Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Độc Thân Nhưng Không Cô Đơn


Vài năm trước nước Mỹ bỗng dưng có một dạo ồn ào tranh luận về một tình trạng sức khoẻ công cộng – lạ thì không lạ nhưng lần đầu tiên người ta bàn tới một cách nghiêm chỉnh – sau khi vị Tổng Y sĩ lúc ấy là Vivek Murthy đã lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng này đang trở thành một dịch bệnh ở Mỹ: bệnh cô đơn. Và không chỉ nước Mỹ mới lo lắng về điều này mà luôn cả Thủ tướng Theresa May của nước Anh lúc ấy cũng đã bổ nhiệm một vị bộ trưởng đầu tiên để lo giải quyết vấn đề bệnh cô đơn trong nước.

Trong khi căn bệnh này thường liên quan đến người lớn tuổi – là những ông bà già sống một mình thui thủi không có ai để trò chuyện trong nhiều ngày và cũng là câu chuyện hay được nhắc tới trong những cuộc bàn luận về cuộc khủng hoảng sức khoẻ trên – thì trên thực tế không có một nhóm tuổi nào được đặc miễn khi nói đến cô đơn. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy một điều đáng lo ngại là những người trẻ trưởng thành có thể là những người Mỹ cô đơn nhất.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho căn bệnh cô đơn này, từ việc ngày càng ít người tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và tôn giáo cho đến sự phổ biến của kỹ thuật như mạng xã hội và điện thoại di động đã thu hút và lấy hết thì giờ rảnh rỗi của mọi người. Tuy nhiên, trong lãnh vực hoạch định chính sách và nghiên cứu, các giới chức trong chính quyền và các chuyên gia thường chỉ ra hai thủ phạm chính: tỷ lệ kết hôn giảm và ngày càng có nhiều người Mỹ sống độc thân.

 Do dư luận trong dân chúng ngày càng tỏ ra quan tâm về vấn đề này, năm 2018, một uỷ ban trách nhiệm về người già tại thượng viện đã cho tổ chức một cuộc điều trần về tình trạng cô đơn và những hậu quả tiềm ẩn của nó. Một trong những chuyên gia có mặt tại buổi điều trần là giáo sư Juliane Holt-Lunstad thuộc Đại học Brigham Young đã giải thích vấn đề trên phần nào có liên quan đến tình trạng chung của xã hội hiện tại là có hơn một phần tư dân số Mỹ (chính xác là 28 phần trăm) đang sống độc thân, hơn một nửa số người lớn ở Mỹ không lập gia đình và cứ năm người thì có một là chưa từng kết hôn.

Mà thật vậy, lối sống của người Mỹ trong nửa thế kỷ qua đã có những thay đổi đáng chú ý. Năm 1960, 72 phần trăm người trưởng thành ở Mỹ là có gia đình, và chỉ 13 phần trăm hộ gia đình có một người ở.

Một điều người ta thường dễ dãi cho rằng những người không lập gia đình và những người sống một mình hiển nhiên là những người cô độc, và do đó có khả năng cảm thấy mình cô đơn nhiều hơn những người khác. Trong khi một số nhà nghiên cứu lại thường lấy cuộc sống độc thân một mình như là thước đo về sự cô độc của một người. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào cuộc sống của nhóm người sống một mình này người ta thấy thực tế lại rất khác với nhận định trên. Đối với phần đông những người sống độc thân một mình, cuộc sống của họ không có gì là trở ngại cả. Thay vì từ bỏ các mối quan hệ, những người này lại định nghĩa mối quan hệ một cách cởi mở hơn.

Để xác định rằng người sống một mình có cô đơn hơn người sống chung với người khác hay không, các nhà nghiên cứu thường chỉ so sánh mức độ cô đơn của hai nhóm nói trên. Nhưng lối so sánh này lại bỏ qua yếu tố lựa chọn – với những người sống một mình ngoài ý muốn được gộp chung với những người tự nguyện sống một mình để có được sự riêng tư. Một khía cạnh quan trọng khác nữa cho thấy sự khác biệt giữa những người sống độc thân một mình và những người sống chung với người khác là vấn đề tài chánh. Trong một nghiên cứu khá rộng dựa trên thống kê về sự khác biệt tài chính giữa người sống một mình và người sống chung với người khác, và kết quả cho thấy người sống một mình có sự độc lập hơn về tài chánh, đầy đủ hơn về mặt vật chất và do đó họ cũng ít cảm thấy cô đơn hơn.

Một số vấn đề tương tự cũng xảy ra trong các cuộc nghiên cứu về sự cô đơn ở những người độc thân và các nhà nghiên cứu cũng lại phạm sai lầm khi gộp chung những người chưa từng lập gia đình với những người vừa mới ly dị hoặc vừa trở thành goá bụa – là những người rõ ràng là đang cảm thấy rất cô đơn.

Ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sống độc thân một mình không hẳn là động lực chính đưa tới tình trạng cô đơn như người ta thường gán cho trước đây. Trước thế kỷ 20, sống một mình trên thực tế hầu như không có ở Mỹ. Nhưng rồi sau đó lại là xu hướng sống mà nhiều người cao niên ở Mỹ đã chọn sau khi các chương trình như An sinh Xã hội và Medicare cung cấp cho họ phương tiện để được tự do và độc lập về tài chánh. Và đó cũng là xu hướng mà nhiều phụ nữ đã chọn một khi cuộc sống của họ không còn cần phải dựa vào ông chồng vì chính họ có thể kiếm việc làm để tự nuôi thân.

Những xu hướng tương tự vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay. Sống một mình có thể là một thách đố đối với những người lớn tuổi có vấn đề sức khoẻ hoặc đi đứng khó khăn, tuy nhiên, gần 90 phần người cao niên vẫn muốn sống tại căn nhà của họ, nơi họ có nhiều gắn bó với nó và một cuộc sống độc lập, không nhờ cậy vào ai. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây, một số phụ nữ độc thân trong lớp tuổi 30 và 40 được hỏi điều gì là ưu tiên số 1 trong cuộc sống của họ. Có tới 44 phần trăm cho biết là muốn được sống một mình, trong khi chỉ có 20 phần trăm nói rằng họ muốn lập gia đình. Trong số những người trẻ trưởng thành, sống tự lập một mình được coi là một bước thành tựu trong đời. Và khoảng 6 phần trăm vợ chồng Mỹ hiện đang sống tách biệt hai nơi khác nhau, không hẳn vì công việc bắt buộc như vậy mà vì họ muốn thế.

Một sự thật mà nhiều người độc thân nhận ra là người ta không nhất thiết phải có người bạn đời sống chung trong nhà để giúp họ khỏi cô đơn. Vậy thì biện pháp để tránh cô đơn cũng khá đơn giản: Những người có nhiều bạn bè hoặc người thân để có thể tìm đến trong những lúc cần thì thường có xu hướng ít cô đơn hơn. Những người độc thân và sống một mình có dư khả năng để tìm và xây dựng tình bạn tốt đẹp và duy trì mối quan hệ thân thiết với những người khác.

Trong khi một số người than rằng tình trạng tỷ lệ kết hôn giảm đang làm ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội, thì kết quả của nhiều cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy nỗi lo lắng đó là không đúng. Nếu so sánh với những người hiện đang kết hôn và những người từng kết hôn trước đây, thì người độc thân suốt đời thường giữ mối liên lạc gần gũi với anh chị em và cha mẹ của họ hơn và giao du với bạn bè và hàng xóm của họ thường xuyên hơn. Khi cha mẹ già cần giúp đỡ thì sự giúp đỡ đó thường đến từ những đứa con độc thân hơn là những đứa có gia đình.

Và hôn nhân không phải là thứ thần dược có thể chữa lành căn bệnh cô độc trong xã hội: Các cặp bạn tình dọn vào sống chung hoặc kết hôn thì thường có khuynh hướng ngày càng sống khép kín. Họ ít giữ liên lạc với anh chị em và cha mẹ và ít giao du với bạn bè hơn trước. Trong một chương trình trò chơi truyền hình có tên là Family Feud trước đây có lần người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi cho người tham gia: Người đàn ông mất gì trước nhất sau khi lập gia đình? Câu trả lời là mất bạn, và điều này phần nào đã hỗ trợ cho sự nhận định trên.

Quả thật người ta đã lo lắng quá mức về tình trạng cô đơn trong xã hội Mỹ mà lý do là vì các nhà nghiên cứu đã nhìn sai vấn đề. Một phúc trình từ Uỷ ban Kinh tế Hỗn hợp của quốc hội sau khi thu thập đầy đủ dữ liệu đã đi đến kết luận rằng “không có bằng chứng cho thấy tình trạng cô đơn đã gia tăng.” Tuy nhiên, quan niệm chung của xã hội Mỹ cho đến nay vẫn đi theo lối mòn cũ cho rằng cuộc sống độc thân là không tốt. Trong khi đó, nhiều triệu người độc thân và sống một mình tiếp tục sống cuộc sống của họ một cách trọn vẹn và vui vẻ, và ngày càng có thêm người tham gia vào nhóm người độc thân này.

Người sống độc thân hoàn toàn được tự do sắp xếp cuộc sống và nơi ở của họ theo cách họ muốn – họ có quyền tự quyết định khi nào ngủ, khi nào thức dậy, khi nào ăn, ăn gì, xem chương trình gì trên tivi; họ có quyền điều chỉnh nhiệt độ trong nhà theo đúng ý muốn mà không bị người khác phàn nàn; họ có thể mua bất cứ món đồ gì họ muốn, mặc bất cứ loại quần áo nào họ thích mà không bị phản đối. Một cuộc sống tự do như thế thì tại sao lại nói không, và hơn nữa đã được chứng minh là người độc thân không cô đơn.

Huy Lâm--https://vietluan.com.au/60430/doc-than-nhung-khong-co-don