Đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam độ tuổi trung bình bị đột quỵ là 65 tuổi; người trẻ (dưới 45 tuổi) đột quỵ chiếm 7,2%. Đáng lưu ý, yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp với 77% số người bị đột quỵ có tăng huyết áp.
Kiểm soát huyết áp là yếu tố quan trọng ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ, đặc biệt trong những ngày rét đậm |
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước cho thấy đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Tại Việt Nam, số bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa đông. Cụ thể, ở miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; miền Trung thường xảy ra các ca nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não tháng 12; trong khi tại miền Nam tháng 11, 12, 1 xảy ra đột quỵ não nhiều. Trong 3 tháng này, số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não chiếm từ 30 - 50% tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm, tùy địa phương.
Khoảng 60 - 70% các trường hợp đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và sáng sớm, là thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể người có phản xạ co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở bệnh nhân có kèm xơ vữa động mạch. Ngoài ra, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não. Để phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt vào mùa đông và những ngày rét đậm, cần kiểm soát tốt huyết áp, giữ ấm cơ thể.
Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng làm cho bản thân người uống rượu không biết cơ thể bị mất nhiệt”
Đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Hệ quả là vùng não đó không còn được cung cấp ô xy và chất dinh dưỡng để có thể duy trì hoạt động và tồn tại. Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời, vùng não bị ảnh hưởng có thể “chết” hoàn toàn và không thể khôi phục chức năng bình thường như trước.
Phòng tránh đột quỵ, người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, béo phì…
Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh chóng gọi câp cứu y tế để bễnh nhân đột quỵ được điều trị sớm nhất có thể.
(theo thanhnien)