Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Nhận biết sớm dấu hiệu loãng xương

 

Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, nó làm cho xương bị yếu đi, cấu trúc xương bị tổn hại làm cho xương giòn, dễ gãy. Loãng xương không chỉ biểu hiện tại xương mà cả ở tim mạch, huyết áp..

Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý phổ biến, chỉ xếp sau các bệnh lý tim mạch. Hiện nay, có khoảng 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương.

Loãng xương hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.

Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Vào độ tuổi trung niên, khi mật độ xương giảm, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh loãng xương. Loãng xương thường không có triệu chứng gì đặc hiệu, dấu hiệu thường thấy là đau, giảm chiều cao và còng lưng. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.

Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, chúng ta cần phải chú ý tới các biểu hiện của bệnh để biết cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.

1. Đau nhức đầu xương: Một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau nhức các đầu xương, bạn sẽ cảm thấy mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân

2. Đau xương gánh nặng: Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.

3. Đau vùng lưng: Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh toạ. Những cơn đau trở nặng khi bạn vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dâu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.

4. Tim mạch, huyết áp...: Đối với những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp…

BS Hà Tường/ khoahoc&Doisong