Cà tím là một món ăn vô cùng quen thuộc trong ẩm thực của người Việt. Ngoài hương vị nhẹ nhàng, độc đáo, cà tím còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Dưới đây là 7 lợi ích sức khỏe tiềm năng của cà tím và cách ăn để có được tối đa lợi ích từ loại quả này.
1. Giàu dinh dưỡng
Cà tím có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Trong 100g cà tím thô có chứa:
Ngoài ra, cà tím cũng chứa một lượng nhỏ đồng, mangan, vitamin B6, vitamin B1,... Cà tím cũng là một nguồn cung cấp dồi dào các hợp chất thực vật, hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do (những phân tử không ổn định có thể gây hại cho tế bào nếu tích tụ với số lượng lớn).
Theo các nhà khoa học của Đại học Hohenheim (Đức), các hợp chất chống oxy hóa có trong cà tím là các anthocyanin bao gồm nasunin, lutein và zeaxanthin. Các anthocyanin cũng tạo nên màu sắc đặc trưng của cà tím.
2. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Chất xơ, kali, vitamin C, vitamin B6 và chất chống oxy hóa trong cà tím đều có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Một đánh giá được xuất bản vào năm 2019 của các nhà nghiên cứu tại Iran cho thấy ăn thực phẩm có chứa một số chất chống oxy hóa, bao gồm cả anthocyanin, giúp giảm các dấu hiệu viêm - tác nhân tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu năm 2013 tại Mỹ cho thấy những phụ nữ trung niên tiêu thụ hơn 3 phần quả việt quất và dâu tây mỗi tuần - những nguồn cung cấp anthocyanin dồi dào - có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 32% so với những người tiêu thụ ít các loại trái cây này hơn.
Trong một cuộc điều tra khác, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phụ nữ ăn nhiều anthocyanin dường như có huyết áp thấp hơn đáng kể và ít mắc chứng xơ cứng động mạch hơn những người ăn ít các hợp chất này hơn.
3. Giảm cholesterol trong máu
Cà tím có chứa chất xơ và điều này có thể có lợi cho mức cholesterol trong máu. Một cốc cà tím nấu chín, nặng 96g, chứa khoảng 2,4 g chất xơ.
Kết quả của một nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 2014 trên động vật chỉ ra rằng axit chlorogenic, một chất chống oxy hóa chính trong cà tím, có thể làm giảm mức độ cholesterol "xấu" và giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
4. Phòng tránh nguy cơ mắc ung thư
Các hợp chất thực vật trong cà tím có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi ung thư. Anthocyanin và axit chlorogenic bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Về lâu dài, điều này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u và sự lây lan của các tế bào ung thư.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ), anthocyanin có thể giúp đạt được điều này bằng cách ngăn chặn các mạch máu mới hình thành trong khối u, giảm viêm và ngăn chặn các enzym giúp tế bào ung thư di căn.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy anthocyanin có thể kích hoạt một số gene tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Anthocyanin cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của các tế bào ung thư máu và ung thư buồng trứng. Hơn nữa, một đánh giá về một số nghiên cứu còn cho thấy rằng những hợp chất này có thể làm giảm nguy cơ ung thư da.
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu chỉ được thực hiện trong ống nghiệm hoặc trên động vật. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn trên người để biết được tác dụng của anthocyanin trong việc phòng, chống ung thư.
5. Bảo vệ sức khỏe não
Một nghiên cứu trên động vật của các nhà khoa học tại Nhật Bản và Mỹ cho thấy nasunin, một anthocyanin trong vỏ cà tím, có thể giúp bảo vệ màng tế bào não khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Nasunin cũng giúp vận chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào và di chuyển chất thải ra ngoài.
Anthocyanin cũng giúp ngăn ngừa chứng viêm thần kinh và giúp máu lưu thông lên não dễ dàng hơn. Điều này có thể giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và các vấn đề suy giảm nhận thức do tuổi tác.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Đại học Kỹ thuật Lisbon (Bồ Đào Nha) đã chỉ ra rằng nasunin có thể làm giảm sự phân hủy chất béo trong não, một quá trình có thể gây tổn thương tế bào.
6. Quản lý cân nặng
Chất xơ có thể giúp kiểm soát cân nặng. Một chế độ ăn giàu chất xơ giúp hạn chế nguy cơ nạp quá nhiều năng lượng vào cơ thể và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Cà tím chứa nhiều chất xơ và ít calo. Tuy nhiên, cà tím có thể hấp thụ nhiều dầu trong quá trình chiên. Bất kỳ ai muốn giảm cân nên chế biến cà tím theo một cách khác, chẳng hạn như nướng hoặc dùng nồi chiên không dầu.
7. Tốt cho mắt
Cà tím có lutein và zeaxanthin. Lutein đóng một vai trò quan trọng trong đối với sức khỏe của mắt và có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Thoái hóa điểm vàng có thể dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi.
Lưu ý khi ăn cà tím
Cà tím có chứa một lượng nhỏ solanine. Một số chuyên gia cho rằng solanine có thể làm gia tăng tình trạng viêm và khiến các bệnh như viêm khớp trở nên tồi tệ hơn. Cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng chắn chắn rằng một lượng nhỏ solanin trong cà tím có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp. Nhưng nếu bạn nhận thấy cơn đau khớp bùng phát sau khi ăn cà tím, hãy ngưng sử dụng cà tím.
Hiếm khi có người bị dị ứng với cà tím. Nếu có, các triệu chứng dị ứng có thể gặp là phát ban, sưng mặt, ngứa và khàn giọng.
Trước khi nấu cà tím, bạn có thể cắt và ngâm cà tím với một chút muối loãng để giảm vị đắng. Nên ăn cả vỏ cà tím vì các chất chống oxy hóa có lợi trong cà tím nằm nhiều ở phần vỏ.
Một số nhóm đối tượng sau đây nên hạn chế ăn cà tím:
Người thiếu sắt
Nasunin trong cà tím có thể đào thải sắt khỏi cơ thể. Do đó, những người đang thiếu sắt không nên ăn quá nhiều thực phẩm có chứa nasunin.
Người bị sỏi thận
Cà tím chứa oxalat, mặc dù lượng oxalat trong cà tím ít hơn hầu hết các loại trái cây và rau quả khác. Oxalat có thể góp phần gây ra sự hình thành sỏi thận ở một số người dễ hấp thụ oxalat hơn. Do đó, những người bị sỏi thận nên hạn chế ăn cà tím.
(WebMD, Medical News Today, Healthline)/soha