Ăn gì tốt cho thận và giúp ngăn ngừa bệnh thận mạn tính là điều băn khoăn của rất nhiều người.
Trong cơ thể, thận thực hiện nhiều vai trò quan trọng như lọc máu, loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, sản xuất hormone kích thích sản xuất tế bào hồng cầu và điều chỉnh huyết áp,... Chính vì thế, sở hữu 2 quả thận khỏe mạnh là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.
Theo Jeff Giullian, Giám đốc của một Hệ thống chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về Thận tại Denver (Mỹ), bệnh thận mạn tính là một tình trạng xảy ra khi thận bị mất một số chức năng. Điều này khiến cho độc tố có thể tích tụ lại trong cơ thể, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác nhau.
Bệnh thận mạn tính là một tình trạng khá phổ biến, thế nhưng bệnh lại không có những triệu chứng rõ ràng cho tới khi đã ở giai đoạn tiến triển. Ở các giai đoạn muộn, bệnh thường gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tổng thể.
Theo Dữ liệu mới nhất của Viện Tiểu đường, Bệnh tiêu hóa và Thận Quốc gia Mỹ, có khoảng 37 triệu người Mỹ mắc bệnh thận mạn tính. Trong khi đó, dữ liệu mới nhất của Quỹ Thận Quốc gia Mỹ cho thấy có tới 90% số người bị bệnh thận mạn tính không hề biết mình mang bệnh này.
CDC Mỹ cho biết bệnh thận mạn tính là nguyên nhân gây tử vong thứ 10 tại quốc gia này.
2 yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn tới bệnh thận mạn tính
Theo CDC Mỹ, 2 yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của bệnh thận mạn tính là tiểu đường và huyết áp cao. Cơ quan này cho biết thêm, hai tình trạng này chiếm khoảng 75% số trường hợp mắc bệnh thận mạn tính tại Mỹ.
Quỹ Thận Quốc gia Mỹ giải thích, mỗi quả thận được tạo thành từ hàng triệu bộ lọc nhỏ (nephron). Đường huyết cao kéo dài có thể làm tổn thương các mạch máu trong các bộ lọc của thận, khiến lượng máu tới thận không đủ và gây suy giảm chức năng thận.
Ngoài ra, đường huyết cao cũng có thể gây tổn thương các dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh truyền thông tin giữa não và bàng quang, khiến cơ thể không cảm nhận được tín hiệu cho thấy bàng quang đang đầy nước tiểu. Áp lực nước tiểu tại bàng quang cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng thận.
Thêm vào đó, nếu nước tiểu ở lại trong bàng quang lâu có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu đôi khi có thể lan tới thận.
Về mối liên hệ giữa huyết áp cao và bệnh thận mạn tính, Quỹ Thận Quốc gia Hoa Kỳ giải thích, huyết áp cao có thể làm co thắt và thu hẹp mạch máu trong thận, từ đó làm giảm lưu lượng máu tới thận, ảnh hưởng tới chức năng thận. Khi quá trình này xảy ra, thận không thể loại bỏ hết chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Chất lỏng dư thừa sẽ càng làm tăng huyết áp và gây thêm tổn thương cho thận.
10 loại thực phẩm giúp ngăn ngừa bệnh thận mạn tính
Theo Joseph Vassalotti, Giám đốc Y khoa của Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, một chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính và làm giảm quá trình mất chức năng thận ở những người đã được chẩn đoán mắc căn bệnh này.
