Trước kia, chúng ta thấy có những người thăm hỏi nhau bằng một vài chục quả trứng gà. Người ta dùng trứng gà luộc cho người bệnh ăn bồi dưỡng cơ thể và thậm chí là để góp phần chữa bệnh.
Theo các nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học eLife và News - Medical Life Sciences thì việc ăn một quả trứng gà mỗi ngày sẽ ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ...
Giá trị dinh dưỡng cao
Có thể nói rằng, trứng gà là một loại thực phẩm khá rẻ tiền, dễ mua ở khắp mọi nơi. Trứng gà có giá trị dinh dưỡng cao cho cả người khỏe mạnh và người ốm yếu.
Chỉ một quả trứng gà nhỏ bé lại chứa đầy đủ 3 thành phần dinh dưỡng căn bản như protid, lipid và glucid. Ngoài ra, nó còn chứa các vitamin, chất khoáng và đặc biệt là các loại men và hormone. Một quả trứng gà mang lại năng lượng cho cơ thể khoảng 166 calo.
Khi nói về hàm lượng các thành phần có trong một quả trứng gà là nói đến một quả trứng gà có kích thước trung bình. Trong thực tế, trứng gà có kích thước dao động từ khá nhỏ đến siêu to.
Sau đây là trọng lượng các cỡ trứng gà: Trứng gà cỡ nhỏ: Nặng khoảng 38 - 45 gram; Trứng gà cỡ vừa: Nặng khoảng 46 - 52 gram; Trứng gà cỡ lớn: Nặng khoảng 53 - 60 gram; Trứng gà cỡ cực lớn: Nặng khoảng 61 - 68 gram; Trứng gà ngoại cỡ: Nặng khoảng 69 - 75 gram.
Hàm lượng các thành phần có trong một quả trứng gà với kích thước trung bình như sau: Protid 14,8 gram; lipid 11,0 gram; glucid 0,5 gram; vitamin A 700 mcg; vitamin D 0,88 mcg; vitamin K 0,3 mcg; magne (Mg) 11 mg; sắt (Fe) 2,7 mg; kẽm (Zn) 0,9 mg; kali (Ka) 176 mg; calci (Ca) 55 mg; folate 47 mcg, choline 150 mg...
Nhìn chung, thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng gà vừa phong phú lại vừa cân đối. Lòng đỏ trứng gà là bộ phận có giá trị dinh dưỡng cao nhất vì nó cung cấp các protid đơn giản dễ hòa tan và dễ hấp thu.
Trong các protid này có chứa nhiều acid amin rất cần cho cơ thể mà các loại thực phẩm khác không có hoặc có rất ít. Tiêu biểu là các loại acid amin sau: Arginin, methionin, cystein, tryptophan...
Bồi bổ sức khỏe
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh những giá trị mà trứng gà mang lại cho cơ thể con người như thế nào. Sau đây là một số giá trị đã được các nhà khoa học chứng minh và thừa nhận:
Tốt cho thị lực: Do lòng đỏ trứng chứa nhiều carotenoid, lutein và zeaxanthin là các tiền chất của vitamin A có tác dụng tốt đối với thị lực. Nhờ đó mà giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về mắt liên quan đến chế độ ăn và tuổi tác.
Tốt cho não bộ và thần kinh: Trứng cung cấp một lượng dồi dào chất choline rất cần cho hoạt động của tế bào não và dẫn truyền thần kinh cơ. Do vậy có tác động tốt đến trí nhớ và trạng thái hưng phấn.
Tốt cho tim mạch: Các thành phần có trong trứng như axit omega-3, kali, folate và vitamin B đều là những chất cần thiết cho một trái tim khỏe mạnh. Việc bổ sung các chất này sẽ giúp cải thiện tốt các trường hợp có tình trạng tim mạch không ổn định.
Các nghiên cứu cho thấy, mỗi người ăn một lượng trứng vừa phải trong ngày sẽ có hàm lượng HDL-c (High Density Lipoprotein Cholesterol: Cholessterol tỉ trọng cao hay cholesterol "tốt").
HDL-c có nhiệm vụ vận chuyển cholesrerol là thành phần gây xơ vữa mạch máu về gan để tiêu hủy. Nhờ đó mà làm giảm nguy cơ tắc mạch gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tốt cho gan: Tế bào gan hoạt động tốt hơn nhờ phospholipid trong trứng. Do đó, gia tăng khả năng bảo vệ gan và đào thải độc chất ra khỏi cơ thể.
Tốt cho xương và các cơ quan khác: Lượng vitamin D dồi dào trong trứng giúp cho xương luôn chắc khỏe. Nó còn là chất xúc tác giúp điều hòa tình trạng huyết áp, gia tăng sức khỏe tâm thần kinh, góp phần giảm nguy cơ mắc một số bệnh, kể cả bệnh ung thư.
Hạn chế nguy cơ ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy, nếu phụ nữ từ nhỏ đã ăn trứng thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú sẽ thấp hơn khoảng 18% so với người không ăn trứng gà.
Hạn chế béo phì: Việc dùng trứng cung cấp cho cơ thể các chất cần thiết, hạn chế sự dư thừa nhờ sự cân đối các thành phần dinh dưỡng trong trứng. Nhờ vậy, giúp tránh được nguy cơ thừa cân và tình trạng béo phì.
Ăn thế nào để bảo đảm sức khỏe?
Trứng gà có 2 phần: Lòng đỏ và lòng trắng. Có người chỉ thích ăn lòng đỏ, có người chỉ thích ăn lòng trắng. Người thích ăn lòng đỏ thì cho rằng lòng đỏ tốt hơn vì nhiều chất dinh dưỡng hơn và ngược lại.
Tuy nhiên, tốt nhất là, ở người bình thường nên ăn cả lòng đỏ và lòng trắng để nhận được tất cả các chất có lợi từ cả hai phần của quả trứng. Riêng người cao tuổi và người bị rối loạn mỡ máu thì nên hạn chế lòng đỏ trứng và cũng chỉ nên ăn 1 - 2 quả trứng/tuần.
Những người bình thường khác thì ăn 3 - 4 quả trứng/tuần. Trẻ nhỏ tùy theo độ tuổi, từ 6 - 12 tháng bắt đầu cho ăn 1/2 lòng đỏ trứng, rồi tăng dần lên, ăn 2 - 3 lần/tuần.
Trẻ từ 1 tuổi có thể cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng, mỗi lần 1 quả, 2 - 3 lần/tuần. Trẻ nhỏ, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên cần theo dõi kỹ các biểu hiện như tiêu chảy, dị ứng... sau những lần ăn đầu tiên.
Thời gian bảo quản trứng đã luộc chín còn nguyên vỏ trong nhiệt độ lý tưởng 4,4oC là 1 tuần và trứng sống không nên quá 4 tuần.
(theo soha.vn)