Đối với tôi, không có con giáp nào hợp lý trong cuộc đời mình, bởi vì sự thật chẳng ai lựa chọn được rủi may trong số phận khi sanh ra, tất cả chỉ là ngẫu nhiên, đứa trẻ ra đời năm nào thì cầm tinh con vật đó như một mặc định từ thời xa xưa của ông bà, nhưng không có nghĩa vận hạn phải bị dính dáng suốt đời tới con giáp mà không ai biết chính xác ra sao. Người ta còn xem Tử Vi để đoán trước tương lai giàu nghèo của đứa bé. Sao không “tâm sinh tướng” mà phải phụ thuộc ‘tướng sinh tâm”?nghĩa là dạy đứa nhỏ sống thiện lương cuộc sống nó tốt hơn là coi bói mơ hồ gieo cho nó tánh ỷ dựa “ con vua thì được làm vua ...”
Theo phong tục Việt Nam, hay chính xác hơn là bị Hán hóa từ ngàn năm Bắc thuộc mà ngày Tết dân mình hay theo cách tính 12 con giáp, Tý Sửu Dần Mẹo….kèm theo can chi Giáp Ẩt Bính Đinh...Cứ thế mà thay đổi hàng năm theo vòng tròn bất tận, Và mỗi năm người ta nhắc đến tên một con vật trong 12 con giáp đó, Người Mỹ thực tế hơn, họ chỉ biết có Birthday để kỷ niệm ngày sinh của mình, họ coi Lunar New Yea như Tết của Tàu và Chinese zodiac animal như con vật biểu tượng trong con giáp của năm đó, người Việt ở khắp nơi ăn Tết âm lịch cũng bị đánh đồng như người Tàu, thậm chí ra đường đôi khi cũng bị Mỹ hỏi “ Bộ mày là người Tàu hả? “ họ không phân biệt được Nhật ,Hàn , Việt, Miên, nếu không nghe tiếng nói khác nhau, cứ dân Châu Á da vàng mũi tẹt là Tàu tuốt. Thật tình cũng thấy khó chịu khi bị gom chung như vậy.
Năm nay Tết Tân Sửu, tôi sẽ không để ý tới nó nếu chẳng tình cờ thấy hình con trâu vẽ bằng bút chì mà anh bạn đưa lên Facebook, ánh mắt nó buồn hiu hắt y như con trâu bị bắn chết trong trại tù Huy Khiêm hơn 30 năm trước, ánh mắt tuyệt vọng thất thần của nó khi ngã xuống đã ám ảnh tôi tới bây giờ, nhắc lại vẫn thấy nao lòng
Trước Tết mấy ngày, người ta cột con trâu trong khu nhà bếp dự định sẽ làm thịt cho tù nhân ăn, có “chất tươi” bồi dưỡng sau cả năm chỉ toàn cơm rau muối như sự đãi ngộ của trại giam.
Khi nhát chém dứt dạt vào chân trước của con trâu gần lặt lìa thì nó rống lên dữ dội và bứt dây bỏ chạy vòng vòng trong sân trại với sự đau đớn tột cùng, cả đám người hò hét đuổi theo, nhưng không ai dám đến gần khi nhìn cặp sừng hung hăng của nó, trâu và người đều mệt mỏi sau gần cả giờ chạy đuổi, nó lết vào khu nhà nữ ờ góc cuối cùng của khu trại thì tất cả chúng tôi đều vào nhà đóng cửa lại vì sợ nó nổi điên mà báng bậy, tôi ôm thằng con lại cửa sổ nhìn ra sân sau, chúng tôi được phép “ cải thiện” trồng chút ít rau ở bên hè, đang mùa cải ngọt xanh mơn mởn, tôi than thầm khi thấy con trâu lừng lững đi vòng phía sau,”thôi rồi phen này tan nát mấy luống rau,” bây giờ tôi mới nhìn rõ hơn, con vật khốn khổ với cái chân trước gãy lặt lìa ròng ròng máu chảy, cặp mắt nó như rướm lệ, con trai tôi mếu máo và tôi sắp khóc tới nơi, chúng tôi đều cảm nhận sự thất vọng tận cùng trong cái nhìn của nó, khi tiếng hò hét ngưng lại và khẩu súng được lên cò, ngay giây phút ấy tôi đã vội che mặt thằng bé không cho nó nhìn thấy cảnh tên quản giáo bắn vào đầu con vật đáng thương, nhưng mấy phát đạn khô khốc đó vẫn cứ mãi âm vang trong trái tim đau đớn của chúng tôi, thằng bé ám ảnh cái chết của con vật vì tấm lòng thiện lương trẻ nhỏ, còn tôi bị ám ảnh đau đớn vì hình dung bọn họ cũng đã bắn vào đầu chồng tôi giống y như vậy khi tuyên án tử hình. Sự liên tưởng làm trái tim tôi tan nát.
