Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi nhưng đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động . Vì vậy, việc giảm nguy cơ bị đột quỵ là vô cùng quan trọng.
Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần. Vì vậy, việc phòng phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.
Dưới đây là một số biện pháp cần chú ý giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế bia rượu
Hút thuốc lá từ lâu đã được biết đến là nguy cơ đầu tiên gây ung thư phổi và các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch máu não. Không những người hút trực tiếp mà người hút thụ động cũng bị ảnh hưởng. Nếu bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm được nguy cơ gây đột quỵ, theo nghiên cứu nếu bỏ thuốc lá sau 2 năm sẽ giảm 50% nguy cơ đột quỵ. Sau 5 năm, nguy cơ mắc bệnh đột quỵ sẽ gần như người không hút thuốc.
Đối với người bị xơ vữa mạch cảnh hay xơ vữa mạch vành việc ngừng hút thuốc cùng với điều trị sẽ giúp các mảng xơ vữa thoái triển. Hạn chế bia rượu cũng giúp trái tim khỏe mạnh hơn, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
- Kiểm soát huyết áp
Nếu mắc tăng huyết áp người bệnh cần dùng thuốc và tái khám định kỳ để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ, vì vậy việc kiểm soát tốt huyết áp giúp giảm thiểu được nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý mạch máu.
Mức huyết áp mục tiêu bao gồm: Ở người bình thường dưới 140/90 mmHg. Ở bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc bệnh thận mạn huyết áp dưới 130/80 mmHg. Ngoài ra người tăng huyết áp cần có chế độ ăn chế độ ăn lành mạnh, đặc biệt hạn chế muối. Tập luyện thể lực và duy trì cân nặng hợp lý. Có lối sống vui vẻ, thoải mái, hạn chế rượu bia, thuốc lá và những stress trong cuộc sống.
- Kiểm soát các bệnh lý tim mạch
Nếu có bệnh lý liên quan đến tim mạch cũng cần dùng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Theo nghiên cứu bệnh tim mạch là nguy cơ thứ 2 dẫn đến đột quỵ, việc kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch bằng thuốc và theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, góp phần giảm nguy cơ đột quỵ và có một trái tim khỏe mạnh.
- Kiểm soát mỡ máu
Rối loạn mỡ máu là yếu tố nền tảng trong cơ chế gây nên xơ vữa động mạch. Mỡ máu cao tích tụ trong thành mạch làm cho thành mạch trở nên xơ vữa gây hẹp lòng mạch khiến thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể, trong đó có não bộ.
Việc kiểm soát mỡ máu quan trọng nhất vẫn là chế độ ăn giảm chất béo và tăng cường hoạt động thể thao .Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát nếu được các bác sĩ chỉ định. Người bệnh không tự ý dùng thuốc theo mách bảo để tránh hệ lụy cho sức khoẻ.
Tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não từ 2 – 4 lần. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết phải thật chặt chẽ sẽ tránh được những biến chứng nặng nề lên mắt, thận, đột quỵ…
Với người bệnh tiểu đường đường nên có máy thử đường huyết tại nhà để kiểm tra đường huyết khi cần thiết. Tăng hoạt động thể lực để giúp cơ thể nhạy cảm với Insulin, dùng thuốc đúng liều lượng của bác sĩ để kiểm soát tốt đường huyết. Hạn chế các loại bánh ngọt, kẹo các thức ăn có lượng đường cao.
- Cần thường xuyên tập thể dục
Đây là biện pháp đơn giản nhưng mang đến rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp ngăn ngừa đột quỵ mà còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khác cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông thường các nghiên cứu chỉ ra cần duy trì luyện tập mỗi lần tập ít nhất 30 phút. 5 ngày mỗi tuần. Tập theo khả năng của bản thân hạn chế gắng sức và quan trọng là lựa chọn môn tập phù hợp. Ví dụ đối với người già nên chọn môn tập luyện nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh. Đối với người trung niên và người trẻ lựa chọn các môn như bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga hoặc bất kỳ một môn thể thao yêu thích để giải tỏa căng thẳng sau làm việc, giúp nâng cao sức khỏe.
- Cần có chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn cân đối giúp chúng ta có đủ năng lượng sinh hoạt và phòng ngừa bệnh tật tốt hơn. Ăn đầy đủ các nhóm chất sau:
- Ăn đủ chất đường bột gồm cơm, miến, bún… giúp duy trì hoạt động các dây thần kinh trung ương và các hoạt động khác của cơ thể.
- Chất đạm gồm thịt cá, trứng, sữa… giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu và tăng cướng sức khoẻ.
- Khuyến khích sử dụng chất béo thực vật, hạn chế chất béo động vật. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Tăng cường vitamin và khoáng chất gồm rau, trái cây và ngũ cốc: Có nhiều chất xơ và khoáng chất, giúp kiểm soát được cân nặng, hạ cholesterol máu.
- Giảm muối: Không cho thêm muối vào món ăn đã được chế biến, việc ăn muối quá mặn sẽ làm tăng huyết áp, mà tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
- Kiểm soát và duy trì cân nặng
Việc kiểm soát cân nặng tránh tình trạng béo phì là vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ. Với một người thừa cân nguy cơ đột quỵ tăng 40% mỗi khi BMI tăng thêm 5kg/m2 trên mức 25 kg/m2.
Vòng eo khuyến khích: Nam dưới 90cm, nữ dưới 80cm. Nếu cao hơn số khuyến khích, nguy cơ đột quỵ tăng đáng kể.
Ngoài ra, để kiểm soát được cân nặng cần có chế độ ăn hợp lý bằng việc ăn uống đúng giờ kết hợp khẩu phần ăn cân đối, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ. Ngủ đủ giấc đúng giờ và thường xuyên tập thể dục.
Việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh nếu có để kiểm soát tốt cũng là việc làm vô cùng cần thiết.
khoahocdoisong