Một người không nên làm nô lệ cho cảm xúc của mình, không nên bắt mọi hành động đều chịu sự chi phối của cảm xúc, mà ngược lại ta hãy làm chủ cảm xúc của mình. Ổn định được cảm xúc là cảnh giới tu dưỡng tốt nhất của một người. Người làm chủ được cảm xúc của mình thường có thái độ sống tích cực hơn, đối với họ, cuộc sống chính là tận hưởng mỗi từng giây phút của hiện tại.
Câu chuyện 1
Tối hôm qua, em họ gọi điện nói với tôi rằng, dì tôi bị ốm phải nhập viện. Khi hay tin này, tôi cũng không chút ngạc nhiên.
Mấy năm trước, dì tôi đã phải trải qua một cuộc đại phẫu vì lý do sức khỏe. Khi xuất viện, bác sĩ đã dặn đi dặn lại dì ấy rằng phải luôn giữ tâm trạng vui vẻ, nếu không bệnh sẽ có khả năng tái phát. Tuy dì luôn miệng nhận lời, nhưng vừa về đến nhà lại lập tức bật “chế độ thịnh nộ” lên.
Em họ tôi ứng tuyển thất bại ở mấy công ty lớn, muốn nghỉ ngơi một đoạn thời gian rồi mới tìm việc sau. Dì tôi biết được, lập tức mắng mỏ con trai không có chí tiến thủ; dượng phơi quần áo trên sân thượng, khi đi xuống quên nhặt mấy cái móc áo bị đánh rơi lên, dì tôi thấy vậy, mắng dượng không có mắt. Đôi lúc, dì có việc ra ngoài về muộn, thấy cơm nước không có ai lo, dì ấy cũng có thể nổi nóng với người nhà cả ngày.
Điều đáng sợ của sự nóng giận là nó khiến chúng ta rơi vào vũng lầy của những cảm xúc tiêu cực, khiến chúng ta dễ nổi nóng với mọi người và mọi thứ xung quanh, ác khẩu làm tổn thương nhau. Ngay cả em họ cũng nhiều lần than thở với tôi: “Mỗi lần nghe mẹ quát mắng, lỗ tai em như mọc tổ kén vậy, đầu nhức không chịu được”.
Tâm trạng tồi tệ giống như những đốm lửa lan tỏa trên đồng cỏ mênh mông, cuối cùng trở thành nhân tố quan trọng khiến bệnh cũ của dì tôi tái phát. Thật đúng khi có người nói, cảm xúc ổn định cảnh giới tu dưỡng tốt nhất của một người.
Câu chuyện 2
Ngày trước, trên trang tạp chí tôi có đọc được một câu chuyện như vậy. Có hai vợ chồng giáo sư ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy” sống ở khu dân cư. Mỗi sáng, kèm theo tiếng chim hót trên cành, những người dậy sớm luôn có thể nghe thấy tiếng đọc sách trước cửa sổ của hai vợ chồng già. Mỗi khi nhìn thấy vợ chồng giáo sư, gương mặt của hai người họ đều ngập tràn niềm vui, dáng đi nhanh nhẹn, như thể cái vô tình của năm tháng chưa bao giờ khiến họ mất đi niềm tin yêu đối với mọi thứ xung quanh.
Những người hàng xóm cho biết, họ đã sống cùng khu cộng đồng với vợ chồng giáo sư hơn 10 năm, và họ chưa bao giờ nghe thấy hai người cãi vã hay buông lời khó chịu với nhau.
Sau khi nghỉ hưu, hai vợ chồng già ở nhà chăm sóc hoa cỏ, và nấu những món thanh đạm bình dị. Cuộc sống giản dị và thoải mái khiến đôi vợ chồng già đang sống hạnh phúc từng ngày nảy ra ý tưởng học tiếng Nhật. Những lúc rảnh rỗi, cả hai cùng nhau tìm hiểu những từ mới, những câu cú mà họ chưa hiểu, thỉnh thoảng lại kiểm tra bài tập của nhau, thật là càng học càng say mê.
Dù cả hai đã bạc tóc nhưng khi ở cùng với họ, bạn vẫn có thể cảm nhận được tinh thần phấn chấn càng sống càng trẻ trung của đôi vợ chồng già này. Người có thể kiểm soát được tính khí của mình thường có thái độ sống tích cực hơn và không nổi nóng với người khác. Đối với họ, cuộc sống chính là tận hưởng từng phút từng giây của hiện tại.
