Khi thận bị hư mà
thuốc men kiêng cữ không còn kiến hiệu nữa, tức là hai quả thận hoàn toàn hết
xài, thì chỉ còn hai cách: một là xin một quả thận của người khác để ghép vào
mình, hai là cứ tuần vài lần đi đến trung tâm chuyên môn để lọc máu, mục đích
là để thải những chất độc và nước dư thừa ra ngoài.
Có hai kiểu lọc máu.
Nếu hút máu từ cơ thể cho chạy ra một cái máy để lọc hết chất độc, rồi lại truyền
máu trở lại thì gọi là lọc máu bằng thận nhân tạo (hemodialysis).
Nếu dùng một
dung dịch đường glucose và muối bơm vào trong bụng để hút các chất độc từ cơ thể
qua màng bụng, rồi rút ra ngoài, thì gọi là lọc máu qua màng bụng (peritoneal
dialysis).
Khi nào cần lọc máu?
Bác sĩ quyết định
cho lọc máu khi thận bị hư nặng đến độ ảnh hưởng tới óc, làm viêm tim, bại tim,
làm độ acid hay nồng độ Kali trong máu lên cao. Cũng có khi cho lọc máu ngừa
trước, từ lúc mới thử nghiệm thấy các chất độc bị ứ đọng mà chưa có triệu chứng
gì nhiều.
Trường hợp bại thận
kinh niên, có thể lọc máu suốt đời, hoặc là tiếp tục lọc máu cho tới khi nào kiếm
được thận để mổ ghép thận. Người ta
có thể xin thận của anh chị em bà con, hoặc là ghi tên đợi xin thận từ những
trung tâm lấy được thận của những người khỏe mạnh bị chết vì tai nạn rồi phân
phối đi khắp nước Mỹ. Dĩ nhiên là người ta phải thử, để coi thận của người cho
có hợp với bệnh nhân hay không.
Trường hợp bại thận
cấp tính, như là bị phỏng nặng chẳng hạn, thì chỉ cần lọc máu trong ít ngày hay
một vài tuần, để đợi cho thận trở lại được như thường.
Cũng có những trường
hợp ngộ độc nặng vào phòng cấp cứu, người ta phải lo cấp cứu về hô hấp và tuần
hoàn, đồng thời lọc máu để thải chất độc ra ngoài.
Lọc máu bằng thận
nhân tạo
Lọc máu bằng
"thận nhân tạo", là lấy máu từ cơ thể cho chạy qua một cái máy lọc, gọi
là dialyzer. Vì cứ mỗi tuần mấy lần, phải chích kim vào mạch máu (tĩnh mạch) để
hút máu cho chạy vào máy lọc, cho nên phải kiếm cách làm cho gân máu lớn ra để
chích lấy máu cho dễ.
Ở chỗ cánh tay thường
chích lấy máu, người ta mổ nối động mạch với tĩnh mạch (gọi là artery-vein
fistula, có khi chỉ nói gọn là fistula). Giòng máu ở động mạch từ tim vọt ra
cho nên chảy rất mạnh, còn máu ở tĩnh mạch chạy về tim thì chậm chạp nhẹ nhàng.
Nay máu phùn phụt từ động mạch qua bên tĩnh mạch cho nên làm cho tĩnh mạch phồng
to lên, thành ra chỗ lấy máu để chuyển qua thận nhân tạo rất dễ dàng.
Nếu nối động
mạch với tĩnh mạch bằng một cái ống nhỏ đặt bên trong da, thì chỗ lấy máu phồng
lên không gọi là fistula, mà gọi là graft. Từ lúc mổ để tạo fistula cho đến lúc
dùng được, thì mất vài ba tuần lễ, còn graft thì phải đợi mấy tháng mới dùng được.
Cái chỗ phồng lên để lấy máu, nếu để tay lên sờ, thì cảm thấy máu chạy "rà
rà". Mới đầu thì thấy hơi kỳ kỳ, nhưng lâu dần rồi quen đi, cánh tay vẫn
làm việc được như thường, kể cả chơi thể thao như bóng bàn, quần vợt.
