Có những phát minh được tạo ra với mục đích nhân văn nhưng cuối cùng lại đẩy vận mệnh của cả nhân loại vào bước đường tồi tệ hơn bởi những người muốn lợi dụng những phát minh đó để phục vụ cho mục tiêu bất chính. Để rồi nhân loại phải trả bằng một cái giá quá đắt cho chính lòng tham và sự ích kỷ của mình.
1. Alfred Nobel và sáng chế thuốc nổ
Có một sự thật trớ trêu ở đây, đó là người đàn ông phát minh ra thuốc nổ lại chính là người mà tên của ông được sử dụng để đặt cho giải Nobel Hòa bình. Alfred Nobel phát minh ra thuốc nổ với một động lực mang tính nhân văn. Ông tin rằng nếu tạo ra được một loại vũ khí hiệu quả nhất thì ông có thể ngăn chặn được chiến tranh. Mối quan tâm của ông với vũ khí luôn song hành cùng việc thúc đẩy hòa bình và ông không thấy có vấn đề gì với điều này cả.
Thế nhưng, giống như hầu hết các nhà khoa học khác ở những năm cuối thế kỷ 19, Nobel bắt đầu nhận thấy những phát minh khoa học của mình giống như con dao hai lưỡi, thay vì sử dụng thuốc nổ vì mục đích hòa bình, người ta lại dùng nó để tăng cường chiến tranh. Alfred Nobel đã vô cùng hối hận vì chính bản thân mình đã góp phần vào những cuộc chiến tranh nên ông đã quyết định dành phần lớn tài sản của mình vào việc thành lập các giải thưởng Nobel.
2. Arthur Galston và chất độc màu da cam
Galston là nhà thực vật học người Mỹ. Ông đã dành cả cuộc đời của mình để suy nghĩ làm thế nào giúp cây trồng phát triển.
Thông qua những nỗ lực không ngừng, Galston cuối cùng cũng tổng hợp được một chất gọi là axit Benzoid (TIBA). Chất này có thể thúc cây đậu tương nhanh ra ra hoa, kết quả, nhưng mặt trái của nó là làm cho lá đậu tương rơi rụng rất nhiều.
Ông không ngờ quân đội Mỹ đã lưu ý đến nghiên cứu của ông, và sử dụng nó để sản xuất vũ khí hóa học – chất độc màu da cam. Quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc này trong trong chiến dịch Ranch Hand – một phần của chiến tranh hóa học trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Hậu quả nó để lại còn kéo dài cho đến ngày nay.
Chứng kiến sự tàn phá gây ra bởi chất độc da cam, Galston cảm thấy rất tuyệt vọng. Ông chưa từng nghĩ phát minh của mình sẽ được sử dụng vào mục đích chiến tranh để phá hủy hòa bình nhân loại. Năm 1965, ông đã vận động chính phủ Mỹ kết thúc việc sử dụng chất độc da cam.
Cho đến năm 1971, lệnh cấm sử dụng chất độc da cam mới được chính phủ Mỹ đã ban hành.
3. Mikhail Kalashnikov và phát minh súng trường AK-47
Năm 1947, Kalashnikov đã phát minh ra súng trường tấn công AK-47. AK-47 có thể được coi là súng trường tấn công hiệu quả nhất, thiết kế đơn giản, chi phí thấp, rất bền ngay cả trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Chính vì vậy, trong khoảng 1/2 thế kỷ vừa qua, AK-47 là loại vũ khí được sử dụng nhiều nhất trên thế giới bởi những người chiến đấu vì tự do và cả những kẻ khủng bố. Con số chính thức cho thấy từ năm 1950, 90% các cuộc chiến tranh đều có bóng dáng của AK-47. Hiện tại AK-47 đã được sử dụng ở 92 quốc gia, gây ra cái chết của hơn 700 triệu người
Đó là lý do vì sao Mikhail Kalashnikov phải hứng chịu nhiều gạch đá từ phía dư luận. Tuy nhiên, Mikhail không cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về việc AK-47 “giết” quá nhiều người mà theo ông, chính phủ phải kiểm soát được hoạt động sản xuất và buôn bán vũ khí.
4. Kamran Loman và phát minh bình xịt hơi cay
Kamran Loghman được FBI tuyển dụng để phát triển bình xịt hơi cay – một loại vũ khí không gây chết người. Giống như nhiều nhà phát minh vũ khí khác, ông đã kỳ vọng rằng phát minh của mình được sử dụng đúng mục đích. Nhưng không, Loghman đã phát hoảng khi thấy sự sáng tạo của mình được được dùng để đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên tại Đại học California, Davis hồi năm 2011.
Có thể chúng ta ai cũng nghĩ rằng bình xịt hơi cay là một vũ khí nhân đạo cho phép cảnh sát hoặc quân đội dập tắt các cuộc biểu tình mà không gây ra đổ máu. Điều đáng buồn là bình xịt hơi cay cũng được sử dụng để chống lại những người biểu tình ôn hòa và được coi là một công cụ của chính quyền áp bức. Bản thân Kamran Loghman cũng tỏ ra “ngao ngán” khi chính phủ sử dụng phát minh của ông để đàn áp dân chúng một cách vô tội vạ như vậy.
Hải Yến/ dkn.tv