Nhiều nghiên cứu đã kết luận thời tiết rét lạnh có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Vì vậy, việc thực hiện một số biện pháp phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
1. Tại sao thời tiết rét lạnh làm gia tăng nguy cơ phát bệnh tim mạch, đột quỵ?
Thời tiết lạnh, tác động tiêu cực lên trái tim do cơ chế tự bảo vệ bằng cách co mạch, tăng huyết áp và tăng nhịp tim để giữ cho cơ thể ấm áp. Hơn nữa, thời tiết lạnh gây ra những thay đổi nồng độ một số thành phần trong máu, có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn đối với tất cả các biến chứng của bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh. Những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ cũ có nguy cơ cao hơn người bình thường.
Bằng chứng nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất trong mùa đông. Theo đó, nhóm nghiên cứu của Viện Xã hội và Y tế dự phòng tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, đã kết luận, tần suất bệnh tim mạch cao nhất trong những tháng mùa đông và thấp nhất vào mùa hè.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh tuyên bố, cứ giảm mỗi 1 độ C nhiệt độ môi trường, số lượng người có cơn đau tim tăng lên 200 người ở Anh. Những người có tiền sử bệnh tim, cũng như những người trong độ tuổi 75-84 dễ bị tấn công trong thời tiết lạnh hơn. Những người thường xuyên uống aspirin dường như ít nguy cơ với thời tiết lạnh.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 84.010 ca nhập viện có cơn đau tim trong năm 2003-2006 ở Wales và Anh. Các yếu tố như ô nhiễm, tỷ lệ lây nhiễm cúm, mô hình và xu hướng theo mùa đã được đưa vào phân tích nghiên cứu. Tính toán cho thấy rằng khi nhiệt độ trung bình hàng ngày giảm 1 độ C, nguy cơ đau tim tăng 2% trong khoảng thời gian 28 ngày.
2. Cách bảo vệ tim mạch trong thời tiết lạnh mùa đông
Để phòng bệnh tim mạch, đột quỵ chúng ta cần thực hiện 9 lời khuyên sau:
- Mặc đủ ấm để ngăn ngừa hạ thân nhiệt
Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài, đi tất dày để tránh mất nhiệt trong thời tiết lạnh. Đặc biệt ở người lớn tuổi càng cần được mặc đủ ấm hơn, do khối cơ giảm theo tuổi, có nghĩa là tấm áo che phủ cơ thể bị mỏng đi và giảm chức năng bảo vệ những cơ quan quan trọng của cơ thể, dễ hạ thân nhiệt trong thời tiết lạnh.
- Che đầu và cổ tránh bị lạnh
Sử dụng khăn quàng cổ, mũ len khi đi ra ngoài trời lạnh, tránh không khí lạnh tiếp xúc những vùng nhạy cảm như da đầu, mặt, cổ gây co mạch ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động hệ tim mạch.
- Sử dụng khẩu trang, khăn để che miệng mũi và tránh hít thở không khí lạnh
Có thể dùng khẩu trang, khăn len che mũi miệng khi ra ngoài trời lạnh để tránh hít thở không khí lạnh, vừa tránh nhiễm virus gây bệnh truyền nhiễm trong đó có cúm, Covid,... và vừa tránh bị hạ thân nhiệt… Trời lạnh là yếu tố dễ tái phát các bệnh nền như tim mạch, hay các bệnh mạn tính có sẵn.
- Đừng làm việc nặng trong vòng 30 phút đầu tiên sau khi thức dậy tránh bị lạnh đột ngột
Nhiều cơn đau tim xảy ra vào buổi sáng và rơi đúng vào thời điểm mới ngủ dậy, nhất là vào những tháng mùa lạnh. Vì vậy, khi thức dậy, không làm việc ngay mà hãy khởi động trước khi đi ra bên ngoài và làm việc trong thời tiết lạnh.
- Dinh dưỡng đúng và tránh tình trạng mất nước
Bù đủ nước hàng ngày, uống 6-8 ly nước ấm hàng ngày, người lớn tuổi cần uống nhiều lần trong ngày không đợi đến lúc thấy khát do dự trữ nước cơ thể thấp so với người trẻ. Không ăn một bữa ăn quá no trước khi làm việc, chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đủ chất và giàu năng lượng đã được bác sĩ hướng dẫn. Không uống cà phê hay hút thuốc trong vòng một giờ trước khi làm việc nặng vì chúng làm tăng nhịp tim.
- Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
Mục tiêu cho 7-8 giờ ngủ mỗi đêm để giữ sức khỏe, cần đảm bảo một phòng ngủ đủ ấm trên 20 độ C, nhưng thông thoáng trong mùa lạnh.
- Duy trì tập thể dục đều đặn trong những ngày trời lạnh
Tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày trong nhà kín gió. Có thể tập trong nhà, không nên ra ngoài đường trong thời tiết lạnh, những môn phù hợp và tập trong nhà như đi bộ, tập dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền.
- Đo huyết áp hàng ngày
Cần tự kiểm tra huyết áp hàng ngày trong các ngày trời lạnh, ghi vào nhật ký và có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết, tất nhiên đã được tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ trước đó.
- Hãy chú ý đến cơ thể của mình và phát hiện sớm bệnh
Chú ý những dấu hiệu của một biến cố tim mạch như chóng mặt, đau ngực và khó thở. Khi có các bằng chứng nghi ngờ, thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Tóm lại:
Mùa lạnh, để phòng bệnh cần giữ ấm cơ thể, khi làm việc ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến những chỗ đông người.
Ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa sạch và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng gia đình (cốc chén, bát đũa…), nhất là khi trong gia đình có người ốm. Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
(theo suckhoe&doisong)