Gừng được biết có tác dụng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Nó đã được sử dụng hiệu quả để điều trị chứng ốm nghén và buồn nôn do hóa trị.
Bản chất tổng thể của gừng là ấm. Sau khi ăn gừng một thời gian, cơ thể của bạn có thể trở nên ấm hơn đáng kể. Không chỉ vậy, gừng có tác dụng tốt trong việc giải cảm, chống buồn nôn, thậm chí lợi tiểu và trị ngộ độc thực phẩm.
Bài viết của tác giả Lynn Jaffee.
Là một bác sĩ y học cổ truyền và châm cứu, tôi thường sử dụng thuốc từ thảo dược và liệu pháp thực phẩm để điều trị cho bệnh nhân của mình.
Cả thảo mộc và thực phẩm đều có những đặc tính cố hữu. Các loại thảo mộc được coi là có tác dụng mạnh hơn, và chúng thường được sử dụng như một chất bổ sung sức khỏe, trong khi thực phẩm ít hiệu quả hơn.
Có những trường hợp ngoại lệ khi các loại thảo mộc vượt qua ranh giới của “chất bổ sung”, trở thành nguyên liệu chính trong chế độ ăn hằng ngày, và gừng là một trong số đó.
Dưới đây là một số điều thú vị cần biết về gừng, và cách sử dụng nó như một loại thảo mộc hay thực phẩm:
Bản chất tổng thể của gừng là ấm. Điều này không nhất thiết có nghĩa là nó cay, nhưng ảnh hưởng thực sự là cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy ấm hơn một chút sau khi ăn gừng.
Theo thời gian, cơ thể sẽ trở nên ấm hơn đáng kể nếu chúng ta tiêu thụ hoặc dùng gừng hàng ngày. Tại sao nó quan trọng? Gừng có thể giúp điều trị cảm lạnh mãn tính, và bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến cảm lạnh.
Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc cúm, gừng có thể giúp bạn loại bỏ nó.
Đây là công thức: Uống gừng và hành lá cắt nhỏ trong một bát canh nóng hoặc nước dùng. Tiếp đó, bạn nên ngủ trùm chăn. Kết hợp gừng và hành lá sẽ khiến cơ thể tỏa nhiệt, toát mồ hôi và đủ để xua tan cảm giác ớn lạnh.
Gừng được biết có tác dụng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Nó đã được sử dụng hiệu quả để điều trị chứng ốm nghén và buồn nôn do hóa trị.
Bạn cũng có thể bào gừng và cho vào nước nóng, hoặc bạn có thể tìm mua viên nang bột gừng ở các cửa hàng bán thực phẩm chức năng tổng hợp.
Gừng không chỉ giúp giảm buồn nôn mà còn làm ấm dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa. Trong trường hợp này, bạn có thể pha gừng với nước nóng, bạn cũng có thể ngậm một vài viên kẹo gừng hoặc thậm chí là ăn bánh gừng.
Bạn thích sushi không? Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao sushi luôn được ăn kèm với gừng ngâm chua? Nó ngon, nhưng quan trọng hơn là vì gừng chống lại độc tính của cá sống.
Ngoài ra, gừng thường được sử dụng trong một số công thức thảo dược, nhằm cân bằng tác dụng của các loại thảo mộc có độc tính nhẹ khác.
Gừng cũng có thể làm giảm các triệu chứng ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh kiết lỵ.
Nó đẩy nhanh quá trình tiết dịch vị và giúp bạn tiêu hóa thức ăn nhanh hơn. Điều này tạo ra một môi trường không thân thiện cho vi khuẩn, vốn là thứ có thể tồn tại trong cơ thể và gây bệnh cho bạn.
Nói chung, tôi thường gọt vỏ gừng và ném nó đi. Tuy nhiên, vỏ gừng cũng rất hữu ích trong y học thảo dược. Nó là một loại thuốc lợi tiểu giúp thúc đẩy tiểu tiện và giảm phù nề, còn được gọi là phù thũng.
Có nhiều cách để ăn gừng. Cách đơn giản nhất là xay nhuyễn, rồi pha với nước nóng và uống như trà.
Bạn cũng có thể cắt nhỏ hoặc chế biến gừng thành các món ăn yêu thích. Cũng có thể nướng thành bánh quy - ai mà không thích bánh gừng?
Hoặc kết hợp gừng với các thực phẩm ấm khác như cá hồi, thịt gà, tôm, tỏi tây hoặc hành tây để có một bữa ăn thịnh soạn vào mùa đông.
Bạn có thể tìm mua gừng tại các cửa hàng tạp hóa địa phương. Bản thân gừng cũng có thể được bảo quản rất lâu trong tủ lạnh.
Lynn Jaffee là một bác sĩ châm cứu được cấp phép và là tác giả của cuốn “Các bước đơn giản: Các phương pháp của người Trung Hoa để có sức khỏe tốt”.
Hoàng Tuấn(bài do bạn Bá Trần giới thiệu)