Đêm hôm đó hai mẹ con đều trằn trọc, thỉnh thoảng thằng bé lại mớ khóc, sự nhạy cảm của đứa trẻ 8 tuổi lớn lên trong tù, lần đầu tiên biết về con Trâu không phải bằng với hình ảnh nó đứng trên cánh đồng bát ngát thanh bình có cánh cò thong dong trên lưng trong ánh chiều tà như mẹ thường tả cho nghe, mà lại chứng kiến hình ảnh con trâu thật thê thảm, đi có ba chân và một chân lủng lẳng máu me, điều này thật kinh khủng khi tôi đã vô tình tạo dấu ấn khắc nghiệt trong tâm trí non nớt của con trai tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh đau thương này trong buổi chiều ba mươi Tết.
Năm đó trại đã đón Xuân tưng bừng với món thịt trâu hầm, ai cũng hăm hở với phần chia trong bữa cơm là miếng thịt khiêm tốn chừng 3 ngón tay trong cái thau lõng bõng nước đen thùi ,chúng tôi cũng được chia phần nhưng nhỉnh hơn mọi người một chút vì ai cũng thương tên tù nhân nhỏ nhất mà cũng duy nhất có mặt trong trại này
Thương con ốm yếu thiếu ăn, tôi xé nhỏ miếng thịt ra ép nó nhưng thằng bé nhất định ngậm miệng lại quay mặt đi, dỗ dành cách nào nó cũng không ăn, cứ đưa mắt nhìn ra cửa sổ sau hè rưng rưng, làm tôi cũng xót xa hết sức. Cuối cùng tôi phải đổi 2 phần thịt trâu lấy nhúm thịt chà bông của ai đó mới được thăm nuôi đề cho thằng bé ăn cơm.
Chúng tôi đã trải qua mấy cái Tết trong thiếu thốn và cô đơn vì không có người thăm nuôi, nhưng có lẽ cái Tết đó là đau buồn nhất khi tận mắt nhìn con Trâu bị bắn vào đầu và ngã vật ra đất máu me lênh láng, lạ một điều trước khi chết con vật không hề làm dập một ngọn rau cọng cỏ sau vườn, dù người ta đã rượt đuổi dồn nó đến bước đường cùng. Một con vật dũng cảm, tôi đã nói với thằng bé như vậy.
Ngày Tết người Việt mình hay kiêng cữ đủ thứ, không được khóc lóc, không được than vãn, kẻo xui cả năm, nhà phải gạo muối đủ đầy để được sung túc suốt 12 tháng v.v Xin lỗi đã nhắc câu chuyện không vui trong mấy ngày này, nhưng con trâu đã làm tôi ám ảnh và tôi muốn chia sẻ với bạn, để mình hạn chế những món ăn ngon không cần thiết khi phải sát hại quá nhiều con vật đáng thương
Thật ra con vật nào cũng tội nghiệp khi bị giết mổ, đừng nói nó vô tri vô hồn, nó cũng biết sợ hãi, đau buồn và vùng vẫy trong tuyệt vọng, nhỏ nhoi như con chim con ếch hay lớn xác như con bò con voi thì sự dã man rùng rợn của con người khi ra tay cũng giống như nhau.Người ta cứ đổ thừa “vật dưỡng nhơn” , cảnh lột da xẻ thịt khuất mắt thì ăn vẫn thấy ngon, nhưng nếu có dịp bước vào lò giết mổ rồi thì tôi chắc rằng bạn sẽ không còn cảm thấy hứng thú với dĩa thịt rất hấp dẫn thơm lừng
Hồi nhỏ ở quê , tôi thấy người ta nhậu với đặc sản miền sông nước như rùa rắn lươn ếch được chế biến thơm lừng, những con vật nhỏ nhoi vùng vẫy đến tội nghiệp, con rùa còn sống họ bỏ vào nồi đầy muối hột đậy kín nắp lại, lúc đầu còn nghe tiếng rồn rột cào cấu hốt hoảng trong đó rồi im dần, tôi la như cháy nhà “ con rùa tắt thở rồi” Ai cũng cười đứa trẻ con ngây ngô, nhưng từ đó về sau,tôi không còn thích món trứng rùa béo bổ, không bao giờ lân la tới chỗ sàng nước, nơi người ta giết những con vật đáng thương, sau này họ còn làm thịt chó, mèo, khỉ hay bất cứ con gì mà họ cho là bổ dưỡng, nhậu được.Tôi đã thấy cái hủ ngâm hàng trăm mật rắn trong đó, bạn có tin loại rượu thuốc cải lão hoàn đồng này không?