Muốn lọc máu, người
ta lấy máu ra bơm vào máy lọc, có pha một chút thuốc kháng đông cho máu khỏi
đông. Về căn bản, máy lọc (thận nhân tạo) có một cái màng phân chia máu với một
chất lỏng có thành phần hóa học tương tự như chất lỏng trong cơ thể người ta.
Áp suất bên phía chất lỏng thấp hơn phía có máu. Cái màng có những lỗ nhỏ li
ti, cho nên các chất cặn bã, chất độc cũng như nước thừa ở bên máu thấm qua
màng sang bên kia và được lọc bỏ đi.
Còn những huyết cầu và chất đạm trong máu,
vì lớn hơn nên được giữ lại. Máu đã lọc sạch sẽ rồi được bơm trở lại cơ thể. Mỗi
lần lọc như vậy cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Những máy tân tiến gần đây thì
nhanh hơn nhưng cũng phải vài giờ một lần. Như đã nói trên, phần lớn người bị bại
thận kinh niên mà chưa mổ ghép thận mới, thì cần lọc máu mỗi tuần chừng ba lần.
Vì có thuốc kháng đông, nên sau khi lọc máu trong vòng mấy tiếng đồng hồ, nếu để
bị chảy máu thì sẽ bị chảy nhiều và lâu hơn thường. Vì vậy bệnh nhân phải hết sức
tránh rủi ro chảy máu, như là không được cạo râu, dùng dao để cắt, gọt, ... Nếu
đi xe, thì hết sức cẩn thận để khỏi bị tai nạn.
Lọc máu qua màng bụng
Ở trong bụng người
ta, có một cái màng bao bọc các bộ phận trong bụng. Cái màng này có tính chất
như một cái màng lọc, diện tích khá lớn lại có một mạng lưới mạch máu phong
phú. Vì vậy có thể lọc máu bằng cách bơm chất lỏng (như đã nói ở phần thận nhân
tạo) vào trong bụng, để yên một thời gian cho các chất độc và nước thừa ngấm từ
máu qua, rồi rút chất lỏng có chứa cặn bã ra khỏi bụng. Vì cái màng bụng tên là
peritomeum, nên cách lọc này gọi là peritoneal dialysis. Lọc máu cách này thì
có thể luyện cho bệnh nhân hoặc thân nhân làm lấy tại nhà sau khi bác sĩ đã mổ
gắn cho một cái ống thông vào trong màng bụng ló đầu ống ra ngoài, có một cái
"nắp", khi dùng thì mở ra, xong rồi đóng lại.
Lọc máu qua màng bụng
không phải mất thời gian chờ đợi làm cái fistula hay cái graft như trường hợp
thận nhân tạo.
Có nhiều kiểu lọc
qua màng bụng. Kiểu đơn giản nhất, không cần máy móc gì. Mới đầu hâm bịch nước
lỏng trong microwave cho ấm lên. Treo cái bịch cao lên, rồi truyền từ từ vào bụng
qua đầu ống ở bụng. Khi chất lỏng yên vị trong bụng rồi, thì đậy nắp ống lại,
và có thể đi lại hoạt động như thường (hay gần gần như thường). Đợi năm sáu tiếng
đồng hồ cho máu lọc xong, thì từ từ tháo nước ra.
Kiểu khác, thì dùng
một cái máy bơm tự động, có định giờ (timer), tự động bơm chất lỏng vào bụng, rồi
tới giờ thì tự động rút ra. Những máy mới rất gọn nhỏ, chỉ bằng một cái va li
nhỏ, và có thể cho máy làm việc ban đêm trong khi bệnh nhân ngủ. Cũng có những
máy dùng cả ban ngày và ban đêm, chu kỳ dài ngắn khác nhau có thể thay đổi cho
hợp với sinh hoạt của bệnh nhân.
Bác sĩ: Vũ Quí Đài & Nguyễn
Văn Đức/baomai