khỏe mà lại được lựa chọn nhiều đến thế. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu xem dầu mè là gì và tác dụng của dầu mè với sức khỏe là như thế nào nhé!


Dầu mè là gì?

Dầu mè  (hay còn gọi là dầu vừng) là một trong những loại dầu thực vật thông dụng nhất hiện nay, được coi là "nữ hoàng trong các loại dầu" bởi nó không chỉ tạo nên hương vị thơm ngon cho món ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Dầu mè được chiết xuất từ hạt mè (hạt vừng), có mùi hơi nồng, dùng để nấu ăn và làm gia vị trong ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Trung Hoa, Nhật Bản, Trung Đông, Triều Tiên, Đông Nam Á. Hạt mè được trồng rất nhiều ở các nước nhiệt đới hoặc ôn đới ở châu Á, tuy kích thước của nó rất nhỏ nhưng hàm lượng dầu trong mỗi hạt mè lại rất dồi dào.

Thành phần chủ yếu của loại dầu này là các axit béo như: Axit palmitic, axit linoleic, axit stearic, axit oleic... Ngoài ra, dầu mè còn chứa nhiều vitamin và các khoáng chất như mangan, kẽm, sắt, magie, tryptophan… có tác dụng hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe và làm đẹp.

Dựa vào màu sắc hạt mè, dầu mè được chia làm hai loại: Dầu mè trắng và dầu mè đen. Dầu mè trắng được ép từ hạt vừng (mè) trắng, loại dầu này đặc biệt có tác dụng rất tốt cho trẻ em và người già. Trong khi đó, dầu mè đen ép từ hạt vừng (mè) đen, có mùi thơm đặc trưng và thường được dùng trong chế biến món ăn hằng ngày bởi nó thường có giá thành rẻ hơn so với dầu mè trắng.

Ngoài ra, người ta còn có thể dựa vào cách chế biến để phân loại dầu mè, bao gồm dầu mè sống và dầu mè chín 

Dầu mè sống: Được ép lạnh thủ công lần 1, thường sẽ có màu vàng tươi, sẫm hơn màu dầu lạc, nhưng có độ trong của dầu mè. Dầu mè sống thường được dùng trong chữa bệnh do có hàm lượng chất dinh dưỡng cao.

  • Dầu mè chín: Được làm từ mè đã rang chín rồi mới đem ép thủ công để lấy dầu. Khi được rang chín, vỏ hạt mè thường chuyển màu nên khi ép lấy dầu, dầu cũng sẽ chuyển màu hơi đỏ. Khi dùng nấu ăn, dầu mè chín sẽ ra màu vàng bắt mắt cho món ăn và thường có mùi thơm hơn nhiều so với dầu mè sống.

Bên cạnh các loại dầu như dầu oliu, dầu bắp, dầu hướng dương… dầu mè là loại dầu thực vật hiện nay đang được khuyến khích sử dụng bởi nó có nhiều tác dụng tích cực đến sức khỏe cũng như cải thiện sắc đẹp từ bên trong.

Tác dụng của dầu mè với sức khỏe

Điều hòa huyết áp, phòng các bệnh tim mạch

Không phải tự nhiên mà dầu thực vật nói chung và dầu mè nói riêng lại được nhiều bác sĩ tim mạch khuyến khích sử dụng, đặc biệt là với người cao tuổi. Chất béo no không bão hòa polyunsaturated của dầu mè có tác dụng lớn trong việc làm giảm huyết áp, giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Nhờ đó, dầu mè có thể ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch, phòng tránh được bệnh đau tim và đột quỵ.

 Sesamin và sesaminol có trong dầu mè cũng có tác dụng giải tỏa stress, giảm căng thẳng, từ đó làm hạ huyết áp ở tâm thu và tâm trương, điều hòa huyết áp không chỉ cho người già mà còn cả cho những người phải học tập, làm việc với cường độ và áp lực cao.

Tăng cường miễn dịch, chống lão hóa

Dầu mè giàu chất chống oxy hóa, có khả năng làm mất hoạt tính của gốc tự do gây tổn thương đến các tế bào, giúp ngăn ngừa lão hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, sesamol lignan và sesamin trong dầu vừng là nguồn tạo ra apoptosis, một loại hợp chất có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư có trong ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Chất gingelly trong dầu mè có chứa hợp chất hữu cơ là phytate giúp hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Hơn nữa, hàm lượng magie cao cùng với các thành phần thiết yếu khác có trong dầu mè cũng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng hiệu quả.

Phòng chống bệnh tiểu đường

Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến thói quen ăn uống thay đổi làm cho những năm gần đây, số lượng bệnh nhân tiểu đường ngày càng tăng cao. Đây là một bệnh lý mà nếu chúng ta không có biện pháp chữa trị, kiêng khem kịp thời thì sẽ kéo theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Theo số liệu năm 2006 cho biết, khi thêm dầu mè vào chế độ ăn của người bệnh tiểu đường sẽ giúp kiểm soát hàm lượng glucose huyết tương, qua đó làm giảm các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, những người khỏe mạnh cũng được các bác sĩ khuyến khích thường xuyên bổ sung dầu mè vào quy trình chế biến thực phẩm hằng ngày để phòng chống bệnh tiểu đường.

