Ung thư dạ dày là hiện tượng xuất hiện khối u ác tính trên niêm mạc dạ dày. Khi mắc ung thư dạ dày người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, trướng bụng, chán ăn, buồn nôn, v..v. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ nhanh chóng di căn, nghiêm trọng hơn có thể cướp đi mạng sống của người bệnh. Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày ngày càng tăng cao, vậy nguyên nhân thực sự dẫn đến ung thư dạ dày là gì?
1. Thường xuyên ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Đây cũng là vi khuẩn duy nhất được sản sinh và sống trong niêm mạc dạ dày. Nếu người bệnh nhiễm vi khuẩn HP không kịp thời điều trị, lâu dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày, nặng hơn nữa sẽ bị ung thư dạ dày.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn HP có thể do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm khuẩn HP hoặc do đã ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu người bệnh ăn các đồ ăn sống chứa lượng lớn vi khuẩn như thịt sống, hải sản sống, cá sống, v..v.. thì cũng có khả năng nhiễm vi khuẩn HP. Một khi vi khuẩn HP vào cơ thể thì sẽ làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày lên gấp nhiều lần.
2. Ăn các thực phẩm gây kích thích lên niêm mạc dạ dày
Mọi người thường có xu hướng ăn các món ăn gây kích thích lớn cho niêm mạc dạ dày, ví dụ như đồ đóng hộp. Trong các món ăn đóng hộp có hàm lượng nitrite cao, nếu nạp một lượng lớn nitrite vào cơ thể sẽ trực tiếp gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu niêm mạc dạ dày chịu tổn thương liên tục sẽ gây nên các biến chứng khác nhau. Ngoài ra, nếu mọi người ăn nhiều các món chiên nướng, hun khói, dầu mỡ cũng sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Các chất hoá học trong những món ăn trên có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng tỉ lệ mắc ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, nếu sở thích của bạn là ăn các món ăn thô và cứng thì các món ăn này cũng có thể gây trầy xước niêm mạc dạ dày. Hơn nữa việc ăn các món ăn thô cứng cũng tạo áp lực lên thành dạ dày, khiến tỷ lệ mắc ung thư dạ dày tăng cao. Việc ăn các món ăn nóng cũng sẽ gây ra tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Trong quá trình niêm mạc dạ dày tự tái tạo phục hồi rất có khả năng sẽ sản sinh ra các tế bào bất thường, từ đó dẫn đến ung thư dạ dày.
3. Thường xuyên suy nghĩ tiêu cực
Dạ dày luôn chịu tác động từ hệ thống thần kinh tự chủ, hệ thần kinh có tác dụng giúp điều tiết axit dạ dày. Thường xuyên suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến rối loạn hệ thần kinh trung ương, khiến cho hệ thống thần kinh tự chủ ở dạ dày bị mất kiểm soát. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày, khiến mọi người dễ mắc các triệu chứng như đau bụng, trướng bụng, khó tiêu, v..v… Việc thường xuyên xuất hiện các triệu chứng trên cũng đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày.
4. Liên tục tái phát bệnh dạ dày mãn tính
Người bệnh cần chú ý nếu thường xuyên tái phát các bệnh dạ dày như viêm dạ dày, viêm dạ dày mãn tính do teo niêm mạc dạ dày, dạ dày phát triển các tế bào bất thường,… Mặc dù những triệu chứng bệnh trên là những triệu chứng nhẹ nhưng nếu xuất hiện thường xuyên thì có nghĩa là niêm mạc dạ dày đã chịu tổn thương trong một thời gian dài. Điều này không chỉ làm giảm chức năng của dạ dày mà còn làm tăng nguy cơ chuyển hoá thành ung thư dạ dày.
Tóm lại, những nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ mắc ung thư dạ dày đều có liên quan trực tiếp đến 4 yếu tố kể trên. Ngoài ra, việc hút thuốc, uống rượu bia, thường xuyên chịu áp lực lớn hoặc nhiễm lạnh trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày. Vì vậy, mọi người cần phải điều chỉnh các phương diện trong cuộc sống một cách hợp lí để có thể làm giảm cũng như ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
(theo soha)