Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Vu Lan


Rằm tháng Bảy hoặc ngày mười lăm tháng Tám dương lịch, tương tự như người Hoa và Việt, người Nhật Bản hành lễ Ubon hay Obon, còn gọi là Bon hoặc Urabon. Trong dịp lễ này họ còn cử hành thêm lễ Toro Nagashi tức là lễ thả đèn trên sông để cầu nguyện cho kẻ quá cố.

Nguồn gốc của lễ Ubon hoặc Vu Lan phát xuất từ Phật Giáo Trung Hoa, truyền qua Nhật Bản từ đầu triều đại Meiji. Tôn giáo Á Đông, tin tưởng rằng linh hồn của tổ tiên và người quá cố trở về nhà trong ngày hội Vu Lan. Thức ăn, hoa quả, nhang đèn được bày biện trước bàn thờ, danh từ Nhật Bản là Butsudan, để cầu nguyện cho sự an lạc thiên thu. Đèn giấy treo trước nhà hướng dẫn linh hồn về đoàn tụ. Trong khu vực Hiroshima, đèn màu thắp lên cạnh các nấm mộ lâu năm, đèn trắng dùng cho những người mới qua đời trong vòng một năm.

 
Ubon là một trong hai dịp lễ quan trọng trong năm đối với người Nhật. Hầu hết các cơ quan hành chánh và cơ sở thương mại đóng cửa nghỉ phép vào ngày mười ba đến mười lăm tháng tám. Nhiều người đi làm xa được chủ cho về thăm gia đình để cùng nhau trẩy hội Vu Lan.

Trong những ngày đầu, ngoài việc đi thăm mộ và cúng giỗ, người Nhật Bản còn có tục lệ nhảy múa gọi là Bon Odori để chào đón linh hồn tổ tiên. Nhiều nơi, vào ngày cuối của tuần lễ Ubon, vào mỗi hoàng hôn dân chúng thả đèn xuống sông hoặc biển, họ tin rằng linh hồn thân nhân sẽ đi theo ánh đèn về miền cực lạc.

Lần này đến Honolulu, tôi ngẫu nhiên khám phá rằng mình đang viếng Hawaii trong tuần lễ Ubon. Từ đầu tuần, bắt đầu sáu giờ rưỡi chiều, các vũ công Nhật bản mặc Kimono và Tabi, hát múa vinh danh tiền nhân trước khách sạn Hawaiian Regent. Đây là lần thứ bảy khách sạn này bảo trợ chương trình lể Urabon. Vào đêm mười lăm tháng tám, tối chủ nhật, chương trình rước đèn hoa bằng thuyền độc mộc bắt đầu vào lúc tám giờ tối tại kênh đào Alawai. Tại đây, một ngàn cái đèn giấy sẽ được thả xuống nước.

 
Lòng tôi hân hoan mở hội, hy vọng được thấy một đêm Hawaii huyền diệu, bí ẩn với những ánh đèn lung linh trên dòng nước, được nghe tiếng Hạ uy cầm reo trong gió, tiếng lá dừa ngả nghiêng xào xạc và nhất là mùi thơm dịu dàng phảng phất của hoa sứ, một kỷ niệm của Hawaii tôi luôn luôn cưu mang lưu luyến. Năm ngoái, tôi về Huế, được đi thuyền trên sông Hương, nghe ca Huế và thả đèn hoa đăng, lòng còn mang nhiều kỷ niệm thật là êm đềm, nên tôi rất mong được hưởng thêm một kinh nghiệm mới. 

Sáu giờ chiều, sau khi ăn tối thật nhanh tại International Market, tôi vội vã vác ba lô máy ảnh lên lưng, băng qua ngã sau chợ, đi bộ tới kênh đào Alawai. Con đường tráng xi măng dọc theo bờ kênh rất tiện cho bộ hành dạo mát, trên lề đường hoa sứ trắng, hồng tỏa hương êm dịu theo làn gió thoang thoảng. Những cây dừa cao vút nghiêng bóng trên bờ nước và phượng vĩ vẫn còn hoa rực rỡ làm hồn tôi man mác nhớ những kỷ niệm tuổi học trò áo trắng ngày xưa.

