Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Năm Mới Ôn Cũ Học Mới

 

Thế là một năm nữa lại trôi qua, bạn và tôi lại thêm một tuổi đời.  Người đời thích được “thêm” nhiều  thứ: thêm tiền nhiều, thêm xe đẹp,  thêm nhà lớn v…v… nhưng chắc chắn không ai thích thêm một tuổi già vì được lên chức “lão trượng”  hay “lão bà” cũng có nghĩa là trí nhớ thêm quên,  giò cẳng thêm yếu và phải găp bác sĩ thêm nhiều hơn nữa.  Mệt quá!

Ở đời có những điều nghịch lý vì các cô cậu tí hon thích mình mau lớn để có thể được làm những gì mình thích, còn mấy ông bà lớn tuổi thì lại muốn sống lại thời son trẻ.  Nhưng có được đâu vì chúng ta phải tuân thủ theo luật thời gian, cái gì cũng phải tuần tự vi tiến, cái gì đã qua rồi thì không thể trở lại được, phải không Bạn?

Đối với những ai "không còn trẻ nữa", sau nhiều lúc "dấn bước thăng trầm" trên bước đường danh lợi, nếm đủ vị nhục vinh trong cuộc sống, bây giờ  nhận chân ra được đời chỉ là những giấc mộng lớn, mộng nhỏ, như một thoáng mây bay mà thôi.

Người viết là một trong nhóm "không còn xuân xanh" đó xin được lui bước ẩn thân nơi chốn thiền nhàn, tìm vui trong sự chia sẻ kiến thức qua những bài sưu tầm, tâm tình qua thơ văn để sưởi ấm lòng nhau.

Xin đa tạ những bạn bè đồng tâm cảm và cũng xin tạ lỗi với những ai không cùng chung một cảm quan về cuộc đời, miễn là đừng làm đau lòng nhau là được. 

Người viết bây giờ cũng không thích tranh luận nhiều vì có tranh luận nhiều cũng chẳng đi tới đâu và cũng chẳng lợi ích gì, mà đôi khi lại còn làm mất hoà khí với nhau, làm mất tình cảm quý mến nhau nữa là khác.

Ngày xưa còn trẻ, tính tình còn nóng nảy, thành công dễ dàng trên đường học vấn và sự nghiệp , tôi cũng thích tranh luận lắm đấy chứ.  Sức mấy mà tôi chịu thua ai vì nghĩ rằng mình giỏi mình tài.  Bây giờ trải qua bao cuộc bể dâu của cuộc đờì và được dịp đi nhiều  nơi trên thế giới, tôi mới thấy còn có nhiều người còn giỏi hơn mình gấp bội. Tôi nhận ra rằng sở học và kiến thức của mình chẳng đáng vào đâu vì “Núi này cao vẫn có núí khác cao hơn nữa”.  Đối với giới trẻ ngày nay, chúng ta phải khen phục các bạn trẻ này vì nói theo phim kiếm hiệp Hồng Kông thì  đúng là  “trường giang sóng sau dồn sóng trước” rồi  

Người viết thiển nghĩ, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng cần làm đời sống chúng ta được thêm  vui vì khi chúng ta vui thì hình như chúng ta thấy mình khỏe hơn một tí, yêu đời thêm một tí và ham sống thêm một tí tị nữa.  Bạn nghĩ sao?

Xin được chia sẻ những việc cần làm cho đời sống vui mà người viết sưu tầm được trên internet.  Người viết  đem về đây làm món quà tặng quý bạn để mừng năm mới sắp đến nhé.

Việc cần làm cho đời sống vui

 

2 việc nên làm khi gặp phải điều không vui:

1. Hãy bình thường hóa nó một chút.

2. Hãy nhìn khía cạnh tích cực chứa ẩn trong đó.

 

3 thứ cần phải quên:

1. Quên đi tuổi tác.

2. Quên đi quá khứ không vui.

3. Quên đi điều làm mình bực mình và sự oán giận. 

 


 

4 thứ cần có:

1. Cần có được người hiểu và yêu mình chân thành.

2. Cần có người tri kỷ.

3. Cần có tư tưởng hướng thiện, lạc quan và thăng tiến.

4. Cần có được mái ấm gia đình.

 

5 thứ cần phải biết:

1. Biết ca hát, dù hát không hay. Vì khi gặp điều buồn, nếu bạn cố gắng hát nho nhỏ được một bài nào đó, bạn sẽ thấy nỗi buồn của bạn vơi đi rất nhiều.