PGS Casey M. Rebholz của Trường Y tế Công cộng, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: “Các hướng dẫn lâm sàng hiện tại đều đề cập tới lợi ích của việc tăng cường tiêu thụ rau xanh và trái cây, giảm thực phẩm nhiều acid trong chế độ ăn”. Nữ chuyên gia cho biết thêm, việc hạn chế thực phẩm nhiều muối, kali, phốt pho rất quan trọng đối với việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh thận mạn tính. Theo đó, cô đưa ra 10 thực phẩm hàng đầu cho sức khỏe của thận, đó là:
1. Nho đỏ
Quá trình lão hóa trong cơ thể có thể làm suy giảm hoặc mất dần các nephron. “Nho đỏ giàu flavonoid và resveratrol (một hợp chất thực vật được tìm thấy chủ yếu trong trái cây có màu đỏ), có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa. Các thực phẩm có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa đều có lợi cho thận”, Holly Mattix-Krame, bác sĩ chuyên khoa Thận của Trung tâm Y tế, Đại học Loyola (Mỹ), nói.
2. Quả mọng
Các loại quả mọng như mâm xôi, dâu tây, việt quất đều giàu các chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin. “Những chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ thận khỏi căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm”, Kristen Carli, một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ cho hay.
3. Các loại cá béo
Bác sĩ Mattix-Kramer cho rằng các loại cá béo, ví dụ như cá hồi, có chứa nhiều axit béo omega-3 giúp giảm viêm. Giảm viêm nhiễm là điều quan trọng để bảo đảm chức năng thận.
4. Đậu phụ
Đậu phụ cung cấp nhiều protein và tất cả các axit amin thiết yếu. Bên cạnh đó, đậu phụ còn có lượng phốt pho, kali thấp nhưng giàu omega-3 cũng như các khoáng chất như magiê. Tất cả những yếu tố này giúp đậu phụ trở thành thực phẩm được nhiều người đang có vấn đề về thận chọn lựa.
5. Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh như cải kale, cải bó xôi, cải xoong, rau ngót,... là nguồn cung cấp tuyệt vời vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Chuyên gia Carli cho biết: “Các loại rau lá xanh cũng có lượng kali thấp phù hợp với những người mắc bệnh thận đang cần kiểm soát lượng kali tiêu thụ hàng ngày”.
6. Quả bơ
Theo CDC Mỹ, sức khỏe tim mạch có mối liên quan mật thiết tới sức khỏe thận. Khi chức năng thận suy giảm sẽ làm tăng gánh nặng cho tim. Ngược lại, khi tim hoạt động không hiệu quả, lượng máu tới thận không đủ và khiến thận không thực hiện được chức năng lọc máu của mình.
Quả bơ có nhiều chất béo tốt cho tim mạch. Bơ cũng có ít natri và phốt pho - điều quan trọng để duy trì sức khỏe thận. Thế nhưng, bơ lại có chứa nhiều kai. Do đó, những người đang mắc bệnh thận mạn tính nên thận trọng khi sử dụng bơ.
7. Táo
Giám đốc Giullian cho biết: “Táo giàu chất xơ và các hợp chất chống viêm. Một chế độ ăn nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm quá trình viêm nhiễm, đặc biệt ở những người đang mắc các vấn đề về thận”.
Vị giám đốc lưu ý, vỏ táo có nhiều chất chống oxy hóa nhất. Do đó, khi ăn táo mọi người nên ăn cả vỏ.
8. Đậu lăng
Đậu lăng là nguồn cung cấp protein từ thực vật và chất xơ tuyệt vời. “Ăn nhiều protein từ thực vật hơn protein từ động vật có thể giúp giảm acid hóa (tình trạng tích tụ axit trong máu), từ đó giúp ngăn ngừa bệnh thận hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh”, Melanie Betz, một chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập The Kidney Dietitian (Mỹ), cho hay.
9. Bí ngòi
Nếu bạn muốn giảm lượng phốt pho nạp vào cơ thể, hãy lựa chọn bí ngòi. Bí ngòi là một loại rau có lượng phốt pho thấp.
10. Lòng trắng trứng
Giám đốc Giullian nói: “Lòng trắng trứng giàu protein nhưng ít phốt pho hơn những nguồn protein khác như thịt động vật hoặc thậm chí là lòng đỏ trứng”.
Nguồn: Forbes, Kidney//soha