Đang tìm chỗ an tọa để chờ màn đêm rơi xuống, tôi chợt thấy một đoàn thuyền độc mộc từ hướng cầu McCully chèo ngược dòng kênh. Trên mỗi chiếc thuyền là một cái đèn giấy trang hoàng diêm dúa, gắn kỹ lưỡng trên một tấm ván lớn, đặt thăng bằng ngang lòng thuyền. Ba cô gái trẻ người địa phương chèo ngược dòng nhanh nhẹn. Thấy tôi chụp ảnh trên bờ các cô chậm tay nhìn lên. Tôi gọi:

-Cho tôi chèo thuyền với!

Cô nhìn tôi:

-Bà có mái chèo không?

Tôi lắc đầu, tiếc thầm bị cơ may dang dở. Mấy cô nói: Sorry, rồi chèo thuyền đi mất. Từ địa điểm hành lễ, tiếng chiêng trống trỗi lên vang dội, kinh cầu bằng Nhật Ngữ và Anh Ngữ, mặc dù đây là đại lễ Phật Giáo nhưng tôi có nhận ra thêm những lời kinh Công Giáo. Khi đọc danh sách của tử sĩ tôi nghe lời cầu nguyện cho nạn nhân chiến cuộc trong các cuộc đại chiến, nhất là những linh hồn uổng tử tại Hiroshima, Nagasaki và Pearl Harbor. Sau nghi lễ tế bái, các đoàn vũ công múa trống, múa đèn. Tôi ở bên bờ sông đối diện, trời lại nhá nhem tối nên không thấy được tất cả những chi tiết hành lễ. Lúc này, tất cả các lồng đèn đều được thắp sáng trên các thuyền độc mộc, tụ tập phía tôi đứng. Bên kia sông, cả ngàn cái đèn giấy đã lung linh ánh nến.. Biết rằng phải chụp ảnh đêm, không đèn chớp nên tôi dùng loại phim nhậy sáng, thay đổi tốc độ và khẩu độ khác nhau để hy vọng có tấm hình đẹp. Tôi miệt mài bấm hết ba mươi sáu tấm để rảnh tay thực hiện mưu đồ mới của mình.

 
Chụp hình xong, cất máy gọn gàng vào ba lô, tôi quan sát các chiếc độc mộc quanh mình. Các anh chị chèo đò lúc này đang nghỉ ngơi, uống nước và ăn tối. Biết rằng nếu tôi kiếm được cái mái chèo thì cơ hội lên ghe của tôi sẽ trăm phần hy vọng. Nhìn thấy một chiếc thuyền đôi chở cái đèn lồng màu hồng thật lớn, chèo bởi sáu anh chàng Hawaiian da đen bóng, sau thuyền họ đem thêm mấy cái mái chèo. Tôi mon men bước đến làm quen và xin chèo thuyền với họ. Sau vài phút ngẫm nghĩ, một anh gọi qua chiếc thuyền bên cạnh xin phép giùm cho tôi được lên thuyền vì thuyền này chỉ có hai tay chèo và anh ta đưa tay rút mái chèo cho tôi mượn. Anh chèo đò trên chiếc thuyền mới hỏi tôi:

-Bà có biết chèo không? 

Tôi do dự chả biết trả lời như thế nào nhưng đánh bạo nói dốc:

-Tôi rất thông minh, cần vài phút thực tập là tôi chèo được ngay!

Anh đưa tay chỉ tấm ván giữa thuyền.

- OK, bà ngồi đây.

Bây giờ nhìn kỹ lại thấy chiếc thuyền sao mỏng manh quá làm bụng tôi bắt đầu đánh lô tô. Biết rằng với tấm thân bồ tượng này, nếu tôi trèo không khéo thế nào cũng lọt xuống sông, làm lật thuyền và làm trò cười cho du khách đang ngồi hai bên bờ. Sau vài giây ngẫm nghĩ, biết rằng sông không sâu lắm, tôi lội đại xuống sông, mang cả giày, trù tính rằng nếu rủi ro tôi có bị lật thuyền thì trước sau cũng ướt, chi bằng bị ướt chút chút trước cho quen. Nước bên hông thuyền chỉ ngang đùi, tôi chỉ sợ cho túi máy ảnh đầy phim và dụng cụ đắt tiền nên nâng lên cao, đặt cẩn thận trong lòng thuyền trước khi nhảy vào thuyền. Người đàn ông trung niên ngồi đầu mũi thuyền tên là Sandy, thấy tôi cầm mái chèo, anh cười khì bảo rằng tôi cầm ngược. Da mặt tôi rất dầy từ khi trở thành nhiếp ảnh gia nên tôi không cảm thấy ngượng ngùng chi cả, tôi bảo anh:

