Tôn Tử cho rằng: vị tướng bách chiến bách thắng cũng không hẳn là vị tướng thiện chiến nhất. Không đánh mà có thể khuất phục được quân địch mới là người thiện chiến nhất, mới là người cầm quân có cảnh giới cao nhất…

“Binh pháp Tôn Tử” còn được gọi là “Tôn Tử”, “Vũ kinh”, “Binh kinh”, “Tôn Vũ binh pháp”. Trước tác này của Tôn Vũ người nước Tề cũng là một trong những cuốn binh thư được ra đời sớm nhất vào cuối thời Xuân Thu. Cuốn “Binh pháp Tôn Tử” cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển quân sự của Trung Hoa và được mệnh danh là kinh điển chiến lược quân sự Trung Quốc. Ngay cả con người thời nay, đọc cuốn sách này cũng thu được nhiều lợi ích. Dưới đây là 10 câu nói nổi tiếng trong ‘Binh pháp Tôn Tử’:

Tôn Tử, tranh vẽ thời nhà MInh (Nguồn: Wikipedia)

1. Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần.

Người dụng binh cũng giống như thế nước chảy, luôn vô định, vô hình tuỳ cơ ứng biến, không có quy định và mô hình làm mẫu. Nếu như có thể tùy theo tình hình của địch mà biến đổi theo để giành thắng lợi thì đó chính là cái được gọi là “dụng binh như Thần”.

Tôn Tử cho rằng tình thế trên chiến trường luôn có những biến hóa rất nhanh, cho nên không thể bó buộc vào một cách thức dụng binh nào, giống như nước vậy, không có cố định hình thái. Ta có thể căn cứ vào số lượng quân địch bao nhiêu mà trang bị vũ khí cũng như nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ, tố chất cần có của tướng lĩnh, quân nhu cung ứng như thế nào để linh hoạt áp dụng đối sách hợp lý, như vậy mới có thể giành thắng lợi. Câu này có thể cho thấy khi dụng binh cũng như thực hiện công việc gì đó cần nắm rõ thực lực và tình thế mà đưa ra kế sách linh hoạt, không bám cứng vào một cách thức nào đó. 

2. Tri khả dĩ chiến dữ bất khả chiến giả thắng.

Tướng lĩnh mà biết được khả năng khi nào có thể đánh được, khi nào không đánh được thì ắt có thể chiến thắng. Trên chiến trường, tướng cầm quân có thể xem xét thời thế, biết mình biết người, giỏi thay đổi cách dụng binh để ứng phó tình huống một cách linh động, không bị tình cảm chi phối, không hành động mù quáng, như vậy mới có thể đánh thắng trận. 

3. Thiện dụng binh giả, tị kỳ duệ khí, kích kỳ nọa quy. 

Câu này có ý nói là, tướng lĩnh giỏi chỉ huy tác chiến, cần tránh lúc nhuệ khí quân địch đang mạnh, đợi đến khi sĩ khí địch giảm sút và kiệt quệ rồi mới tấn công. 

4. Binh giả, quỷ đạo dã, cố năng nhi kỳ chi bất năng, dụng nhi kỳ chi bất dụng, cận nhi kỳ chi viễn, viễn nhi kỳ chi cận.

Dụng binh trong chiến tranh là một thuật gian trá, có thể đánh nhưng lại giả vờ thua, muốn tấn công nhưng lại giả vờ lui quân, muốn đánh gần nhưng lại giả bộ đánh xa, sắp tấn công chỗ xa nhưng lại giả vờ đánh gần. 

Bản sao cuốn Binh pháp Tôn Tử (trên bìa là “孫子兵 法”) là một phần của bộ sưu tập tại Đại học California, Riverside. Bìa cũng có chữ “乾隆 御書”, có nghĩa là nó được Hoàng đế Càn Long ủy nhiệm hoặc phiên âm.

5. Lợi nhi dụ chi, loạn nhi thủ chi, thực nhi bị chi, cường nhi tị chi. 

Câu này có ý là, quân địch tham lợi thì dùng lợi dụ dỗ, khi địch hỗn loạn thì thừa cơ tấn công đánh chiếm. Nếu lực lượng quân địch hùng hậu thì cần chú ý đề phòng. Quân địch đang ở thế mạnh thì cần tạm thời tránh tấn công vào mũi nhọn.  

6. Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý. 

Tấn công vào điểm quân địch không có sự chuẩn bị, xuất binh bất ngờ. Khi tác chiến cần tranh thủ đánh đúng vào thời điểm quân địch không có sự phòng bị mà bất ngờ xuất kích, có như vậy mới giành được thắng lợi. 

7. Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ tri kỷ, nhất thắng nhất phụ, bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi.

Ý tứ của câu này là biết mình biết người trăm trận trăm thắng, biết mình mà không biết người thì có thể thắng có thể thua, không biết mình và không biết người thì xuất binh liền thất bại. 

“Biết mình và biết địch, trăm trận trăm thắng” là nguyên tắc tác chiến nổi tiếng trên thế giới, mọi người cho rằng câu này xuất phát từ “Binh pháp Tôn Tử”. Cái gọi là “Biết mình biết người” chính là “sự chuẩn bị kế sách trong trướng” dùng để quyết định “sự chiến thắng ở xa ngoài ngàn dặm”.  

8. Dụng binh chi pháp, thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi, bội tắc phân chi, địch tắc năng chiến chi, thiểu tắc năng đào chi, bất nhược tắc năng tị chi.

Câu này nói về nguyên tắc dùng binh. Binh lực của mình gấp 10 lần địch thì dùng kế vây thành. Nếu binh lực chỉ gấp 5 lần thì cần chủ động tấn công. Nếu lực lượng hai bên ngang hàng thì cần chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Nếu binh lực ít hơn quân địch, cần xét đến đường lui, bảo đảm có thể thoát thân. Nếu không đánh lại quân địch thì cần tránh tấn công vào mũi nhọn, gắng hết mức không đối đầu trực diện. Tuy là nguyên tắc chiến tranh, nhưng câu này vẫn có ý nghĩa tham khảo trong cuộc sống. 

9. Đầu chi vong địa nhiên hậu tồn, hãm chi tử địa nhiên hậu sinh.

Câu này muốn nói rằng, đem quân đặt vào tình thế một mất một còn, hãm trong hoàn cảnh tuyệt vọng lại có thể chuyển nguy thành an, bảo tồn được lực lượng và giành thắng lợi. Đây là một phương pháp thần kỳ để giành chiến thắng. Gặp phải tình huống nguy cấp mà không có đường lui, hiểm cảnh ở trước mặt, đặt quân vào chỗ chết, binh sĩ như tốt qua sông, chỉ có thể tiến không thể lùi, vì muốn được sống sót thì cần phải chiến đấu hết mình, liều chết xông lên, làm như vậy lại có thể chuyển bại thành thắng. 

10. Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã, bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã. 

Tôn Tử cho rằng: vị tướng bách chiến bách thắng cũng không hẳn là vị tướng thiện chiến nhất. Không đánh mà có thể khuất phục được quân địch mới là người thiện chiến nhất, mới là người cầm quân có cảnh giới cao nhất.

Tôn Vũ cho rằng, mục đích của chiến tranh nằm ở chỗ “có thể bảo vệ mình mà vẫn giành chiến thắng”. Bách chiến bách thắng là việc rất khó thực hiện trong quân đội, giết 10 ngàn quân địch thì quân ta cũng phải tổn hao tới 3 ngàn, quân địch cũng chịu tổn hại rất lớn. Như vậy, nếu có thể dùng ngoại giao mà giành lấy thắng lợi, nghĩa là “không đánh mà thắng” mới là sách lược tốt nhất. Do vậy mới nói: “Dùng binh thượng sách là dụng mưu, tiếp đến là ngoại giao, sau đó mới đến binh lính, cuối cùng mới là tấn công thành trì”. Khi hai nước chiến tranh, thượng sách chính là dùng mưu để đối phương khuất phục, tiếp đến mới là dùng ngoại giao, sau đó mới đến hai quân giao chiến, cuối cùng mới là sách lược vây thành để giành thắng lợi. 

Theo Vision Times
San San/DKN biên dịch