Không chỉ là loại cây có giá trị thẩm mỹ cao dùng trang trí ngà Tết, hoa mai còn có giá trị dược lý toàn năng tốt cho sức khoẻ.
Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, thuộc Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, hoa mai là loại hoa đặc trưng cho Tết miền Nam. Giá trị dược lý của cây mai, từ cây đến hoa, rễ, đều rất cao.
Mai vàng là loại cây ưa ánh sáng. Ở Việt Nam cây mai vàng được tìm thấy ở Quảng Trị, Quảng Nam, Trị Thiên – Huế dọc theo các tỉnh ven biển. Cây rụng lá vào đầu mùa khô, ra hoa trước khi ra lá. Mùa hoa thường trùng vào dịp Tết nguyên đán.
Hoa mai còn có tên gọi khác là Lão mai, Huỳnh mai, Hoàng mai, Hoa mai vàng. Tên khoa học là Ochna integerrima (Lour.) Merr. Công dụng: Thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, khai vị (vỏ).
Theo kinh nghiệm dân gian, người dân dùng vỏ thân cây hoa mai vàng ngâm rượu uống làm thuốc bổ, giúp tiêu hóa dễ dàng. Ở Campuchia và Lào, các lá non của cây thường được dùng làm rau ăn sống.
Lương y Bùi Đắc sáng cho hay: “Cây hoa mai vàng có tác dụng giúp tiêu hoá tốt. Lá non của mai vàng có thể dùng làm rau xanh. Ở miền Nam, người ta phơi hay sấy khô vỏ cây mai vàng, rồi ngâm vào rượu để chiết những chất có vị đắng, làm thuốc bổ, lợi tiêu hoá. Vào những ngày Tết ăn nhiều thịt, mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, nếu làm một ly rượu đắng mai vàng khai vị sẽ thấy ngon miệng hơn".
Trong Đông y, rễ mai vàng có thể dùng làm thuốc xổ (tẩy) nhẹ sán lãi và làm thuốc chữa trị các rối loạn bạch huyết. Người có triệu chứng đau dạ dày, viêm gan và xơ gan mức độ nhẹ có thể dùng hoa mai 5g đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. Ăn tới khi các triệu chứng đau giảm thì dừng.
Theo kinh nghiệm dân gian khi đau đầu, người dân thường lấy hoa mai 9g phối hợp hoa biển đậu và lá sen tươi lượng vừa đủ, sắc uống. Bệnh đau đầu sẽ nhanh chóng thoái lui.
"Trường hợp bị tăng huyết áp có cơn đau thắt ngực, dùng hoa mai 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày",
Tốt cho tiêu hoá
Trong y học cổ truyền, hoa mai là phương thuốc quý để dưỡng cho dạ dày khoẻ mạnh. Nếu bị chướng bụng, đầy hơi, người bệnh có thể dùng hoa mai 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống. Hay như trường hợp đau bụng do lạnh, có thể dùng hoa mai và chu sa liên lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3 – 6g với rượu nhạt.
Người có triệu chứng nôn có thể dùng hoa mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt ra hòa thêm nước gừng tươi rồi uống, mỗi ngày dùng 2 thang.
Một số bài thuốc từ hoa mai
- Chữa viêm họng, viêm amidan cấp tính: Dùng bài thuốc 1 như sau: hoa mai 6g, huyền sâm 9g, bản lam căn 9g, sắc uống; Bài thuốc 2: hoa mai 15g, kim ngân hoa 15g, sinh thạch cao 15g, huyền sâm 9g, sắc uống; Bài thuốc 3: hoa mai 9g hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà trong ngày.
- Chữa viêm họng mạn tính: hoa mai 6g, hoa dành dành 5g, trà 20g. Ba thứ trộn lẫn chia làm 2 lần hãm với nước sôi uống thay trà, mỗi ngày 1 thang; Hoặc dùng bài thuốc hoa mai và hoa ngọc trâm lượng vừa đủ đem nấu với 60g gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
- Chữa ho dai dẳng: Dùng hoa mai 9g hãm uống thay trà trong ngày; Hoặc bài thuốc hoa mai 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
- Chữa chứng chán ăn: hoa mai 10g, lá sen 50g, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.
- Chữa đau khớp do phong thấp: hoa mai 9g, thạch nam đằng 9g, thố nhĩ phong 9g, đem ngâm với 200ml rượu, mỗi lần uống 30 – 50ml.
- Chữa vết thương chảy máu: hoa mai 10g đem sao rồi tán thành bột rắc vào vết thương.
- Chữa viêm loét môi và niêm mạc miệng: hoa mai tươi lượng vừa đủ đem giã nát với đường trắng rồi vắt lấy nước bôi vào tổn thương.
- Chữa viêm da lở loét: hoa mai 6g đem ngâm với dầu lạc hoặc dầu vừng, sau 2 tuần thì dùng được, bôi vào tổn thương mỗi ngày 2 lần.
(theo soha)