Câu chuyện 3
Tôi có một cô bạn khiến tôi rất ngưỡng mộ, dù có đụng phải chuyện tồi tệ thế nào, cũng rất ít khi thấy cô ấy nổi nóng.
Có đoạn thời gian, công ty cô bạn tôi sa thải nhân viên, và cô ấy trở thành một trong những nhân viên bị sa thải. Đột nhiên bị mất miếng cơm, nếu đổi lại là ai, trong lòng đều sẽ cảm thấy một sự mất mát và đau khổ nhất định. Mà chuyện chưa dừng lại ở đó, oái oăm hơn là chồng cô lúc đi đường đã không chú ý mà vượt đèn đỏ, đâm phải người đi đường, các việc sau đó đều chờ cô xử lý.
Đang tuổi trung niên đột nhiên lại bị mất việc, chỉ riêng chuyện này thôi đã đủ khiến người ta bực mình lắm rồi, lúc này người nhà lại gây họa nữa, cô ấy cũng chán nản lắm, nhưng cô biết sau khi chồng mình đụng phải người ta, việc mà mình cần làm trước tiên là chạy đi chạy lại giữa bệnh viện và cục cảnh sát giao thông. Chỉ trong thời gian mấy hôm ngắn ngủi, cô ấy đã xử lý thỏa đáng việc chịu trách nhiệm, chi phí bồi thường và kết nối với gia đình người bị thương. Một tháng sau, cô đã tìm được một công việc mới. Từ đầu đến cuối, cô ấy chưa nổi nóng với chồng lần nào.
Tôi từng bảo với cô ấy rằng: “Nếu đổi lại là tớ gặp phải chuyện này, thể nào cũng phải mắng cho ông chồng một trận trước đã”. Cô bạn tôi lắc lắc đầu, nói với tôi rằng: “Chuyện đã xảy ra rồi thì trách móc nóng giận có ích gì? Mọi người đều mất bình tĩnh, chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn mà thôi”.
Đúng vậy, tức giận không giúp chúng ta giải quyết vấn đề, nó chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Thay vì bị những cảm xúc xấu tệ trói buộc, chi bằng ta nên bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết vấn đề.
Có người nói: “Nếu một người ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, việc bạn cần quan tâm là làm sao kiểm soát tốt cảm xúc của mình, chứ không phải là người ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn”. Cảm xúc ổn định giống như một pháp bảo giúp ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Cảm ngộ
Tôi từng nghe câu như vậy: “Một người không nên làm nô lệ cho cảm xúc của mình, không nên bắt mọi hành động đều chịu sự chi phối của cảm xúc, mà ngược lại ta hãy làm chủ cảm xúc của mình”.
Sóng to gió lớn, đồi núi và đất bằng, thăng lên và trầm xuống, đây đều là các bước mà mỗi chúng ta phải trải qua trên con đường trưởng thành. Đường đời luôn đầy những điều không vừa ý, mọi việc thường không diễn ra như mong muốn của mỗi chúng ta. Tình cảm bị ảnh hưởng, sức khỏe có vấn đề, sự nghiệp gặp trở ngại, các loại khó khăn đều có thể ập đến với chúng ta ngay cùng một lúc. Cuộc đời là thế, nên chúng ta cần phải rèn luyện bản thân để đương đầu với bất kỳ tình huống nào bằng lòng dũng cảm.
Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng chắc chắn có thể thay đổi được chính mình. Nếu một việc không thể thay đổi được thì không có sự chọn lựa nào khác ngoài chấp nhận nó, hãy giữ một thái độ nhẫn nhịn vui vẻ xem như đó là một chuyện tất nhiên.
Chấp nhận những điều không vừa ý không toại nguyện, vì ta đã thấu tỏ bản chất của cuộc đời này, mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra có lợi cho chúng ta. Chính sự hiểu biết này đem lại bình yên trong tâm hồn. Điều này không có nghĩa là cúi đầu trước nghịch cảnh. Cho dù bao lâu, nếu còn có cơ hội để thay đổi tình huống trở thành có lợi, chúng ta đều hãy cố gắng.
Và nếu như tình huống không thể nào khác hơn, thì cũng không nên bận tâm về nó nữa.
Vũ Dương biên dịch/nguoiphuongnam