2. Biết nhảy múa, dù múa không giỏi.

3. Biết nhìn ra được cái đẹp và cái tích cực trong cuộc sống.

4. Biết mỉm cười với cuộc đời, để cuộc đời mỉm cười lại với bạn.

5. Biết tha thiết và ân cần, rộng lượng và hào hiệp.

 

6 thứ không được làm:

1. Không để quá đói rồi mới ăn.

 2. Không để quá khát rồi mới uống.

3. Không để nhíp mắt lại rồi mới đi ngủ.

4. Không để quá mệt lã rồi mới chịu nghỉ.

5. Không để bệnh quá nặng rồi mới chạy chữa.

6. Không chờ đến lúc quá muộn, để rồi ngồi ân hận.

 (Nguồn:  sưu tầm trên internet)

 

Thầy Thích Tánh Tuệ thường gửi đến người viết nhiều mẫu chuyện rất hay giúp cho chúng ta suy ngẫm để tu sửa tâm tình để thành những người tốt cho mình, cho người.

Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ.

Mời bạn đọc mẫu chuyện dưới đây về sự tai hại của tính tự kiêu tự đại để cuối cùng tự hại mình mà thôi.

Khúc Gỗ Và Con Mọt

Có một khúc gỗ đang nằm nhàn hạ, đột nhiên có một con mọt từ đâu bay đến, suốt ngày cứ bò qua bò lại bên trên thân nó. Khúc gỗ không chịu được nên yêu cầu con mọt:

-Này chú mọt! Không nên bò lẩn quẩn ở đây. Chú mày nhỏ như vậy, còn ta to như thế này, chú mày yếu ớt như thế kia, ta mạnh mẽ như thế này, nếu như ta nhúc nhích một cái thì sẽ đè bẹp chú mày, đè chết chú mày ngay đấy.

Con mọt cố gắng bò đến ngực, lớn tiếng trả lời:

-Khúc gỗ! Ông đừng có tự cao tự đại, đừng có coi tôi nhỏ bé nhé. Tôi từ từ có thể gặm nát nhừ thân ông, gặm ông đến ra bột luôn đấy!

Khúc gỗ cười lớn tiếng đáp:

-Chú mọt, không nên ba hoa chích chòe như vậy, chú mày làm gì có bản lĩnh đó.

Con mọt nói chắc chắn:

-Chúng ta cũng có thể thử xem sao. 


Vì thế, con mọt bắt đầu chăm chỉ gặm nhấm khúc gỗ, sáng tối đều gặm, ngày mưa ngày mùa gì nó cũng cần mẫn gặm, cả ngày nắng đẹp trời cũng đều gặm. Năm tháng trôi qua, cuối cùng con mọt cũng gặm khúc gỗ thành ra bột.

SUY NGHIỆM:

Con người chúng ta hay phạm phải tật coi khinh người khác, coi trọng bản thân, bị tư tưởng như “ta lớn mày nhỏ”, “ta mạnh mày yếu” giam hãm trong nhà giam, cuối cùng cũng bị sập đổ biến thành một gỗ mịn. Lớn không sợ nhỏ, dương dương tự đắc. Con mọt nhỏ bé cũng đã có thể gặm nát cây gỗ, từng giọt nước nhỏ cũng làm thủng xuyên qua đá cứng, một tí phân chuột cũng làm thối cả nồi cháo, một người hư đốn có thể quậy phá long trời lở đất làm tan nát một đoàn thể.

Giống như vi khuẩn trong thân thể loài người cho đến loại vi khuẩn mà mắt thịt không nhìn thấy được, một khi truyền nhiễm lây lan dần dần vào cơ thể thì thân thể cao lớn bao nhiêu cũng đều bị mục nát sập đổ xuống. Tuy nhỏ, nhưng uy lực vô cùng, quả thật không nên coi thường!

Trong kinh Vị tằng hữu, đức Phật khai thị:

“Như giọt nước mưa, hạt sau không kịp hạt trước, tuy không kịp nhưng cũng có thể làm đầy cả chum lớn. Việc tu học trí huệ cũng giống như vậy, bắt đầu từ việc nhỏ, cuối cùng sẽ thành tựu.” Tu học Phật pháp cũng giống như vậy; làm người, làm việc cũng giống như vậy; tất cả mọi sự vật cũng đều như vậy, đều bắt tay từ việc nhỏ, mà đạt đến việc lớn. Chỉ cần có một nền tảng vững chắc, bắt đầu một cách cẩn thận, không coi thường việc nhỏ, thì lo gì sẽ không thành tựu được việc lớn? Từ cái nhỏ mà có cái lớn, bắt tay từ việc nhỏ bé, cũng giống như xước ngược cây mía, càng ăn càng ngọt càng thơm.

- Nước rơi từng giọt giọt thôi

Lâu ngày chầy tháng đến hồi tràn lu

Chút chút việc ác, mặc dù!

Ngày qua, tháng lại người ngu ác đầy!

- Nước rơi từng giọt giọt thôi

Khe mương trăm nẻo đến hồi thành sông!

Chút chút việc thiện nhẹ bồng

Mai kia vô lượng hư không cũng tràn!

(Kinh Pháp Cú thi hóa- Câu 121 122)

Như Nhiên Thích Tánh Tuệ 


 

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn- Sương Lam/nguoiphuongnam