Hạnh phúc đến từ đâu? Tiền bạc, danh tiếng hay cảm giác thành công?
76 năm trước, Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành kéo dài nhất trong lịch sử. Cuộc nghiên cứu đã theo dõi 268 nam giới, từ độ tuổi thanh niên cho đến lúc họ già, để tìm ra chìa khóa ảnh hưởng tới hạnh phúc cuộc đời họ.
Nghiên cứu đặc biệt
Vào năm 1938, Giáo sư Arlie Bock, khi đó là trưởng khoa Y của Đại học Harvard, cảm thấy rằng, toàn bộ cộng đồng nghiên cứu đều quan tâm tới việc “tại sao mọi người bị bệnh, thất bại, hay chán nản”, mà tại sao không ai nghiên cứu “làm thế nào con người có thể được khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc”?
Giáo sư Bock đã đề xuất một dự án nghiên cứu đầy tham vọng, dự định theo dõi một nhóm người từ tuổi vị thành niên đến cuối cuộc đời, tập trung vào những thăng trầm trong cuộc sống của họ, ghi lại tỉ mỉ từng chút một về trạng thái tâm lý và hoàn cảnh của họ, ghi lại một cách kịp thời, và cuối cùng sẽ đưa ra đáp án — Loại người nào có khả năng trở thành người hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Các tiêu chí đánh giá người hạnh phúc nhất rất nghiêm ngặt. Ông George Vaillant, nhà tâm lý học chịu trách nhiệm đứng đầu cuộc nghiên cứu trong 32 năm, cho biết người hạnh phúc nhất phải là người đạt được 10 điều sau: hai trong số đó có liên quan đến thu nhập, bốn điều liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần, và bốn liên quan tới các mối quan hệ thân thiết và hỗ trợ xã hội.
Ví dụ, sau 80 tuổi bạn phải có sức khỏe thể chất tốt, tinh thần minh mẫn (những người không sống đến 80 tuổi không được coi là người hạnh phúc); 60-75 tuổi có mối quan hệ xã hội tốt khác (bạn bè, thân thiết với con cái của họ); 60-75 tuổi ngoài vợ con ra họ vẫn có các mối quan hệ xã hội tốt (người thân, bạn bè và người quen ); 60- 85 tuổi có mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp; mức thu nhập thuộc top 25%.
Đây được gọi là “Nghiên cứu Grant”. Nó được đặt tên theo nhà tài trợ ban đầu của nó, nhà từ thiện William T. Grant. Tính tới nay nay, nghiên cứu này đã kéo dài 76 năm và tiêu tốn hơn 20 triệu USD.
Từ năm 1939 đến năm 1944, nghiên cứu đã chọn ra 268 sinh viên đại học đang theo học tại Harvard vào năm đó. Nhóm người này là nhóm đã ở trên đỉnh cao trong các thanh niên Mỹ, với một tương lai tươi sáng, cơ hội thành công và trường thọ của họ rất cao. Đó chính xác là những gì nghiên cứu Grant cần – những đối tượng sống đủ lâu, nếu không thì họ không được tính là người đạt được đỉnh cao hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Các ứng viên được lựa chọn đều khoảng 19 tuổi, tất cả đều là nam giới người Mỹ da trắng, có xuất thân từ gia đình tốt, thể chất và tinh thần khỏe mạnh, ưa nhìn – thực tế, mỗi người được chọn đều trải qua một “cuộc thi vẻ đẹp” hình thể nghiêm ngặt. Các nhà nghiên cứu có xu hướng chọn những người có cánh tay lực lưỡng, eo săn chắc, bởi vì suy đoán ban đầu là “những người nam tính” có nhiều khả năng có cuộc sống hạnh phúc.
Cứ 2 năm một lần, nhóm người này sẽ nhận được một bảng câu hỏi, họ cần trả lời về tình hình sức khỏe có tốt không, tinh thần vẫn bình thường không, chất lượng hôn nhân thế nào, sự nghiệp thành công hay thất bại, và liệu họ có hạnh phúc sau khi nghỉ hưu hay không. Các nhà nghiên cứu đánh giá họ theo bảng câu hỏi mà họ trả lại, với E là kém nhất và A là tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ tự bản thân đánh giá thôi là chưa đủ.
Cứ sau 5 năm, sẽ có bác sĩ chuyên nghiệp sẽ đánh giá các chỉ số sức khỏe thể chất và tinh thần của các ứng viên tham gia nghiên cứu. Cứ sau 5-10 năm, các nhà nghiên cứu cũng đến gặp trực tiếp những người này và thông qua phỏng vấn, họ có thể hiểu sâu hơn về các mối quan hệ thân thiết hiện tại, thu nhập nghề nghiệp, mức độ hài lòng trong cuộc sống và liệu họ có thích nghi ở từng giai đoạn của cuộc sống hay không.
Nhóm người này có thể được xem là “nhóm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong lịch sử”. Họ đã trải qua Thế chiến thứ hai, suy thoái kinh tế, phục hồi kinh tế và sóng thần tài chính. Họ kết hôn, ly hôn, thăng chức, bầu cử, thất bại, lội ngược dòng, không gượng dậy nổi, có người nghỉ hưu an hưởng tuổi già, có người tự hủy hoại sức khỏe và chết trẻ.
Cuối cùng, trong số 268 người này thực sự đã xuất hiện nhiều người thành công, cho đến nay, đã có 4 thượng nghị sĩ Mỹ, 1 thống đốc và thậm chí 1 tổng thống Mỹ – John F. Kennedy. Tuy nhiên, hồ sơ nghiên cứu của Kennedy đã bị chính phủ lấy đi, đến năm 2040 nó mới có khả năng được tiết lộ.