-Anh dạy cho tôi cách chèo cho đúng để tôi khỏi làm lật thuyền nhé.

Anh ta chỉ tôi cách cầm chèo và cách vận động các bắp thịt vai và hông, cách chuyển hướng thuyền rồi bảo:

-Khi nào tôi chèo bên phải thì bà chèo bên trái.

Thì ra chèo thuyền còn dễ hơn là đạp xe đạp, mấy hôm trước, ngày nào tôi cũng đi bơi mà chẳng thấy tay chân mỏi mệt chi cả nên hôm nay tôi cảm thấy khỏe và tự tin. Cuối thuyền, cậu thanh niên trẻ mới mười sáu tuổi tên Mike, người Mỹ trắng, sinh tại Hawaii nên da cũng ngăm ngăm đen vì hay đi trượt sóng. Mike muốn qua học đại học Colorado sau khi tốt nghiệp trung học. Anh Sandy đã hơn năm mươi tuổi, mang dòng máu Hawaii và Trung Hoa, ngày xưa khoảng năm 1970 anh ta đi lính qua Việt Nam. Hai người tỏ ra rất thân thiện, tử tế và vui vẻ.

Bên bờ công viên, buổi tế lễ kết thúc, một hàng ca sĩ và vũ công mặc quốc phục Nhật Bản bước sát bờ nước, hai tay cầm đèn, múa lòng vòng và hát lên những lời ca thật trầm buồn êm dịu. Tiếng ca như làn gió nhẹ mơ hồ trên mặt nước, như cánh bướm lượn trên hoa, như tiếng mẹ ru ơi hời buổi trưa hè vắng....

Từng chiếc độc mộc bắt đầu lìa bến, đến phiên thuyền chúng tôi di chuyển, thấy Sandy dùng mái chèo đẩy thuyền tôi cũng bắt chước anh. Chúng tôi chèo thuyền qua bờ sông đối diện. Bên này các vị có nhiệm vụ gắn đèn, buộc vào đuôi thuyền của chúng tôi một hàng đèn giấy, ít nhất là năm mươi chiếc. Một anh nhìn sát mặt tôi cười:

-A, có một du khách!

Trong cuộc lễ này, các người chèo thuyền thường là người bản xứ nên anh ta có vẻ ngạc nhiên thích thú khi thấy khuôn mặt lạ. Tôi cười và đáp:

-Một du khách can đảm, vì đây là lần đầu tiên tôi được chèo thuyền!

Anh đẩy thuyền ra dòng nước sâu mỉm cười:

-Have a good time!

Tôi sung sướng vui vẻ cám ơn anh ta và chèo ra giữa dòng. Tay tôi cầm cái bơi chèo, khuấy vào nước mát, bên tai gió hiu hiu thổi, tiếng ca vương vấn trầm bổng trong không gian đưa thuyền nhè nhẹ trôi. Trên trời trăng lưỡi liềm, tinh tú long lanh vằng vặc, giải Ngân Hà rạng rỡ trên cao, chia phôi tình Ngưu Lang Chức Nữ. Trước mặt tôi, thành phố Honolulu đã lên đèn, nhìn những cửa sổ cao ốc đèn sáng, tôi liên tưởng đến những cái đèn lồng, không khác mấy những ngọn đèn vuông vức chạy theo chúng tôi sau lưng thuyền.