Hình như sự tàn nhẫn đã tinh vi chuyên nghiệp hơn khi nó trở thành món ngon vật lạ cho rất nhiều người và sự mua bán này ngày càng phát đạt từ thôn quê đến thành thị khi món ăn đó trờ thành “ đặc sản “ trong các nhà hàng sang trọng
Ơn Trời, qua Mỹ tôi không còn thấy những loại thịt đặc sản trời thần này khi có hội PETA( People for the Ethical Treatment of Animals) của Mỹ và xa hơn nữa có WSPA của Quốc Tế. Ít ra chúng cũng được bảo vệ, được quan tâm chăm sóc và tôi nghĩ người Mỹ không bao giờ chấp nhận “ vật dưỡng nhơn” với món “hot dog giả cầy” đáng lên án này. Chó mèo là loại thú cưng của họ.
Thêm cái Tết ta ở bên Mỹ, người Việt người Tàu dù dịch bệnh tùm lum nhưng vẫn um sùm đón Xuân trong mấy khu chợ Á Châu, tuy không rình rang như mấy năm trước nhưng vẫn có chợ hoa đầy màu sắc đào mai lan cúc chưng đầy, kẹo mứt, bánh chưng, bánh tét rộn ràng nhưng người đi chợ cũng còn thưa thớt và dĩ nhiên ai cũng đeo khẩu trang kín mít, nên khó mà biết được dung nhan các nàng Xuân dạo phố Bolsa.
Nhớ bài hát xưa " Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa".Trên vùng tôi ở, kiếm hoa mai vàng cũng hiếm như tìm lá diêu bông, được bạn gởi tặng tấm thiệp kiểu dáng rất Sài Gòn với dòng chữ mềm mại văn phong phương Nam một thời đã làm tôi cảm xúc.
Mãi quanh quẩn trong nhà cả năm nay vì dịch COVID với nhiều lo âu, buồn chán, nên tôi lại càng không biết Xuân về hay chưa, nhưng những cánh thiệp Xuân đã làm tôi ấm áp biết bao trong cái giá lạnh của mùa Đông nước Mỹ
Cám ơn chị bạn phương xa nhắc thơ Đông Hồ
" Cánh Thiệp hoa tiên nắn nót? Giữ lòng Nguyên Đán băng trinh"
Cám ơn đòn bánh tét cô học trò vói của thầy Sâm gởi tặng . Cám ơn đã nhắc Tết quê nhà,
Một năm qua với bao biến động kinh hồn, nước Mỹ chông chênh như tòa nhà cao tầng trong cơn địa chấn dữ dội,có lúc tưởng như sắp sập tới nơi. Nhưng may mắn thay người dân Mỹ có một niềm tin mạnh mẽ để bước tới, dù bạn là ai, thuộc sắc dân nào, dù bạn theo đảng phái chính trị nào đi nữa thì bạn cũng là công dân Mỹ ( trừ khi bạn từ bỏ quốc tịch đế trở về nơi bạn đã ra đi) thì bạn nên yêu đất nước mà bạn và gia đình đang sinh sống ở đó, nên đặt niềm tin vào sự thật khó tin, nên hy vọng dù đã từng thất vọng, cứ nghĩ như vậy đi bạn mới cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi hoà nhập vào cuộc sống này
Người Việt ở Mỹ hay dùng từ “ đi cày” để chỉ công việc mưu sinh, dù lao động chân tay hay CEO trong văn phòng máy lạnh, họ vẫn tự nhận mình cực như Trâu khi cố gắng làm việc hết sức để vươn lên thành đạt, nhưng so ra đi cày ở Mỹ vẫn cơm no áo ấm hơn nhiều, bạn có than van cày 2-3 job cũng không đủ bởi vì bạn cần tiền để trang trải cho gia đình bên này bên kia, bạn chấp nhận cày để có cuộc sống sung túc hơn khi được ở Mỹ, dù bạn không phải tuổi con Trâu.
Nước Mỹ sẽ qua mùa Đông ảm đạm, nắng ấm sẽ trở về, cây xanh hoa trái sẽ đâm chồi non, mầm sống sẽ hồi sinh sau một năm nghiệt ngã
Xuân Tân Sửu, Mọi người sẽ phải vất vả cày để vực dậy nền kinh tế Mỹ đang lao đao vì dịch bệnh. Tôi đặt niềm tin vào tương lai.
Ngọc Ánh 2/2021/nguoiphuongnam