Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, giữa bạn bè quen biết nhau luôn có một sự ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách và quyết định cuộc đời của mỗi người chúng ta…
Thực tế đã chứng minh: Những người bạn tốt có thể giúp chúng ta nâng cao nhân cách, nâng cao giá trị của mình; ngược lại, nếu quen biết với những người bạn xấu thì chúng ta cũng từ đó mà dễ bị những ảnh hưởng tiêu cực không nên có. Vậy nên cũng nói, chọn bạn, kỳ thực chính là chọn vận mệnh cho chính mình. Trong kiếp nhân sinh thì có 5 loại người sau đây xin đừng kết giao.
1. Người không coi trọng thân nhân
Sau khi Tề Hoàn Công bái Quản Trọng làm tướng quốc, Quản Trọng thông qua cải cách, giúp Tề Hoàn Công hoàn thành bá nghiệp, đứng đầu các nước chư hầu. Năm Tề Hoàn Công 37 tuổi, Quản Trọng mắc trọng bệnh, lúc sắp lâm chung, Tề Hoàn Công đến thăm rồi hỏi chuyện quốc gia.
Quản Trọng nói: “Dịch Nha, Thụ Điêu, Khai Phương, ba người này tuyệt đối không thể tin dùng”.
Tề Hoàn Công không hiểu nên hỏi: “Dịch Nha ngay cả con ruột của mình còn nấu lên cho ta ăn, Thụ Điêu không tiếc thân mà tự tịnh thân để vào cung hầu hạ ta, Khai Phong là một bề tôi của ta, ngay cả bố mẹ chết cũng không về an táng. Bọn họ đều yêu ta còn hơn cả bản thân, hơn cả gia đình, vậy tại sao không thể tin dùng?”.
Quản Trọng đáp: “Con người ta sống ở trên đời, tình thân ruột thịt là to lớn nhất, một người ngay cả con mình còn không yêu, đại vương còn kỳ vọng hắn có thể yêu được ai?”
Tiếc thay, sau khi Quản Trọng chết, Tề Hoàn Công không nghe theo lời căn dặn mà vẫn tin dùng ba người này, đến khi Tề Hoàn Công lâm trọng bệnh, cả ba đều liên kết mưu phản, ép ông chết đói trong hậu cung.
Tục ngữ có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con”, một người mà ngay cả người thân còn lãnh đạm không thương xót, cha mẹ không chăm, anh em không nhìn, trái tim của họ đã là băng giá. Người như vậy, dù cho chúng ta có đối xử với họ tốt thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là hoài công vô ích, tốt nhất là không nên tiếp xúc.
2. Người tất cả vì lợi
Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi, có một số người mà trong tâm họ chỉ có lợi ích được mất của bản thân, ngoài ra không có tình thân, tình bằng hữu. Người như vậy, đối với họ mà nói, trên đời này không có thứ gì là không thể quy đổi thành tiền được.
Thứ đã có giá thì chính là thứ nay còn, mai mất, một khi được giá, họ ắt sẽ bán đi, bởi với họ, lợi ích là trên hết, trong cuộc sống hàng ngày, mọi thứ họ đều thích so đo tính toán. Trong các mối quan hệ, phần nhiều họ đều ôm giữ cho mình những mục đích bất hảo, kiếm lợi cho bản thân, họ cảm thấy có thể lợi dụng được người khác nên mới tiếp cận, đạt xong mục đích hoặc khi cảm thấy người khác không còn gì để họ có thể lợi dụng thì liền quay đầu bỏ đi. Tình cảm đối với loại người này mà nói, đó là thứ dị thường, hư ảo, vậy nên chúng ta tốt nhất là đừng nên kết giao với loại người này.
