Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Nhiễm trùng tiết niệu gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người cao tuổi (NCT) chiếm một tỷ lệ đáng kể. NCT bị nhiễm trùng đường tiểu, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.


1- Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Đường tiểu bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận, trong đó có 2 niệu quản và 2 quả thận (bên trái và bên phải). Mọi nguyên nhân làm cản trở đường tiểu hoặc tổn thương đường tiểu đều có thể gây nên nhiễm trùng đường tiểu.

Nói đến nhiễm trùng tức nói đến vai trò của vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm, virus). Có hơn 80% nhiễm trùng đường tiểu là do vi khuẩn, điển hình nhất là vi khuẩn họ đường ruột (E.coli, Proteus, Citrobacter, Enterobacter, Klebsiella).

 Bên cạnh đó có một số loại cầu khuẩn cũng có khả năng gây nhiễm trùng đường tiểu như tụ cầu vàng (S. aureus), tụ cầu da (S. epiderpimidis), tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus) và lậu cầu (N. gonorrhoeae) hoặc vi khuẩn lao gây lao thận, lao bàng quang. Ngoài ra, vi khuẩn Mycoplasma và Chlamydia gây bệnh chủ yếu ở niệu đạo có biểu hiện các triệu chứng tương tự như vi khuẩn lậu (nhưng không phải lậu).


Bên cạnh đó NCT bị viêm tiết niệu thường có dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt, rát, són, nước tiểu có thể đục (có mủ), có thể màu hồng (có máu do sỏi hoặc lao thận hoặc bàng quang). Ngoài sốt, đau bụng, các triệu chứng kèm theo của viêm tiết niệu là đái rắt, đái buốt, đái khó… đó là những dấu hiệu thường có trong nhiễm trùng đường tiểu, đặc biệt là viêm bàng quang, viêm niệu đạo, NCT hoặc người nhà nên chú ý.

2- Nhận biết nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Nhiễm trùng đường tiểu bao giờ cũng có sốt, ngay cả nhiễm trùng mạn tính (thường sốt nhẹ). Tuy vậy, với NCT sức yếu, nằm lâu, ít vận động, liệt do tai biến có thể không sốt.

Kèm theo sốt là đau bụng. Triệu chứng đau bụng ở vị trí nào của vùng bụng tùy thuộc vào tổn thương nhiễm trùng ở vị trí nào của đường tiểu.

Khi thấy sốt và đau bụng ngang vùng thắt lưng, có thể do nhiễm trùng ở thận hay ở niệu quản nhưng khi bị nhiễm trùng bàng quang hay niệu đạo, sẽ có đau bụng dưới (hạ vị) là chính. Hay gặp nhất của đau bụng dưới là nhiễm trùng đường tiểu ở vị trí thấp như viêm bàng quang hoặc viêm niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiểu dưới (bàng quang, niệu đạo) thường đau âm ỉ và kéo dài nhiều ngày.

3- Biến chứng do nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Nhiễm trùng đường tiểu (hay viêm đường tiết niệu) ở NCT nếu không phát hiện và điều trị sớm, đúng (dùng đúng phác đồ điều trị) có thể đưa đến một số biến chứng rất nguy hiểm như viêm thận, bể thận cấp tính hậu quả là suy thận, áp-xe quanh thận hoặc gây viêm bàng quang mạn tính gây khó khăn cho việc điều trị. Viêm đường tiết niệu cũng có thể đưa đến nhiễm trùng huyết - một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

4- Người cao tuổi lưu ý khi nghi ngờ bị viêm tiết niệu

Cảnh giác nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi  - Ảnh 3.

Người cao tuổi nên uống đủ nước để phòng bệnh.

NCT hoặc người nhà NCT cần đưa người bệnh đến khám bệnh ở cơ sở y tế tin cậy để được xác định bệnh, trên cơ sở đó sẽ được điều trị càng sớm càng tốt để bệnh chóng khỏi không trở thành mạn tính hoặc không gây biến chứng. 

Cần điều trị theo chỉ định của bác sỹ khám bệnh cho mình, không nên chủ quan xem thường hoặc ngại không uống thuốc hoặc uống thuốc không đủ liều hoặc tự mua thuốc điều trị, nguy hiểm nhất là dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Để phòng viêm tiết niệu, người cao tuổi nên cố gắng uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 – 2,0 lít). Không nên nhịn tiểu, bởi vì, nếu làm như vậy nước tiểu sẽ ứ đọng trong bàng quang rất dễ nhiễm trùng ngược dòng. Nên vận động cơ thể hàng ngày (tập thể dục, đi bộ…) để giúp cho tiểu tiện dễ dàng hơn. Hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận vùng kín, với phụ nữ không dội nước (hoặc xịt nước) từ phía sau ra phía trước để tránh đưa chất bẩn từ hậu môn vào đường tiết niệu và bộ phận sinh dục ngoài.

(suckhoedoisong)