Giúp xương chắc khỏe

Tác dụng của dầu mè đối với hệ xương của chúng ta thì không phải ai cũng biết. Sử dụng dầu mè trong chế biến thực phẩm hằng ngày là cách hữu hiệu để bạn bổ sung cho cơ thể một lượng lớn đồng và canxi. Đây là hai khoáng chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của hệ xương. Chúng là vật liệu không thể thiếu cho quá trình sinh xương, làm tăng mật độ của các tế bào xương, từ đó giúp xương chắc khỏe và tránh được nhiều vấn đề như loãng xương, thoái hóa khớp do lão hóa.

Chống viêm

Dầu mè cũng là một nguyên liệu có khả năng chống viêm hiệu quả, đặc biệt là viêm nướu, viêm nha chu nhờ thành phần đồng và axit béo. Ngoài ra, khả năng chống viêm của dầu mè còn thể hiện ở việc làm giảm các triệu chứng cảm lạnh như ho, hắt hơi, sổ mũi một cách hiệu quả. Nó cũng giúp chống lại phản ứng viêm tại khớp, cải thiện tình trạng sưng đau, nóng đỏ ở khớp bị viêm.

Tăng cường lưu thông máu

Chất đồng trong dầu mè là một nguyên liệu không thể thiếu để thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể. Điều này đảm bảo cho các mô và cơ quan trong cơ thể được bơm máu đầy đủ, thường xuyên. Khi máu lưu thông tốt, quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn

Làm đẹp

Ngoài khả năng giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng để phòng chống nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, dầu mè cũng là một nguyên liệu có tác dụng tích cực trong việc làm đẹp. Sử dụng dầu mè thường xuyên giúp giữ lại màu tóc tự nhiên và giảm rụng tóc. Hơn nữa, dầu mè còn có tác dụng chăm sóc tóc và bảo vệ da đầu khỏi vi khuẩn tấn công.

Ngoài ra, dầu mè chứa nhiều vitamin E, kẽm và các chất chống oxy hóa khác giúp da được dưỡng ẩm, tăng độ đàn hồi, mịn màng và đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa. Dầu mè có thể giúp ngăn chặn được khoảng 30% lượng tia UV từ ánh nắng mặt trời tác động vào da. Nó giúp bảo vệ da khỏi bị cháy nắng, tổn thương khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Lưu ý khi sử dụng dầu mè

Cách sử dụng dầu mè

Dầu mè là loại dầu thực vật có thể dùng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là trong ẩm thực, nếu sử dụng đúng cách bạn không chỉ khiến món ăn ngon hơn mà còn phát huy được hết những tác dụng tích cực của sản phẩm này.

  • Sử dụng dầu mè chiên thức ăn: Dầu mè rất khó bị oxy hóa nên khi dùng để chiên thực phẩm sẽ làm cho thức ăn giữ được độ giòn lâu, mùi thơm và hương vị hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, thêm vài giọt dầu mè vào đánh chung với trứng sẽ giúp món trứng chiên của bạn được mềm xốp hơn.
  • Làm bánh: Khi làm bánh, thêm một chút dầu mè vào lúc nhào bột sẽ giúp món bánh thành phẩm có mùi thơm ngon hấp dẫn và hương vị đậm đà.
  • Món nướng: Phết một chút dầu mè lên bề mặt của đồ nướng sẽ giúp thực phẩm không bị khô, tạo mùi thơm béo và còn giúp món nướng có màu sắc bắt mắt.
  • Luộc rau: Rau luộc sẽ xanh và bắt mắt hơn nếu bạn thêm vào nước luộc 1/2 thìa dầu mè.
  • Ướp thực phẩm: Dùng dầu mè để ướp thực phẩm như thịt sẽ giúp chúng mềm hơn, không bị dai khi chế biến. Khi ướp với rau củ, dầu mè sẽ giúp duy trì được độ tươi cũng như màu sắc tự nhiên của thực phẩm.
  • Cho bé ăn dặm: Thêm 1/2 - 1 thìa cà phê dầu vừng vào trong chén cháo hay bột ăn dặm của bé sau khi nấu chín sẽ giúp đồ ăn có hương vị hấp dẫn hơn, hỗ trợ tăng cường đề kháng cho trẻ.

Tác dụng phụ của dầu mè

Mặc dù dầu mè là một loại dầu lành tính, dễ sử dụng, tuy nhiên, với một số người có cơ địa mẫn cảm thì sử dụng dầu mè có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm như:

    • Tiêu chảy: Dầu mè có tác dụng chống táo bón nhưng nếu dùng với số lượng lớn, nó có thể khiến bạn bị tiêu chảy.
    • Dị ứng: Da nổi mẩn ngứa, đỏ da, phát ban, khó chịu trong người, tái phát bệnh viêm mũi dị ứng… đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị dị ứng với dầu mè.
    • Sốc phản vệ: Là tình trạng xảy ra khi bị dị ứng nghiêm trọng với dầu mè, các biểu hiện dễ nhận thấy nhất là khó thở, tức ngực, thở khò khè, nôn ói nhiều, sưng môi, lưỡi và đường thở… Trong trường hợp này, bạn cần tới ngay bệnh viện để cấp cứu, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

(theo quantrimang)