Kết quả nghiên cứu
Những yếu tố sau đây ít ảnh hưởng đến “thành công trong cuộc sống”: phỏng đoán ban đầu về “đàn ông nam tính” không hề quan trọng, IQ vượt quá 110 không ảnh hưởng đến mức thu nhập, tình trạng kinh tế và địa vị xã hội cao thấp của gia đình cũng ít ảnh hưởng, người hướng ngoại hay hướng nội cũng không quan trọng, cũng không cần phải có kỹ năng xã giao đặc biệt, hay tiền sử gia đình nghiện rượu và trầm cảm cũng không phải là vấn đề.
Những yếu tố thực sự ảnh hưởng và giúp họ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp là những yếu tố sau: không uống rượu hoặc hút thuốc, tập thể dục đầy đủ, duy trì cân nặng hợp lý, thời thơ ấu được yêu thương, sự đồng cảm và thiết lập được những mối quan hệ thân thiết từ thời trẻ.
Dữ liệu sau có thể làm bạn ngạc nhiên:
Những người có mối quan hệ gần gũi với mẹ, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 87.000 USD. Những người yêu thương anh chị em có thu nhập trung bình hơn 51.000 USD một năm.
58 người đạt điểm cao nhất trong mục “mối quan hệ thân thiết” mức lương trung bình hàng năm là 243.000 USD. 31 người có điểm thấp nhất trong mục này, có mức lương trung bình không quá 102.000 USD một năm. Chỉ cần bạn có thể tìm được “tình yêu đích thực” trước 30 tuổi – dù đó là tình yêu nam nữ, tình bạn hay tình cảm gia đình, thì bạn có thể tăng rất nhiều cơ hội có một “cuộc sống tốt đẹp”.
Thoạt nhìn, một nghiên cứu suốt 76 năm rút ra kết luận quá đơn giản tới mức khó tin: chìa khóa thành công của cuộc đời chính là “tình yêu”?
Nhưng nhà tâm lý học Vaillant cho biết tình yêu, mối quan hệ ấm áp và thân thiết có ảnh hưởng trực tiếp đến “cơ chế ứng đối” của một người. Ông tin rằng mọi người đều sẽ liên tục gặp phải những bất trắc và thất bại. Sự khác biệt nằm ở phương pháp đối phó mà mỗi người áp dụng: tệ nhất là nhóm ‘gần như điên rồ’ – họ nghi ngờ, hoảng sợ; nhóm tốt hơn một chút là ‘chưa đủ thành thục’ – họ có biểu hiện như tiêu cực, dễ giận; tiếp theo là nhóm ‘thuộc về tố chất thần kinh’ – họ sẽ biết kiềm chế, không bị cảm xúc chi phối; cuối cùng là nhóm ‘thành thục, lành mạnh’ – họ vô tư, hài hước và thăng hoa.
Một người sống trong yêu thương, khi gặp thất bại, có thể tự giễu cợt bản thân một chút, cùng bạn bè tập luyện, đổ mồ hôi và xả hơi, đón nhận sự an ủi, động viên của những người thân trong gia đình… Những “phương pháp ứng đối” này có thể giúp ích cho một người nhanh chóng bước vào vòng tuần hoàn hạnh phúc, khỏe mạnh và hưng phấn. Mặt khác, một người “thiếu tình yêu thương”, thường không nhận được sự giúp đỡ khi gặp phải thất bại và cần phải tự mình chữa lành. Trong khi các “phương pháp tự chữa lành” uống rượu và hút thuốc được xem như phổ biến, chúng lại là những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong sớm.
Ông Vaillant nói: “Một mối quan hệ ấm áp và thân thiết là sự mở đầu quan trọng nhất cho một cuộc sống tốt đẹp”. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn có được tuổi thơ êm đềm, nhưng tin tốt là dù bạn bao nhiêu tuổi thì cũng có một cơ hội được “sống lại trong tình yêu”. Trong nhóm người tham gia nghiên cứu này của Đại học Harvard, người có bút danh là Camille, tới năm 35 tuổi anh mới lần đầu tiên biết được người khác hết lòng yêu thương là như thế nào – khi anh bị bệnh lao phải nằm viện 14 tháng, các nhân viên y tế đã trao cho anh tình yêu và sự ấm áp mà anh hằng mong ước.
Kể từ đó, Camille từ một người mắc chứng rối loạn thần kinh, hay có ý định tự tử, đã trở thành một bác sĩ, người chồng và người cha có trách nhiệm. Gia đình, bệnh nhân, cấp dưới và bạn bè đều yêu quý ông. Cuối cùng, ông đã leo lên đỉnh núi Alps ở tuổi 82 và qua đời do bệnh tim tái phát. Nhiều người đã đến dự đám tang của ông và nói lời từ biệt ông. Mặc dù ông không có khởi đầu tốt nhất, nhưng đoạn kết đã có một cuộc đời thành công, phong phú.
Cuối cùng, chúng ta hãy cùng suy ngẫm về một câu nói của nhà văn Mark Twain: “Cuộc đời ngắn ngủi lắm, chúng ta không có thời gian để tranh cãi, xin lỗi, trút giận, trách móc, thời gian chỉ đủ để yêu, nhưng nó cũng chỉ là trong một chớp mắt, làm người ta tiếc thay!”
THEO NTDVN/song dep