Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Thất thập cổ lai hy

image

Theo Phương Đông thất thập cổ lai hy là một cái mốc quan trọng của đời người. Thất thập cổ lai hy có nghĩa là sống tới bẩy mươi tuổi thật là hi hữu. Nhà thơ Đỗ Phủ thời Đường trong bài thơ Khúc Giang II (Khúc Sông II) có hai câu:


image


Ông tự bào chữa vì vào tuổi đó ông thường hay uống rượu “ghi sổ nợ” và rất tự hào là mình đã sống được tới tuổi ít người thời ấy sống được:

 

Nợ tiền uống rượu là chuyện tầm thường, ở đâu chả có.

Đời người sống được đến bẩy mươi tuổi mới là hi hữu.

 

Thi sĩ Tản Đà đã dịch:


image


Dĩ nhiên ngày nay tuổi thọ cao hơn tuổi 70 rất nhiều.

 

 Thật ra, bước vào tuổi bẩy mươi mới chỉ là bước vào tuổi Thọ, mới chỉ là Tiểu Thọ, sống tới tám mươi là Trung Thọ, tới chín mươi là Thượng Thọ và tới một trăm tuổi là Bách Niên Giai Lão.


Có nhiều người thắc mắc hỏi tại sao lại lấy tuổi 70 làm cái mốc bước vào tuổi thọ? Thật ra một người sống giáp được một vòng 60 năm rồi trở lại chu kỳ mới gọi là Đáo Tuế ngày xưa đã được coi là lão làng, đã được lên hàng kỳ lão, đã được ngồi vào hội đồng kỳ mục để chăm lo việc làng.

 

Theo tôi, đây là dựa vào Dịch lý.

 

Dịch có 8 quẻ nếu đánh số thì từ 0 tới 7. Trong tám quẻ có 4 quẻ dương ứng với bốn số dương là số lẻ 1,3,5, 7 và bốn quẻ âm là số chẵn ứng với bốn số chẵn 0, 2,4, 6. Như thế về phái nam, con số 1 là  giai đoạn từ lúc mới sanh cho tới 10 tuổi là tuổi ấu thơ, chưa tới tuổi dậy thì. Số 3 là con số trưởng thành ứng với tuổi 30. Vì thế Khổng Tử (rất uyên thâm về Dịch lý) đã nói: “tam thập nhi lập”, tuổi ba mươi là tuổi tự lập, lập thân. Số 5 là số đứng tuổi (số năm là số trục, trong ma phương 5/15, số 5 là số trục nằm ở giữa tâm ma phương) ứng với tuổi 50.

 

Khổng Tử nói: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Tuổi 50 mới hiểu rõ trời đất, vũ trụ, thiên mệnh.

 

Số 7 là số dương lớn nhất gọi là lão dương. Vì thế 70 tuổi được coi là tuổi lão, tuổi thọ. Khổng Tử nói: “Thất thập nhi tòng tâm...”. Tuổi 70 là tuổi “theo ý mình”, làm theo và làm được những việc theo ý mình  (dĩ nhiên trong vòng lễ giáo của Khổng giáo). Đây là lý do tại sao 70 được coi là một cái mốc trọng đại của một đời người.

 

Tương tự về phái nữ, số 0 ứng với tuổi thơ,  số 2 ứng 20 tuổi tuổi bước vào trưởng thành, số 4 ứng với tuổi đứng tuổi và số 6 là số lão âm ứng với tuổi bước vào tuổi thọ. Vì thế mà chúng ta thường nghe bài hát có câu “Em ơi, 60 mươi năm cuộc đời...”.

 

Ngày nay phái nữ sống thọ hơn phái nam.

 

Bước vào tuổi Thất Thập Cổ Lai hy là buớc vào tuổi thọ, con người sống theo một chu kỳ sống xuất tục, xuất thế, sống với vũ trụ, trời đất, với nhân quần, đất nước, không còn vướng vào tục lụy, vào vòng danh lợi nữa.

 

Cũng trong bài thơ Khúc Giang II, nhà thơ Đỗ Phủ đã viết hai câu tả cảnh đời thoát tục lúc tuổi Thất Thập Cổ Lai hy:


image


Thi sĩ Tản Đà dịch:


image



Nguyễn Xuân Quang/baomai