Chi phí chữa bệnh tại Mỹ cao hơn nhiều quốc gia ở Âu Châu và Nhật Bản. (Hình minh họa: Getty Images)
Nhắc đến chuyện nghèo, chúng ta nhớ lại hình ảnh của một nhân vật
“con nhà nghèo” trong tập truyện cùng tên, xuất bản năm 1930 của nhà văn
Hồ Biểu Chánh. Cuốn tiểu thuyết này mô tả hoàn cảnh của một nông dân
Nam Bộ là Cai tuần Bưởi, một anh nông dân hiền lành chất phác, cần cù
lao động, thuộc loại “con nhà nghèo.”
Vợ chồng quanh năm “dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ” vẫn nghèo, cơm
không đủ no. “Năm nào lúa thất, đong lúa rồi không còn dư hột nào, thì
phải lo làm mướn đặng lấy số tiền mà độ nhựt.” Trong câu chuyện này,
không nghe Ông Hồ Biểu Chánh nói chuyện gia đình Cai tuần Bưởi gặp lúc
đau ốm, thì ra làm sao?
Một số người Việt chạy nạn Cộng Sản từ năm 1975 tới nay sinh sống ở
Mỹ, vì khó khăn, thu nhập thấp, không có tài sản, thuộc tiêu chuẩn ‘vô
sản” nên được nước Mỹ cưu mang, xếp cho vào loại con nhà nghèo.
Con nhà nghèo ở Mỹ thì có trợ cấp tiền mặt, phiếu thực phẩm, trợ cấp
gia cư, vào bệnh viện chữa bệnh không mất tiền, đi bác sĩ và mua thuốc
tốn phí đã có chính phủ lo. Không có phương tiện đi khám bệnh hay giải
trí, đã có xe “nhà nước,” ở nhà ốm đau, già yếu, không vào bếp được cũng
có người “chính phủ” đến phụ việc nấu nướng.
Cái câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe hoài, nghe mãi, là: “Ở Mỹ,
một là thật giàu, hai là thật nghèo, chứ dở dở ương ương là chết!”
Mới đây trên một tờ báo Việt ở Orange County có kể câu chuyện gia
đình một đại gia thành đạt ở Sài Gòn, có dịp đi du lịch, ghé thăm vợ
chồng một người bạn cũ thời niên thiếu ở Mỹ. Ông bà đại gia này ở Việt
Nam có xe hơi sang, nhà nhiều phòng, có tiền tích lũy trong ngân hàng,
nhà có hai người giúp việc, có tài xế túc trực lái xe mỗi ngày. Nhưng
khi đến thăm người bạn cũ, họ thất kinh, khi được rõ thế nào là gia đình
một người “con nhà nghèo” ở Mỹ.
Hai vợ chồng “con nhà nghèo” đang chạy một chiếc xe Toyotya Camry
2012, ở một căn apartment 2 phòng, tiền thuê theo giá thị trường hiện
nay khoảng $1,600, nhưng có trợ cấp housing, đôi vợ chồng này chỉ trả
cho chủ nhân $420 mỗi tháng. Mỗi tháng họ có tiền trợ cấp của chính phủ
Mỹ, đủ lo việc ăn uống, trả tiền thuê nhà, thêm một ít phiếu lương thực
(foodstamp) để đi chợ mua thức ăn. Thỉnh thoảng họ cũng có đủ tiền đi
thăm con cái ở một vài tiểu bang khác. Vợ chồng “con nhà nghèo” ở Mỹ
này, đau ốm đi bác sĩ, mua thuốc khỏi tốn tiền. Ngạc nhiên quá đỗi là
trong khi bà bạn ngồi đánh bài tứ sắc với mấy bà lối xóm, thì có “người
giúp việc” đến nấu, dọn ăn và quét dọn nhà cửa. Nếu có hẹn phải đi bác
sĩ thì cũng có người đưa rước!
Lúc ngặt nghèo, vào bệnh viện, họ cũng được đối đãi như những đại gia
khác (tầng lớp có lương cao, hay bác sĩ kỹ sư…) Họ được một phòng
riêng, hưởng tiêu chuẩn thuốc men, săn sóc như mọi người khác nằm trong
bệnh viện.
Số tiền mà chính phủ trả ra hằng năm cho chuyện y tế của “con nhà
nghèo” này không phải là một số tiền nhỏ. Chúng ta cũng nên biết rằng
chi phí thuốc men hiện nay ở Hoa Kỳ rất đắt, gấp đôi so với những quốc
gia tiên tiến khác. Vì giới hạn của trang báo chúng tôi chỉ nêu lên ở
đây một vài quốc gia.
Ví dụ như chi phí y tế mỗi năm cho mỗi người ở Mỹ là $10,224 thì chi
phí này đắt gần gấp đôi nước Đức ($5.728) Áo ($5,440) Pháp ($4,902) và
gấp đôi đối với Nhật ($4,543) Úc ($4,717) và Anh ($4,246.)
Xin nêu một vài con số trong bài báo nêu trên và một ít tài liệu tra cứu.
Vào phòng cấp cứu có bốn giờ, xét nghiệm: $17,000. (Arizona)
Nằm bệnh viện 15 ngày: $285,000. (Rosemead, California)
Giải phẫu thay một quả thận: $120,000. Nằm bệnh viện sau giải phẫu
thận: $40,000 một tuần – Sinh mổ: $17,542- Chăm sóc em bé trong ba ngày:
$9,350 (Illinois)
Một ca sinh mổ và nằm bệnh viện ba ngày: $16,280. (Westminster, California)
Sinh con, nằm bệnh viện một tuần: $106,000. (Florida)
Sinh đôi, con phải nằm lồng kính trong ba tháng. Phần con: 5 triệu-
Phần chi phí cho mẹ: $65,000 (Avocate Illinois Masonic Medical Center.)
Chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi (mỗi ngày): $4,825
Chăm sóc trẻ sơ sinh thông thường (mỗi ngày): $2,943 (FAIR Health, Hoa Kỳ)
Chụp MRI: $6,000 một lần- 5 tiếng nằm trong bệnh viện: $24,066. (Chicago, Illinois)
Lọc thận (mỗi năm): $89,000 cho một người. (USA).
Cũng nên biết qua những tốn phí khi bệnh nhân phải vào bệnh viện để
giải phẩu, đó là chi phí phải trả cho bác sĩ phẫu thuật, chi phí hóa
trị, tiền thuốc, chi phí xạ trị, chi phí gây mê. Tổng cộng chi phí cho
một lần phẩu thuật như vậy không phải là nhỏ.
Một ca mổ tim- làm bypass: $70,000- $200,000. (California)
Một ca mổ ruột thừa (appendix): $33.000 (có bệnh viện lên đến $200.000.)
Một ca mổ ruột sa (hernia): $4,000 đến $11,000.
Chỉ tính chi phí riêng cho bác sĩ gây mê: $3,985.
Khi phải vào bệnh viện để giải phẩu, tiền nằm bệnh viện khá cao. Ở Orange County, California, giá của:
-Fountain Valley Regional Hospital & Medical Center: $989.
-Hoag Memorial Hospital Presbyterian: $1,037 cho mỗi ngày. (Chưa bao gồm thuốc thang hay bác sĩ, y tá chăm sóc.)
Nằm trong nursing home: $225 mỗi ngày – $6,844 cho mỗi tháng (phòng
hai người), $253 mỗi ngày hay $7,698 mỗi tháng cho phòng một người.
Thử nhìn lại, giới con nhà nghèo chúng ta, từ ngày đặt chân lên đất
Mỹ đến nay, đã tiêu xài của nước Mỹ bao nhiêu tiền, trong đó phải nói là
chi phí y tế của mỗi người coi như tốn kém nhất. $500,000; $1,000,000
hay hơn thế nữa?
Chúng ta đang sinh sống ở Mỹ, nếu không có bảo hiểm sức khỏe hay
không thuộc giới “con nhà nghèo,” và với tốn phí y tế cao như vậy, không
tiền chắc phải chịu chết, mà có tiền cũng “thà chết còn hơn,” không dám
gọi xe cấp cứu 9-1-1 để được đưa vào bệnh viện!
Nhưng ở Hoa Kỳ, tất cả những chi phí y tế của “con nhà nghèo” đều do
quỹ Medicare của Liên Bang và Medicaid của tiểu bang trả, mà các bệnh
nhân này không phải bỏ ra một đồng nào.
Trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, đây là một vấn đề khá tế nhị, chúng
tôi chỉ xin trích lời của Bác Sĩ Nguyễn Hùng, hiện nay đang hành nghề
tại Quận Cam, đã nói với phóng viên Người Việt.
“Điều tôi trăn trở nhất, là hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ tồn tại nhiều
bất công cho những người “tax payer.” Họ đi làm đóng thuế cả đời, tới
khi về già 65 tuổi, được hưởng Medicare. Nhưng Medicare lại chỉ chi trả
khoảng 80% tiền thuốc mà thôi. Trong khi đó, có những người không đi làm
gì, hoặc làm rất ít để giữ cho ‘low income,’ không đóng thuế gì hết,
thì lại được chính phủ cho MediCal, loại bảo hiểm này rất mạnh, chi trả
gần như toàn bộ tiền thuốc.”
Vậy mà cũng chưa thỏa mãn. Nhiều vị cao niên còn mạnh khỏe, đi đứng,
lái xe được, còn hưởng thêm khoản day-care, đến tập luyện, vui chơi, ăn
uống tại những địa điểm của các nhà thầu tư nhân thiết lập.
Vụ này quỹ Medicare còn phải chi thêm cho quý vị, một ngày $70. Trung
bình mỗi năm những người này tiêu thêm của chính phủ $20,000. Có những
dịch vụ xoa bóp (massage) nếu được các bác sĩ chứng nhận là trị liệu
(theraphy) cũng được Medicare thanh toán.
Phụ nữ nuôi con bằng sữa được cấp máy hút sữa: $200. Chúng ta xin cấp
xe lăn điện (power wheelchair) nhưng không dùng đến, giá mỗi xe chính
phủ phải trả ra từ $12,000 cho đến $21,000.
Trong khi đó giá xe cao nhất ở RehabMart là $3,000 và ở Walmart có loại rẻ nhất chỉ có $600.
Chúng ta xin cấp tã lót vô hạn định, dùng không hết. Giá tã $12/bịch x
2 = $24 nhưng Medicare phải trả $42.50. Một bác sĩ cho biết, bị bệnh
cao huyết áp, phải dùng thuốc Telmisartan 40 mg, giá Medicare phải trả
là $80 một vỉ. Trong khi đó, nếu mua ở hiệu thuốc bên ngoài, giá chỉ còn
$30!”
Tục ngữ Việt Nam có câu “Con nhà lính, tính nhà quan!”
Chúng ta là “con nhà nghèo” ở Mỹ, nhưng số phận “Trời cho” được xài
sang, đến đỗi đại gia ở Việt Nam, lắm tiền nhiều bạc, qua đây, trông
thấy còn phải “thất kinh, rụng rời!”
Vậy, tu mấy kiếp mới được xếp loại “con nhà nghèo” ở Mỹ?
Huy Phương/nguoiphuongnam