Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Người dân Việt đang sống với thực phẩm độc hại hàng ngày


Khắp Việt Nam, người dân đang sống với thực phẩm bẩn và thực phẩm tẩm thuốc độc hàng ngày! (Tiền Phong)

Những chuyến xe đêm buồn thảm và tuyệt vọng

Từ bao nhiêu năm nay rồi, quê tôi có những chuyến xe đêm đi thành phố khởi hành lúc một giờ sáng, đến Sài Gòn lúc năm giờ. Có hai loại hành khách thường phải đi xe khuya như vậy:

Một là người đi làm thuê và hai là người đi khám bệnh. Đến Sài Gòn lúc năm giờ sáng, người làm thuê kịp giờ đến xí nghiệp và người đi khám kịp vào bệnh viện “bắt số” để xếp hàng. Hành khách đi khám bệnh thường quen nhà xe và quen biết nhau vì họ đi lên đi xuống Sài Gòn tái khám từ năm này qua tháng nọ.

Trên xe, họ trò chuyện thân thiết, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình cũng như bệnh tình của nhau, và thường nhắc đến những người bệnh vắng mặt. Cứ dăm ba chuyến xe không gặp thì hiểu là người ấy đã “về nhà” rồi, có nghĩa là về trên chuyến xe chở xác của bệnh viện. Đa số người bệnh trên những chuyến xe khuya ấy đều bệnh ung thư. Quê tôi bệnh ung thư nhiều vô số, đến nỗi có ai đó bị bệnh phải đi Sài Gòn khám là mọi người nói như mặc định “lại ung thư rồi”.

 Một trong những địa chỉ quen thuộc ở Việt Nam, nơi mỗi năm có hơn 200,000 ca mắc mới; và khoảng 82,000 ca tử vong (NLĐ)

Ở cửa ngõ Sài Gòn hướng miền Tây có Bệnh viện Triều An, gần như đó là bệnh viện dành cho người miền Tây và dành cho bệnh nhân ung thư. Lúc ông Trầm Bê còn đương thời, ông đã dành một khoản từ thiện tài trợ cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nghèo bệnh nặng được miễn giảm viện phí ở Triều An.

Con sông quê đã hết hiền hòa

Đa số bệnh nhân ung thư ở quê tôi là nông dân. Trong văn chương nghệ thuật, hình ảnh con sông quê luôn đẹp đẽ hiền hòa. Giờ khác rồi, những con sông quê miền Tây vẫn đẹp mà không hiền chút nào. Tất cả ô nhiễm tới nỗi không ai dám tắm sông nữa. Hình ảnh trẻ con bơi đùa trên sông là xưa rồi. Chúng biết sông rất dơ, hễ xuống sông tắm là sẽ bị ngứa, ghẻ lở, nhiễm độc.

Thành phố có công ty vệ sinh đô thị thu gom rác, chứ nông thôn làm gì có, bao nhiêu rác người dân đều thải xuống sông. Cống rãnh đều dẫn ra sông mà không bao giờ và không ai nghĩ đến chuyện xử lý nước thải. Chợ nông thôn hầu hết đều ở ven sông, tan buổi chợ là tất cả rác rến lùa hết xuống sông. Cách đây mươi năm, hầu hết người dân nông thôn đều đi vệ sinh trên cầu cá, tức là đào cái ao nuôi cá tra, phía trên làm cầu tiêu để lấy phân nuôi cá. Tất nhiên là cái ao có đường cống thông ra sông rạch, có nước ra vô. Sau khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Chỉ thị 100 cấm cầu cá thì đỡ hơn, nhưng đây đó vùng quê vẫn còn.

Sông ngòi miền Tây ô nhiễm kinh hoàng! (RFA)

Dù sao thì rác hữu cơ có dơ chút mà không độc. Những dòng sông quê nhiễm độc là bởi phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, những loại thuốc bảo vệ thực vật cực kỳ độc hại bón trên ruộng lúa, xong rồi xả hết ra sông. Miền Tây trồng lúa ba vụ một năm, đất không có thời gian hồi phục nên phải xài phân thuốc thật nhiều thì lúa mới trúng. Cứ nhìn những doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc nông nghiệp giàu lên như thế nào thì đủ biết người nông dân sản xuất lúa toàn bằng phân thuốc.

Khi được sử dụng xong, các chai thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bỏ lăn lóc bên bờ ruộng hoặc liệng hết xuống sông, hầu như không ai xử lý đúng cách cả. Chúng ta biết là thuốc sâu độc hại ra sao, thuốc diệt cỏ còn hơn vậy. Những người tự tử bằng thuốc sâu thì còn cứu được, chứ uống thuốc cỏ là bó tay luôn. Nông dân biết hết, nhưng họ tỉnh bơ, họ vẫn trữ thuốc độc trong nhà, trong nhà bếp, pha thuốc vào bình xịt xong vứt chai thuốc lăn lóc sau hè. Thậm chí mấy quán tạp hóa ở quê bán thuốc sâu, phân bón chung với thực phẩm luôn.