3. Người không giữ chữ tín
Con người một khi mất đi chữ tín, mất đi niềm tin của người khác thì cũng coi như mất tất cả. Một người mà nói lời không có chữ tín, họ nay có thể nói thế này, mai nói thế khác, thị phi điên đảo, họ có thể nhận lời với chúng ta làm một việc gì đó, giữa đường có thể bỏ đi không làm. Kết giao với loại người này, khi chúng ta có gặp bất cứ việc gì thì cũng chẳng thể trông cậy được, khi đó chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình.
Khi kết giao với một người mà không thể có được cảm giác tin cậy, vậy thì mối quan hệ đó chỉ khiến cho chúng ta thêm phần áp lực, mất đi cảm giác an toàn. Cổ nhân xưa nay vẫn dạy chữ tín là gốc để làm người, một người mà có chữ tín thì dù đi đâu, làm gì cũng luôn biết nghĩ trước nghĩ sau cho người khác, có lợi cho bạn bè và mọi người xung quanh.
Kết giao bạn bè mà ngay cả cái chân thành tối thiểu cũng không có, vậy sao có thể thành bạn tâm giao? Vậy nên, chữ tín chính là tiền đề để có một tình bạn lâu bền, người không có chữ tín tốt nhất chúng ta nên tránh xa.
4. Người thích oán trách
Có câu, đời người mười phần có bảy tám phần không như ý, tuy nhiên, có người gặp khó khăn thì vui vẻ đối mặt, tìm hướng giải quyết. Nhưng cũng có người thì lại luôn oán trời trách đất mà lại chẳng hỏi tự thân cớ sao nên tội? Oán trách, nó cũng như một thứ bệnh truyền nhiễm mà ở đó, những người xung quanh lâu ngày đều nhiễm phải. Trước tiên, một mặt họ có suy nghĩ rằng: “Sự việc này nhất định không thành, sư việc kia không thể nào được, mọi thứ với họ đều cảm thấy bất công”, một mặt khiến những người xung quanh cũng dần dần hình thành những suy nghĩ phụ diện giống họ.
Khi một người mà trong lòng luôn nghĩ đến người khác thì người khác mới nghĩ đến mình, muốn xem mình như bạn bè. Trong khi đó, người hay oán trách thì ngược lại, điều họ nghĩ lại là bản thân mình, nghĩ về những thiệt thòi, những mong muốn của bản thân chưa được thực hiện. Đây cũng chính là người sống vị tư, ích kỷ, không biết quan tâm tới cảm xúc của người khác.
Từ một góc độ nào đó mà xét, người hay oán trách là người không có sự giáo dưỡng, đối với những người như vậy, tránh càng xa họ càng tốt, nếu không một ngày không xa rất có thể chúng ta cũng bị họ tiêm nhiễm.
5. Người không biết cảm ơn
Người với người đều là nương tựa nhau mà sống, nương tựa nhau mà tồn tại. Vậy nên làm người cần phải có lòng biết ơn đối với mọi người xung quanh, thậm chí là phải biết cảm ơn ngay chính cả kẻ thù của mình. Bởi nhờ họ mà chúng ta trở nên mạnh mẽ, nhờ họ mà chúng ta trở nên trưởng thành.
Một người, chỉ khi nào trong tâm luôn hoài giữ được tấm lòng cảm ơn đối với người khác, khi đó, người khác mới có thể sẵn sàng vì họ mà cống hiến. Nếu một người không hiểu được ý nghĩa của sự biết ơn đối với người khác, khi người khác giúp đỡ họ, có thể lần đầu họ sẽ biết cảm kích, tuy nhiên sang lần thứ hai thì đã nhạt đi mất, và rồi những lần tiếp theo, với họ nó đã trở thành lẽ đương nhiên mất rồi. Thậm chí khi người khác không giúp họ, họ liền oán trách. Kết giao với loại người như vậy thì thật là tai ương, là người có lòng tham vô đáy, tốt nhất cũng là không nên kết giao
Đức Khải-dkn.tv.
Theo cmoney.tw
Đức Khải biên dịch