Tôi có đọc một câu chuyện. Câu chuyện xảy ra ở một đám cưới. Nhà trai tổ chức nghiêm chỉnh, lễ nghĩa đầy đủ. Các thủ tục diễn ra một cách tốt đẹp. Đại diện đàng trai, đàng gái đều làm cho họ hàng hai bên vừa lòng, mát ruột.
Cô dâu chú rể ra lạy bàn thờ gia tiên. Nữ trang được mẹ chồng trang trọng đeo cho con dâu, mẹ ruột cũng có quà cho con gái. Cô dâu chú rể trao nhẫn trong niềm vui hai họ.
Các bạn biết rồi đó, phong tục cưới hỏi, lễ nghĩa rất rắc rối. Hai họ để ý nhau từng lời nói, bắt bẻ nhau từng cách mời rượu, lên đèn. May quá các thủ tục trọt lọt. Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên mời rượu cha mẹ hai bên và họ hàng gia tộc. Hai họ nâng ly chúc mừng hoan hỉ lắm.
Thủ tục xong xuôi, bên họ đàng trai xin làm lễ rước dâu. Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng đó, mẹ cô dâu bỗng xin có ý kiến. Ông sui gái trố mắt nhìn, hích tay vợ:" Bà tính cái gì nữa đây" Cô dâu chú rể mở to mắt đầy hồi hộp. Họ đàng trai cũng giật mình đánh thót vì sợ sẽ trễ giờ rước dâu. Mẹ cô dâu bước ra trang nghiêm từ tốn nói:
-Xin thưa với hai họ. Tui cũng không có ý kiến gì lớn lao. Tôi chỉ xin đàng trai cho tôi nhận 90.000$ làm cái duyên cho con gái tui.
Úy trời! Cái gì lạ vậy kìa! Lễ vật đàng trai đã nộp đủ, nữ trang tiền cưới đàng gái đã tặng luôn cho hai vợ chồng mới lấy vốn mần ăn. Hà cớ gì mẹ cô dâu lại xin 90.000$ làm duyên cho con gái. Sao không là 900.000$ hay 9 triệu mà xin chi mấy chục ngàn tiền lẻ. Họ đàng trai còn đang ngạc nhiên và bối rối thì mẹ chú rể bước tới, mở bóp và rút ra đưa cho mẹ cô dâu 9 tờ 10.000$ với một nụ cười.
Không nói không rằng, mẹ cô dâu đưa tay đón nhận. Dưới bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về bà, bà mở bóp lấy ra một tờ 10.000$ mới tinh bỏ chung vào xấp tiền mới nhận. Bà trịnh trọng đưa lại cho bà sui trai:
- Thưa anh chị và hai họ. Hôm nay con gái tôi về làm dâu anh chị. Mong anh chị thương nó như con gái mà chín bỏ làm mười. Tha thứ và bỏ qua cho con khi nó lỗi lầm. Vun quén cho con có một gia đình hạnh phúc. Tui xin trao con gái tui cho anh chị về làm con trong gia đình.
Sau một lúc trấn tỉnh, bà sui trai ôm chầm bà sui gái xúc động. Cô dâu nước mắt chảy dài, hai họ vỗ tay vang trời. Bà mẹ đã rất khôn khéo gửi gấm con mình trước mặt bao người.
Bà mẹ cô dâu đã nghĩ đến những ngày làm dâu của con gái nếu gặp một bà mẹ chồng khó tính lỗi phải mọi điều thì rất tội nghiệp. Bà đã khéo léo chỉ xin mấy chục ngàn để gửi một thông điệp cho sui gia.
Chín bỏ làm mười có nghĩa ngầm là hãy cho qua đi, tha thứ đi đừng chấp nhất. Người miền Nam đã áp dụng câu này trong cuộc sống hàng ngày. Nếu những gì phật ý hay không vừa lòng họ nói ngay trước mặt. Có thể những lời nói ngay thẳng hay lời phê bình không được khéo léo nhưng họ đã thật lòng không đãi bôi ngoài miệng mà trong bụng khinh thầm. Họ nói xong rồi thôi. Giận la đó rồi bỏ qua hết như không có chuyện gì xảy ra. Như cơn mưa rào miền Nam rất lớn nhưng rồi tạnh ngay ráo hoảnh.
Người miền Bắc nghĩ rằng "Dâu là con, rể là khách" nên trong cách đối xử có sự phân biệt. Đối với con dâu luôn nghĩ rằng mình đã cưới về, tốn kém biết bao nhiêu nên con dâu phải có bổn phận tuyệt đối với gia nương bên chồng. Phép nép mình trong gia phong lễ giáo bên chồng, làm đẹp mặt chồng và gia đình nhà chồng. Vô hình chung con dâu như là một món hàng hay một vật được mua về. Bổn phận và trách nhiệm đè nặng trên vai cô dâu mới.
Trái lại đối với con rể lại coi như khách. Rất lịch sự ngọt ngào và chiêu đãi hết mình bởi lẽ con gái mình về làm dâu nhà họ. Không chiều con rể thì con gái mình sẽ bị coi thường hay ức hiếp.