Mấy anh nông dân than với tôi là mỗi khi đi xịt thuốc về, họ “mắc bịnh” cả tuần chưa hết: Nhức đầu, mệt mỏi, nóng sốt, bải hoải chân tay… Đó chính là tình trạng nhiễm độc thuốc trừ sâu, nhưng họ “quen” rồi, nếu khuyên họ mặc đồ bảo hộ lao động, đeo khẩu trang và kính bảo vệ thì họ không bao giờ nghe, vì “vướng víu khó làm việc”, họ bảo vậy. Những bệnh nhân ung thư tương lai là đây chứ đâu.

Người nông dân đã hết thật thà

Đến nhà nông dân, bạn sẽ thấy họ trồng riêng một mảnh ruộng, một mảnh vườn “đồ nhà”, tức là không bón phân xịt thuốc, để dành riêng nhà họ ăn. Họ biết rõ bón phân xài thuốc là rất độc nhưng họ vẫn làm – để lúa có năng suất cao, rau cải xanh tốt – để bán cho người khác ăn. Riêng gia đình họ khôn hơn, chỉ ăn đồ nhà. Chưa hết, nếu ngày xưa mua gạo về để lâu trong khạp, bạn thấy có mọt. Giờ kiếm không ra con mọt nào đâu, gạo đều đã được xử lý chất bảo quản, để bao lâu cũng không mọt, không mốc. Còn rau cải, người đi chợ có xu hướng tìm rau cải có sâu để bảo đảm không bị xịt phân thuốc, nhưng làm gì tìm ra được. Rau xanh mướt, nhưng đem về nhà để tới chiều là bấy nhầy ra, ủng thối.

Nhà nông bây giờ khỏe re, nuôi heo không còn lo cám gạo rau muống và xắt chuối cây như ngày xưa. Tất cả heo gà vịt cá tôm đều nuôi bằng thức ăn công nghiệp có chất tăng trọng. Đôi khi tôi nghĩ có phải vì thế mà con người cũng béo phì hơn xưa không, ăn thịt toàn chất tăng trọng cơ mà. Tôi có người bạn, con gái làm trang trại nuôi gà công nghiệp. Bạn nói, nó cho gà ăn toàn thuốc và thực phẩm công nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, mở đèn, mở máy lạnh cho gà ăn suốt ngày đêm.

Chỉ 3 tuần lễ là con gà to 3-4 kg. Gà không thể đứng nổi, phải nằm ăn, vì xương không phát triển kịp đủ để nâng đỡ trọng lượng. “Bắt con gà lên sẽ thấy nó nặng trịch và thịt cứng ngắc, rất sợ” – bà bạn cho biết vậy. Gà nuôi bằng thuốc rất yếu, dễ chết, chỉ cần cúp điện tắt máy lạnh chừng vài mươi phút là gà ngã ra chết hết luôn. Họ còn nuôi thuốc cho gà đẻ trứng sai, trứng to và đẻ trứng hai tròng đỏ; nhưng con gà đẻ chỉ một, hai lứa là chết vì kiệt sức. Nếu như ở quê tôi không mấy ai ăn thịt gà công nghiệp thì cả Sài Gòn này đều ăn, nhất là các quán cơm gà bình dân bán cho công nhân và sinh viên. Gà vườn giá hai trăm ngàn trong khi gà công nghiệp chỉ khoảng bảy chục ngàn một ký, Người nghèo ăn đồ độc hại là điều đương nhiên rồi.

Người bán thực phẩm, những mụ phù thủy độc ác

Có lần tôi ra cảng cá, thấy cá từ tàu mang lên ướp nước đá nhão nhoét, tôi thắc mắc “Cá như này sao bán được?” Chủ vựa trả lời: Đây mới là cá tươi, bạn hàng mang cá về nhà sẽ “muối” hàn the và ure, hôm sau mang ra chợ thấy cứng sảng, tươi chong chớ mà ăn độc lắm á em.

Hàn the là chất cấm sử dụng trong thực phẩm, là chất độc và lưu trữ vĩnh viễn trong cơ thể mà không bị đào thải qua bài tiết, nhưng người dân quê vẫn sử dụng để bảo quản thực phẩm, làm cho thức ăn tươi lâu, cứng giòn và dai. Chả lụa ướp hàn the sẽ dai ngon và để ngoài nhiệt độ thường hàng tuần lễ không bị hư. Hàn the ướp dưa chuột, dưa kiệu cho giòn, hàn the hay formol dùng trong sản xuất bún, bánh phở cho dai và để được lâu. Người ta còn dùng Tynopal là chất tẩy trắng trong công nghiệp giấy để làm cho bún trắng sáng. Chập tối đi chợ chiều, tôi từng bắt gặp người bán rải từng vốc hàn the lên thớt thịt để giữ thịt có màu đỏ tươi; sáng mai đem ra bán lại, bán hết thịt cũ mới bán tới thịt tươi, trong khi người nội trợ cứ nghĩ đi chợ sớm sẽ mua được thịt tươi ngon, tội nghiệp biết bao!

