Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Những khó khăn trong việc kiểm soát virus corona



Các chuyên gia y học quốc tế mới đây cho biết những hiểu biết cho đến nay về chủng mới của virus corona bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc khiến họ cảm thấy lo lắng về khả năng kiểm soát bệnh dịch này. 
Ảnh minh hoạ virus corona (Ảnh: Shutterstock)

Virus corona mới có thể lây từ người sang người, thậm chí lây nhiễm ngay từ khi người bệnh chưa biểu hiện triệu chứng. Người bị nhiễm có thể tiếp tục lây cho người tiếp theo thành dây chuyền. Thời gian ủ bệnh kéo dài đến nỗi người mang mầm bệnh không nhớ họ đã từng đến đâu, tiếp xúc với những ai. Việc xét nghiệm xác nhận người bệnh có nhiễm virus hay không cũng không hoàn toàn chính xác.

Ban đầu, một số chuyên gia đã cảm thấy nhẹ nhõm khi virus corona mới cho thấy tỷ lệ tử vong ở người không cao như người bị nhiễm SARS, Ebola hay một số bệnh dịch gần đây. Nhưng, bây giờ họ dấy lên quan ngại rằng virus corona mới vẫn có thể khiến nhiều người tử vong nếu nó lây lan rộng hơn những loại virus trước đó.
Chuyên gia Marc Lipsitch của Đại học Y tế Cộng đồng Harvard cho biết: “Mức độ quan ngại đang tăng lên” cùng với những hiểu biết mới nhất về sự lây lan của virus corona mới.
Cho tới sáng 3/2, trên toàn thế giới đã có hơn 17.300 người nhiễm virus corona mới và 362 ca tử vong, hầu hết ở Trung Quốc, chỉ mới có 1 trường hợp tử vong ở Philippines. Virus này đã lây lan ra ít nhất 26 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, nhưng phần lớn các nước ngoài Trung Quốc đều có ít trường hợp nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, Viện Y tế Quốc gia Mỹ nói trong một cuộc họp báo hôm 31/1 rằng: “Rủi ro lây nhiễm virus corona trong cộng đồng Mỹ vẫn thấp, nhưng chúng tôi muốn giữ ở mức độ thấp này.
Dưới đây, hãng tin AP chỉ ra một số đặc tính của virus corona mới có thể khiến bệnh dịch do virus này gây ra ngày càng trở lên khó kiểm soát hơn:
Khả năng bội nhiễm
Các nhà khoa học Trung Quốc tuần trước đăng báo cáo trên Tạp chí Y khoa New England cho rằng dựa trên 425 trường hợp nhiễm virus corona mới đầu tiên tại Trung Quốc, ước tính mỗi người bệnh truyền nhiễm cho trung bình 2,2 người khác. Mức bội nhiễm này cao hơn so với cúm thường, nhưng thấp hơn so với SARS – cũng do một loại virus corona gây ra, bùng phát vào năm 2002-2003 khiến hơn 8.500 người nhiễm bệnh và hơn 800 ca tử vong trên toàn cầu.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Robert Webster của Viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude với kinh nghiệm lâu năm nghiên cứu về bệnh dịch nói rằng: “[Virus corona mới] có vẻ như là loại virus có khả năng truyền nhiễm rất cao.
Các nhà khoa học cho đến nay cũng chưa rõ liệu loại virus corona mới này sẽ yếu đi hay mạnh hơn khi nó lây lan.
Chúng ta vẫn còn phải tìm hiểu về đặc tính của loại virus này. Chúng ta chưa biết hết toàn bộ khả năng của nó,” ông Webster nói.
Khả năng truyền nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh
Mối lo ngại lớn nhất về virus corona mới là nó có thể lây truyền kéo dài, trong đó một người lây truyền virus sang người khác và người đó tiếp tục truyền sang người khác nữa, tạo thành dây chuyền nhiễm bệnh. Một mối lo lắng liên quan là những người không có triệu chứng bệnh vẫn có thể truyền nhiễm cho người khác.
