Tôi đánh giá những sáng tác thơ của mình phải đứng đầu trong tỉnh. Nhưng giới phê bình lại xếp tôi thứ hai. Thế cũng được, nhưng phải thừa nhận rằng tài năng của người đứng đầu quả thực không bằng tôi
Tôi bị ung thư chỉ sống được một tuần nữa nên lặng lẽ gọi vợ vào dặn dò. Vợ tôi nuốt lệ gật đầu:
– Em sẽ làm theo lời mình.
Một tuần sau, tôi qua đời. Hội Nhà văn tỉnh long trọng tổ chức tang lễ cho tôi. Lão Lưu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, đọc điếu văn bằng giọng khàn khàn. Lão ấy vẫn hay coi thường thơ của tôi.
“Sự ra đi của nhà thơ Trương Tam là một tổn thất to lớn của nền thơ ca tỉnh nhà…”.
Như tôi đoán, lão ấy không cho hai chữ “cực kỳ” vào câu “tổn thất to lớn”. Vợ con tôi vừa nghe thấy lão Lưu đọc “tổn thất to lớn” mà không có “cực kỳ” liền gào toáng lên làm lão không thể đọc tiếp. Mấy cán bộ của Hội Nhà văn tỉnh bước đến an ủi gia đình tôi, ra hiệu lão tiếp tục.
“Sự ra đi của nhà thơ Trương Tam là một tổn thất to lớn của…”
Khi lão Lưu đọc lại một lượt nữa, người nhà tôi tiếp tục gào khóc. Lão đứng trầm ngâm một lúc rồi bước đến vợ tôi, khẽ hỏi:
– Phu nhân, trước khi nhắm mắt nhà thơ có để lại cho tổ chức lời nhắn nhủ gì không?
Vợ tôi gật đầu quay sang nhìn tôi:
– Có! Trong lòng bàn tay ông ấy có viết mấy chữ, bảo phải cho vào trong điếu văn.
– Nào! Mau xem xem! – Lão Lưu sải bước đến bên thi thể.
Hai chữ “cực kỳ” viết bằng mực đang nằm trong lòng bàn tay tôi. Lão Lưu hiểu ý ngay. Lão ấy biết tôi muốn thay “tổn thất to lớn” thành “tổn thất cực kỳ to lớn”. Lão lúng túng:
– Điếu văn về nhà thơ Trương Tam là do lãnh đạo Hội Nhà văn tỉnh thảo luận rồi thống nhất, tôi không có quyền sửa đổi.
Người nhà tôi lại gào khóc.
Lão Lưu bối rối. Thằng cha này tuy coi thường, nhưng không có hiềm khích với tôi. Kẻ đối đầu thật sự với tôi chính là tên Phùng, Chủ tịch Hội Nhà văn. Hắn được giới phê bình thổi phồng thành nhà thơ đứng đầu tỉnh. Khi tôi còn sống, chính hắn đã ra sức chèn ép tôi. Bây giờ tôi chết rồi mà vẫn không tha.
Lão Lưu bước ra khỏi nhà tang lễ, rút điện thoại gọi cho tên Phùng. Hắn không đồng ý sửa lời điếu. Nét mặt mệt mỏi, lão Lưu nói với vợ tôi:
– Chữ “cực kỳ” mà nhà thơ để lại rất khó thêm vào.
Người nhà tôi lại lăn ra khóc.
Hai lông mày đang cau đột nhiên giãn ra, mắt lão Lưu sáng bừng lên, chắc nghĩ ra được chuyện gì đây. Lão lại gọi điện cho tên Phùng Chủ tịch. Tôi liếc mắt nhìn theo thấy lão Lưu hớn hở rõ. Lão thoăn thoắt đến trước micro, giọng thống thiết:
“Sự ra đi của nhà thơ Trương Tam là một tổn thất CỰC KỲ to lớn của nền thơ ca tỉnh nhà…”.
Sao vậy? Nói sửa là sửa được ư? Điều này nằm ngoài dự đoán của tôi. Thế là tôi yên trí vào lò thiêu.
Trước khi vào lò thiêu, tôi nghe thấy cuộc đối thoại giữa lão Lưu và tay chủ nhà tang lễ.
– Ông làm thế nào mà thuyết phục được Phùng Chủ tịch vậy?
Lão Lưu đáp:
– Tôi nói rằng, sau này khi ông ấy xuống suối vàng, tôi sẽ thêm một chữ “cực” vào lời điếu cho ông ấy thành: “Sự ra đi của Phùng Chủ tịch là một tổn thất CỰC CỰC KỲ to lớn của nền thơ ca tỉnh nhà”.
Truyện vui của Mã Sơn (Trung Quốc)-Hiếu Văn (dịch) / anle20