Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu sự đa dạng về các loài linh trưởng cao nhất thế giới. Tiếc rằng nhiều loài trong số chúng đang có số phận rất bấp bênh, có thể biến mất trong tương lai không xa.
Cu li lớn (Nycticebus coucang) được ghi nhận ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Cu li nhỏ hay cu li chậm lùn (Nycticebus pygmaeus) có phạm vi phân bố rộng từ các tỉnh miền núi phía bắc đến khu vực Đông Nam Bộ, gồm cả TP HCM. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Khỉ mốc (Macaca assamensis) sinh sống trong các khu rừng từ Lào Cai đến Quảng Bình. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Sắp bị de đọa trong Sách Đỏ IUCN.
Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) phân bố trên khắp cả nước. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Sắp nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Khỉ đuôi lợn phương Bắc (Macaca leonina) được ghi nhận ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Sắp nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) phân bố từ Thừa Thiên – Huế trở vào tới Kiên Giang. Loài này được xếp loại Ít nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Sắp nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Khỉ đuôi dài Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis) là một phân loài của khỉ đuôi dài, tập trung ở vùng Côn Đảo, Phú Quốc. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Khỉ vàng (Macaca mulatta) phân bố từ kh vực biên giới phía Bắc tới các tỉnh Tây Nguyên. Loài này được xếp loại Ít nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Ít quan tâm trong Sách Đỏ IUCN.
Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài linh trưởng đặc hữu Việt Nam, chỉ có ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) với số lượng dưới 100 cá thể. Loài này được xếp loại Rất nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Voọc Hà Tĩnh hay voọc gáy trắng (Trachypithecus hatinhensis) được ghi nhận trên một phạm vi hẹp ở Quảng Bình và Quảng Trị, tiếp giáp Lào. Loài này được xếp loại Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN.
Voọc mông trắng hay voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng đặc hữu Việt Nam, chỉ còn hơn 200 cá thể được phân bố tại các điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa. Loài này được xếp loại Rất nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Voọc mũi hếch Bắc Bộ (Rhinopithecus avunculus) là loài linh trưởng đặc hữu Việt Nam, còn vài trăm cá thể trong các khu rừng ở ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Giang. Loài này được xếp loại Rất nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Voọc bạc Đông Dương hay voọc mào (Trachypithecus germaini caudalis) là một phân loài của voọc bạc, được ghi nhận tại một số khu vực ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Voọc xám Đông Dương (Trachypithecus phayrei crepusculus) là một phân loài của voọc xám, phân bố ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Loài này được xếp loại Sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi) được ghi nhận ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, số lượng ước đoán dưới 500 cá thể. Loài này được xếp loại Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN.
Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) phân bố ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Loài này được xếp loại Rất nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Chà vá chân đỏ hay chà vá chân nâu, voọc ngũ sắc (Pygathrix nemaeus), được ghi nhận từ Nghệ An đến Kon Tum. Loài này được xếp loại Rất nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài linh trưởng đặc hữu Việt Nam, còn khoảng 550 – 700 cá thể phân bố trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Loài này được xếp loại Rất nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) được ghi nhận ở Tây Bắc và một số vùng thuộc Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thanh Hoá. Loài này được xếp loại Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Vượn đen má trắng phương Bắc (Nomascus leucogenys) được ghi nhận ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Loài này được xếp loại Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Vượn đen má trắng siki (Nomascus siki) phân bố ở Bắc Trung Bộ. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài này được coi là phân loài của Vượn đen má trắng phương Bắc, xếp loại Nguy cấp. Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Vượn đen má vàng phương Nam (Nomascus gabriellae) sinh sống trong khu vực từ Quảng Nam đến Động Nai. Loài này được xếp loại Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN.
Vượn đen má hung Trung Bộ (Nomascus annamensis) là một loài vượn mới được phát hiện năm 2010 ở miền Trung Việt Nam, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Loài này được xếp loại Nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Vượn mào đen phương Đông hay vượn Cao Vít (Nomascus nasutus) còn trên dưới 100 cá thể, phân bố trên một diện tích hẹp ở vùng núi đá vôi của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, tiếp giáp Trung Quốc. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài này được coi là phân loài của Vượn đen tuyền Tây Bắc, xếp loại Nguy cấp. Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN. Chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo đánh giá hiện trạng các loài linh trưởng ở Châu Á năm 2015.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG/anle20