Hôm 30/1, các nhà khoa học loan báo rằng một phụ nữ Trung Quốc chưa có triệu chứng bệnh đã truyền nhiễm cho một người đàn ông tại Đức khi bà này có chuyến công tác kinh doanh tại quốc gia Châu Âu này. Sau đó, người đàn ông Đức tiếp tục truyền nhiễm virus cho nhiều đồng nghiệp trước khi ông ta xuất hiện các triệu chứng bệnh. Một đứa trẻ con của một đồng nghiệp của người đàn ông Đức bây giờ cũng đã được xác nhận nhiễm virus corona mới.
Tiến sĩ Anthony Fauci nói rằng cái gọi là truyền nhiễm không triệu chứng này “đặt gánh nặng khủng khiếp lên quá trình sàng lọc [người bệnh”. Quá trình sàng lọc bệnh dịch chủ yếu phải dựa vào các triệu chứng để phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh và theo dõi các tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh để giới hạn lây lan.
Tiến sĩ Ashish Jha, chuyên gia y tế toàn cầu Đại học Harvard cho biết nếu virus corona mới có thể lây lan rộng rãi từ người sang người hoặc không gây ra triệu chứng, thì “nó sẽ lây truyền nhanh hơn và có thể trong thời gian lâu hơn những gì chúng ta nhận định ban đầu”.
Tỷ lệ tử vong
Theo số liệu nhà nước Trung Quốc công bố, thì tỷ lệ tử vong trên người bệnh do nhiễm virus corona mới vào khoảng 2% tới 3%. Tiến sĩ Fauci cho rằng tỷ lệ này có thể còn thấp hơn nhiều nữa vì nhiều trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng chưa được xác nhận là đã nhiễm bệnh.
Dịch SARS năm 2002-2003 có tỷ lệ tử vong vào khoảng 10%. Chuyên gia Marc Lipsitch cho biết tỷ lệ tử vong của bệnh cúm thường chỉ là 0,1%, nhưng nó khiến hàng trăm nghìn người trên toàn cầu tử vong mỗi năm vì cúm thường truyền nhiễm cho hàng triệu người. Do đó, ông Lipsitch cho rằng bệnh dịch virus corona mới lần này có thể là rất nghiêm trọng nếu xét về việc nó sẽ khiến bao nhiêu người tử vong.
Tính cho tới sáng 3/2, giới chức Trung Quốc thừa nhận tổng số ca tử vong tại Trung Quốc do virus corona mới gây ra đã vượt quá tổng số ca tử vong do dịch SARS trước đây. Toàn thế giới hiện đã có 17.387 ca nhiễm, 362 ca tử vong.
Thời gian ủ bệnh dài
Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính virus corona mới có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 5 ngày, nhưng cũng nói thêm rằng có những trường hợp thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 14 ngày.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Robert Webster cho rằng thời gian ủ bệnh kéo dài như vậy có thể là một vấn đề.
Mọi người có thể di chuyển khỏi nơi họ nhiễm bệnh và thậm chí họ không nhớ được những nơi họ từng tới,” ông Webster nói.
Kết quả xét nghiệm không hoàn toàn chính xác
Cho tới nay việc xác định một người có nhiễm virus hay không vẫn còn là khó khăn lớn của giới y học toàn cầu. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) có phương pháp xét nghiệm của riêng họ để xác định người nhiễm virus, nhưng họ cũng chưa đủ tự tin về độ chính xác của phương pháp này để có thể phổ biến cho các nước khác áp dụng.
Tiến sĩ Fauci nói trong cuộc họp báo hôm 31/1 rằng: “Nếu chúng ta có phương pháp xét nghiệm chính xác tuyệt đối, rất rõ ràng và cụ thể, thì chúng ta có thể kiểm tra cho mọi người và nói ‘được rồi, bạn khỏe và có thể đi’. [Nhưng], chúng ta không biết về độ chính xác của phương pháp xét nghiệm này”.
Chuyên gia Lipsitch cũng cho rằng độ chính xác của phương pháp xét nghiệm để lại một khoảng trống đáng kể.
Bất kể yếu tố nào khiến cho khó chắc chắn một người có nhiễm bệnh hay không, thì cũng làm cho việc kiểm soát bệnh dịch khó khăn hơn,” ông Lipsitch nói.
Xuân Thành / Trithucvn