Văn hóa ngủ trưa đang trở nên quen thuộc hơn ở những quốc gia phương Tây. Các công ty như Google, Samsung hay NASA đều thiết kế chỗ ngủ trưa cho nhân viên.
Nhân viên công ty Goopal Group ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngủ trưa ngay tại bàn làm việc. Ảnh: Reuters.
Chúng ta thường cảm thấy buồn ngủ vào buổi chiều, do nhịp sinh học chậm lại, nhằm cảnh báo chúng ta cần tỉnh táo. Do đó, ngủ trưa là một cách để bạn bớt buồn ngủ hơn.
Penny Pang – chuyên gia của Trung tâm Giấc ngủ châu Á (Asia Sleep Centre) của Singapore, cho biết một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp chúng ta tái tạo tinh thần và tăng khả năng tập trung.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ngủ trưa giúp cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng và tăng cường hệ thống miễn dịch, thậm chí có thể chống lại các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiếu ngủ.
Marianne Parker – một phụ nữ sinh ra ở Anh, từng làm việc tại một công ty dịch thuật ở Thanh Đảo, Sơn Đông (Trung Quốc), cho biết cô vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy bối rối khi các đồng nghiệp lôi ra một chiếc gối từ ngăn kéo bàn của họ để tranh thủ chợp mắt vào buổi trưa.
Tuy nhiên, Parker sau đó đã không mất nhiều thời gian để làm theo họ, và rồi cảm thấy bản thân được nghỉ ngơi đầy đủ, làm việc hiệu quả hơn sau đó. Giờ đây, khi đã trở lại Anh, cô tin rằng nơi làm việc hiện tại của mình nên hình thành văn hóa ngủ trưa tương tự.
Mặc dù vai trò của giấc ngủ trong việc tăng khả năng sáng tạo vẫn còn đang được các nhà khoa học tranh luận, nhưng đa phần đều không phủ nhận lợi ích của việc ngủ trưa.
Nghệ sĩ Tây Ban Nha Salvador Dalí thường dành nửa giờ mỗi ngày để chợp mắt. Anh sẽ ngồi thẳng lưng, cầm trong tay một chiếc chìa khóa. Khi chiếc chìa rơi ra, gây tiếng động, anh sẽ ngay lập tức tỉnh dậy. Theo Dalí, phút nghỉ ngắn ngủi này là tất cả những gì anh cần để vực dậy tinh thần và thể chất. Giai đoạn lơ lửng giữa giấc ngủ và có ý thức này được gọi là hypnagogia – nó có thể cho phép tâm trí linh hoạt hình thành các kết nối sáng tạo. Phương pháp “ngủ ngắn” này đã được các nhà sáng tạo và nhà khoa học nổi tiếng khác như nhà phát minh Thomas Edison, nhà văn kiêm nhà thơ Edgar Allan Poe… áp dụng.
Chuyên gia tai mũi họng Pang cũng cho rằng, ngủ trưa có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của một người. Các cuộc khảo sát ở Anh và Mỹ đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc ngủ trưa và mức độ hạnh phúc, với điều kiện giấc ngủ ngắn hơn 30 phút. Thế nên, các nhà nghiên cứu gọi giấc ngủ trưa là “Nghệ thuật cân bằng”.
Clara Chan, chuyên gia y khoa Trung Quốc khuyến cáo nên ngủ trưa dưới một giờ, bởi ngủ quá lâu có thể làm loạn nhịp sinh học và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm.
Mặc dù thời gian ngủ trưa lý tưởng ở mỗi người là khác nhau, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia, Mỹ tin rằng thời gian lý tưởng là khoảng 20 phút. Việc ngủ quá lâu có thể gây cảm giác chệch choạc, mất phương hướng.
Tuy nhiên, ngủ trưa không phải lúc nào cũng tích cực. Theo Pang, ngủ trưa có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề như mất ngủ, tức là mất khả năng đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được. Trong khi đó, Clara Chan giải thích rằng ngủ trưa có thể là dấu hiệu của các vấn đề đáng chú ý của cơ thể như thiếu ngủ, thiếu máu, tiểu đường, khả năng hoạt động kém của tim, hoặc các tình trạng tâm lý như trầm cảm.
Thùy Linh (theo SCMP) / Vietnam Express/anle20