Miền Nam trái lại. Con dâu cũng là con mà con rể cũng là con. Đã coi như người một nhà thì tấm mẵn có nhau. Con dâu tốt hay xấu vẫn là con dâu nhà mình. Con gái người ta nuôi lớn từng này gã về nhà mình làm con thì mình có thêm một đứa con gái. Cho nên nếu không phải thì la rầy hoặc chỉ bảo rất là nam kỳ. Nghĩa là bộc trực, nói ngay, nói lớn không để ý soi mói ghét bỏ. Con rể cũng là con, tới nhà vợ có gì ăn đó, có việc xăn tay áo vô làm. Có rượu cha vợ con rể cụng ly say quắc cần câu mẹ vợ cũng không trách. Con rể làm điều gì không đúng thì nói ngay, nói thẳng không cả nể quanh co hay ngấm ngầm khinh khi, giàu nghèo khác biệt. Con làm sai thì chín bỏ làm mười tha thứ và xây dựng.
Trong đời sống hôn nhân nếu cả hai vợ chồng đều biết tin tưởng nhau, thông cảm và nhường nhịn thì hạnh phúc mới được bền vững. Cha mẹ chồng biết khoan dung tha thứ cho con dâu thì gia đình trên thuận dưới hòa, con mình không phải khó xử giữa vợ và cha mẹ.
Có nhiều người chồng trong gia đình luôn tỏ ra mình là ông chủ. Lúc nào cũng ra oai với vợ con. Cứ nghĩ mình là người làm ra tiền, mình là trụ cột thì mình có quyền quyết định tất cả. Lúc nào cũng thấy vợ mình chưa làm tròn bổn phận, cứ nhìn những khuyết điểm của vợ mà khó chịu, cảm thấy mình không hạnh phúc, mình bất hạnh. Thấy vợ bạn bè sao tài giỏi hoạt bát làm ra tiền, vợ mình chỉ ru rú ở nhà nấu cơm, coi con cũng không xong rồi đâm ra khinh thường, chê bai và ghẻ lạnh. Tại sao không khoan hòa một chút, tại sao không nhìn thấy cái tốt và sự vất vả của người phối ngẫu để thấy mình hạnh phúc trong niềm vui gia đình.
Cũng có những bà vợ đứng núi này trông núi nọ. Thích xa hoa phù phiếm, thích hưởng thụ, ăn sang mặc đẹp. Thấy chồng mình thua sút chồng bạn, làm ít tiền, xấu trai, có nhiều khuyết điểm rồi tiếc đời con gái, tủi thân mình không bằng chị bằng em. Từ đó tư tưởng thoát ly và ngoại tình xuất hiện làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tại sao những khuyết điểm đó mình chấp nhận trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân mà bây giờ mình thấy khó chịu.
Người chồng nhịn vợ vì họ biết "Chín bỏ làm mười" chứ không phải họ nhu nhược hay sợ vợ. Lấn lướt coi thường người chồng là người phụ nữ không biết tôn trọng hạnh phúc gia đình. Không ai khen tặng hay kính phục người vợ ăn hiếp chồng.
Đánh đập hay khinh miệt vợ là người chồng tự đánh giá thấp giá trị đàn ông của mình. Đàn ông vũ phu là loại đàn ông tầm thường, nhỏ nhen và thiếu đạo đức.
Nhiều người đàn ông rất ghét vợ hay nói nhưng nghĩ cho cùng người vợ hay nói là người vợ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Dọn dẹp hoài vẫn bề bộn, vẫn vất quần áo đồ đạc tứ tung thì phải nói để có ý tứ hơn một chút, căn nhà sáng sủa sạch sẽ ra. Ghét làm gì, cứ phụ vợ một tay thì vợ sẽ hết nói.
Chín bỏ làm mười không phải chỉ dùng để đối xử với bạn bè hay người ngoài mà phải sử dụng ngay trong gia đình mình để ngôi nhà biến thành tổ ấm, một nơi để nương tựa và yêu thương.
Năm đã hết, vạn vật đang bước vào năm mới. Có nơi tuyết đã rơi, những cơn gió lạnh kéo về. Mọi người ai cũng cần sự ấm áp trong ngôi nhà, trong trái tim. Nếu hai người đang giận nhau thì thôi chín bỏ làm mười. Ôm nhau một cái cho đêm không còn lạnh, cho tay được ấm cho bữa ăn thêm ngon.
Đầu năm, kính chúc mọi người, mọi nhà vượt qua mọi trở ngại khó khăn để được niềm vui trong năm mới. Hãy chín bỏ làm mười tha thứ những gì tha thứ được. Tha thứ cho người là lợi ích cho mình. Ít nhất trong trí mình không bực bội phiền muộn hay so đo. Mình thảnh thơi nhẹ nhàng hưởng thụ cuộc sống bình an không tranh chấp. Cho đi là nhận thêm hạnh phúc. Mọi việc tốt đẹp nằm ở phía trước nếu ta bước tới trong tâm trạng vui vẻ và đầy niềm tin.
Nguyễn thị Thêm/nguoiphuongnam