Ngâm thịt thối để biến thành thịt tươi! (NLĐ)

Đi về vùng biển, tôi được bà con ngư dân chia sẻ một bí mật trong cách làm tôm khô. Tôm biển từ tàu đánh bắt xa bờ (đi ít nhất nửa tháng mới về) thì phải ướp để bảo quản. Cá có thể ướp nước đá, nhưng tôm tép thì không bởi tôm ướp nước đá sẽ bị đen đầu. Do đó, ngư dân phải muối tôm bằng hàn the để giữ được con tôm có màu tươi. Vậy là tôm khô biển rất độc hại, bạn chỉ nên ăn tôm biển từ những tàu đánh bắt gần bờ sáng đi chiều về mà thôi.

Cá khô cũng vậy. Bây giờ ra chợ hải sản khô người ta không thấy ruồi. Cả làng cá ven biển phơi cá lớp lớp trên giàn phơi bốc mùi tanh nồng cũng không thấy con ruồi nào đậu vào. Tại sao? Bạn bè miền biển cho tôi biết, gia đình họ tự phơi cá ăn chứ không bao giờ mua ở chợ, vì cá khô bây giờ đều được ngâm “thuốc ruồi”. Đó là một loại hóa chất diệt côn trùng mua từ bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia, chỉ cần ngâm cá vào hóa chất, treo lên giàn một đêm là cá khô bán được, không cần phơi nắng, không bị ruồi bu sinh dòi, làm “cá một nắng” bằng cách ngâm thuốc sẽ bảo quản lâu mà không cần đông lạnh gì cả.

Người ta cũng phát hiện nhà kinh doanh hải sản nhuộm ruốc bằng phẩm màu công nghiệp, đó là chất Rhodamine B dùng nhuộm vải, có thể gây ngộ độc cấp tính và gây ung thư. Vàng Ô (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane. Đây là chất màu tổng hợp, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm và dùng để làm màu sơn quét tường. Thế nhưng người Việt dùng chất đó để nhuộm màu vàng cho măng và dưa cải! Và họ dùng oxyt đồng để nhuộm cho dưa chuột ngâm chua giữ được màu xanh tươi.

Ở Sài Gòn, dù thèm sầu riêng đến mấy tôi cũng không mua. Nhiều người giống như tôi vậy. Họ sợ sầu riêng ngâm thuốc. Con buôn đến từng vườn sầu riêng, bao mua hết vườn, trái non trái già gì họ cũng hái hết, rồi ngâm sầu riêng trong thùng hóa chất; vài hôm sau, sầu riêng chín đều, bán được hết. Những loại trái cây khác như táo, nhãn…, họ cũng ngâm hóa chất – gọi là thuốc phì, chỉ một đêm là táo nở to, trái trông rất ngon; long nhãn nở to đến nỗi nứt cả hạt ra.

Chợ Việt hàng Tàu

Khi tôi đi chợ mua rau củ, tôi chỉ mua hàng xấu, củ nhỏ đèo, màu ít tươi. Tôi nói KHÔNG với hàng Trung Quốc. Tất cả rau củ quả, gia vị như cà rốt, khoai tây, củ hành, tỏi, đường, bột ngọt… đều của Trung Quốc. Chợ Việt Nam toàn hàng Trung Quốc. Rau củ Trung Quốc củ to, màu tươi đẹp, bạn mua về để sáu tháng sau không hư hỏng. Và rất rẻ. Chính một chủ vựa hàng légume nói với tôi rằng, “hàng Trung Quốc vừa rẻ, vừa đẹp, để lâu không bị hư, thì chúng tôi (các nhà kinh doanh) tất nhiên là phải mua bán rồi”.

Tại chợ Kim Biên, Sài Gòn, muốn mua hóa chất “bảo quản” gì cũng có. Tất cả đều là hàng Trung Quốc (TN)

Khi đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, tôi thấy bãi hoa quả Trung Quốc chuẩn bị đưa sang Việt Nam nồng nặc mùi hóa chất bảo quản. Mỗi thùng trái cây có một bịch hóa chất, bạn sẽ không bao giờ thấy nó bởi chủ vựa đã thủ tiêu mất trước khi bán cho người tiêu dùng. Vì vậy, trái cây Trung Quốc không cần bảo quản lạnh vẫn giữ tươi nguyên mấy tháng liền. Dân buôn bán vùng biên giới gọi đó là hàng nóng. Thật bất công khi hàng Việt Nam bán sang Trung Quốc phải là hàng lạnh, trái cây phải được bảo quản bằng xe container lạnh, trong khi hóa chất bảo quản của Trung Quốc bán sang Việt Nam đầy ắp ở chợ Kim Biên, Sài Gòn.

Trong khuôn khổ một bài viết, tôi không biết nói sao cho hết những nỗi khổ của người Việt Nam khi còng lưng làm lụng để rồi phải ăn toàn chất độc, sống trong môi trường nhiễm độc  và chết sớm vì bệnh tật. Trung Quốc cung cấp thuốc độc và người Việt đầu độc lẫn nhau, một cuộc đầu độc vĩ đại có thể khiến đất nước và dân tộc này suy tàn, diệt vong.

Thạch Thảo (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)