Bờ kênh phía đường Alawai du khách đứng ngồi ngổn ngang chiêm ngưỡng cuộc diễn hành, đôi khi chúng tôi bơi gần bờ, du khách vỗ tay vang dội để khích lệ, tôi khoái chí cười toe toét đưa mái chèo lên vẫy giống như một quán quân vô địch làm Mike cười nắc nẻ. Qua một đoạn khác, phía gần sân golf, một bầy thanh nữ hát hò có vần có điệu, cổ võ vang lừng thật là vui.

Gần cầu McCully du khách bắt đầu thưa thớt, chúng tôi im lặng chèo qua khúc kênh tối, chợt tôi nghe tiếng kinh tụng trầm bổng rì rào phát ra từ bờ cỏ. Tiếng kinh dìu dặt thê lương, buồn như tiếng niệm ngâm nga cầu cho linh hồn về miền cực lạc. Một cụ già tay cầm tràng hạt, cúi đầu miên man tụng niệm. Lòng tôi chợt cảm thấy dày vò bởi một nỗi ai oán khó tả, không khác với nỗi buồn khi tôi đứng trên đài tưởng niệm Arizona, nghĩ đến những chiến sĩ trẻ bằng tuổi con mình đã hy sinh vì tổ quốc. Tôi cũng thì thầm một lời cầu nguyện cho những linh hồn quá cố được trôi về một cõi bình an, như những chiếc đèn lồng lặng lờ trôi về bến mới.


Thuyền cập bến, sau khi giúp Sandy và Mike kéo mũi thuyền lên bờ, tôi cám ơn và từ biệt. Vòng qua cầu Mc Cully, tôi lên phố để về lại Kuhio Beach, lòng cảm thấy đầy sinh khí và vui sống. Nhìn quanh, so với cả mấy chục ngàn du khách tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được trải qua một kinh nghiệm thật thích thú. Trong đêm nhiệt đới thơm nồng hương hoa sứ, tôi thả bộ trên hè phố Honolulu, ngửa mặt lên trời đón nhận những giọt mưa ngâu đang nhẹ nhàng rơi.

Tôn Nữ Thu Nga (1996)

PS: Bài này viết cách đây khá lâu, nhưng hàng năm, đến mùa này, Hawaii vẫn giữ tục lệ tổ chức lễ Obon. Thế nhưng vì đại dịch Covid 19, năm nay tất cả các lễ hội đều phải hủy bỏ để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Hy vọng trong tương lai, Obon sẽ được tổ chức lại tại Nhật Bản và Hawaii Islands.

Nếu có một ngày trong tương lai, chúng ta có dịp nhìn lại các nấm mộ mới trong năm 2020 của các nạn nhân Covid 19, bạn nhớ treo lên một lồng đèn trắng hoặc cài lên áo mình một đóa hoa hồng trắng để tưởng nhớ vừa mẹ mình và cả những người đã xa lìa thế giới để qua cõi vĩnh hằng.

08/16/2020
Ảnh tư liệu của Tôn Nữ Thu Nga


Có những nẻo đường đi hoài không hết

Có những nẻo đường lẩn thẩn mình ta

Có những nẻo đường dẫn về đất mẹ

Quanh quẩn tìm hoài những lối bơ vơ.

 

Sao con không thấy mẹ ngồi sau cửa

Nhìn nắng lung linh trên bụi tre già

Sao con không thấy mẹ cười môi thắm

Tay dắt bé thơ qua mấy chuyến đò

Ngang dọc đi về tóc bay vai nhỏ

Áo tím nhạt nhòa thuở ấy ngày xưa. 

 

Ngày nay con đi trên đường miệt mài

Mây trắng đầy trời rừng núi mênh mông

Nhớ những con đường ngập đầy cát bụi

Lối nhỏ về nhà có mẹ chờ trông. 

 

Sao con không thấy mẹ ngồi bên cửa

Nhìn nắng hanh vàng trên mấy hàng cau

Sao con không thấy mẹ gầy như liễu

Đôi mắt buồn thương một nỗi mong chờ

 

Đi hết đường đời mẹ về thiên cổ

Con đứng một mình trong cõi bơ vơ

Mắt dõi xa vời tìm hình ảnh mẹ

Suối tóc đen dài trong bức tranh xưa.

 

(bài do bạn Bá Trần giới thiêu)