Sống ở Mỹ khá lâu nên tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng của người Mỹ nên không có ý định nhờ vả con cái khi tuổi về chiều.
Một
ngày nào đó khi thấy mình không còn khả năng để tự lo cho mình được nữa
tôi sẽ vào sống trong các “Boarding care” để có người chăm sóc, nếu tệ
hơn sẽ được hưởng những phúc lợi dành cho người cao niên và được bảo vệ
bởi hệ thống an ninh xã hội Mỹ.
Ở
Mỹ có “Nursing Home” được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và nhân
sự chuyên môn để chăm sóc những người không còn khả năng tự lo cho
mình, có “Hospice Service” chăm sóc vật chất lẫn tinh thần cho các bịnh
nhân không thể sống hơn sáu tháng, giúp họ ra đi trong yên bình và giúp
gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Nhưng
tư tưởng lạc quan này đã hoàn toàn thay đổi từ khi tôi thật sự đối diện
với tử thần và nếm mùi bịnh viện sau khi trải qua một cơn bạo bịnh phải
vào bệnh viện trong 10 ngày.
Tuy
đã được thoát chết, vết thương mổ xẻ đã lành, nhưng những đau đớn về
thể xác và vết thương tâm thần mà bịnh viện để lại vẫn còn hằn sâu trong
ký ức không bao giờ lành.
Từ
đấy tôi bắt đầu thấy sợ bịnh viện, sợ luôn cả nursing home vì đây chẳng
qua chỉ là một hình thức khác của bịnh viện, bịnh viện của người già.
Từ tâm trạng sợ hãi này tôi liên tưởng đến 4 năm hãi hùng mà nhạc mẫu tôi phải trải qua trong nursing home trước khi bà mất.
Từ
đấy những quảng cáo đẹp về nursing home với hình ảnh những cụ già vui
chơi hạnh phúc được thay thế bằng những hình ảnh đau khổ của nhạc mẫu
tôi và của những cụ già ngồi xe lăn ủ rủ, nghiêng ngả, cong queo, nhễu
nhão, những gương mặt mếu máo, những ánh mắt vô thần.
Chúng tôi may mắn được sống chung với cha mẹ vợ vì bà xã tôi là con gái út.
Lúc còn khỏe ông bà nhạc của tôi quán xuyến hết mọi chuyện trong nhà để vợ chồng tôi được rảnh tay lo chuyện ngoài xã hội.
Hai con tôi gần gũi với ông bà ngoại nhiều hơn với cha mẹ chúng. Đi học về vừa đến cổng nhà là đã réo gọi ông bà ngoại.
Tuy
nuôi con nhưng thật ra tôi chưa biết thay tã hay cho con bú! Kể cả
tiếng Việt chúng nói đều nhờ ông bà dạy từ ngày chúng bập bẹ tập nói.
Nhưng cuộc sống hạnh phúc chấm dứt từ khi nhạc mẫu tôi ngã bịnh.
Năm
78 tuổi, sau chuyến du lịch Việt Nam về, mẹ nằm suốt trong phòng, than
mệt. Ngoài bịnh tiểu đường loại 2 mãn tính, mẹ thường xuyên bị nhiễm
trùng đường tiểu, đau cột sống, ho kinh niên và sau đó khám phá ra bị
ung thư phổi.
Từ đấy
bà ra vào bịnh viện như đi chợ. Thiếu bàn tay của mẹ, gia đình tôi rối
loạn lung tung, con cái đi học trễ, cơm nước thất thường, nhà cửa bề
bộn.
Vợ
chồng tôi phải tập lại từ đầu cách quán xuyến gia đình, nuôi con, thêm
nuôi mẹ già trong bịnh viện. Bố cũng yếu chỉ hụ hợ chuyện lấy thơ, đổ
rác, đóng cổng là đã than mệt rồi.
Bác sĩ ung thư khuyến cáo không nên mổ xẻ hoặc trị liệu gì cho mẹ vì ung thư đã di căn đến não.
Hơn nữa tuổi mẹ đã quá cao lại bị bịnh tiểu đường nên vết mổ không lành. Hãy để cho thiên nhiên quyết định vận mệnh của mẹ.
Tôi
dấu nhẹm lời bác sĩ bảo rằng mẹ chỉ sống tối đa là sáu tháng. Mẹ được
cho về nhà với lời khuyên “thích ăn cái gì cho bà ăn cái nấy”.
Nhưng
“Còn nước còn tát” chúng tôi không chịu thua, chạy chửa bịnh cho mẹ
bằng thuốc nam. Ai bày thuốc gì ở đâu tôi cũng tìm cho được.
Khi
lái xe mắt tôi cũng láo liên nhìn bên lề đường, dọc theo các hàng rào
tìm cây cỏ “Dendelion” để hái lá cho mẹ ăn. Nghe nhà ai có cây Nha Đam
chúng tôi cũng tìm đến xin hay mua cho bằng được. Bã xã tôi cầu nguyện
cho mẹ hàng ngày không xao lãng.
Như được một phép nhiệm mầu, bịnh ung thư của mẹ tôi thuyên giảm dần dần và sau mấy tháng khối u trong phổi tự nhiên biến mất.
Bác sĩ gia đình rất vui bảo “Đừng thắc mắc, hảy cứ tin là như vây đi”.
Nhạc mẫu tôi thì tin là mình đã hết bịnh thật, còn vợ chồng tôi thì gần như kiệt lực, mong sau phép lạ sẽ kéo dài.
Bịnh ung tư không thấy trở lại, nhưng bịnh đau cột sống làm mẹ đau đớn không ăn ngủ được nên sinh ra khó tính.
Mẹ
lại quên trước quên sau. Mẹ không còn kiểm soát được tiêu tiểu nữa
nhưng nhất định không chịu mang tã. Bố cũng già mệt mỏi, suốt ngày ngủ
trong phòng. Ông bà lại không biết tiếng Mỹ, không dùng điện thoại, nên
khi vợ chồng tôi đi làm lúc nào cũng phập phòng lo sợ.
Bác
sĩ gia đình đề nghị nên cho mẹ vào nursing home để dễ bề chăm sóc. Vợ
chồng tôi đồng ý ngay nhưng gặp sự phản khán quyết liệt của nhạc mẫu
tôi.
Suốt đời mẹ không bao giờ xa gia đình nửa bước nói chi chuyện cách ly vĩnh viễn!
Đối
với mẹ, mất gia đình là mất tất cã. Chúng tôi nể mẹ nên không dám nói
chuyện nursing home nữa, chỉ sợ làm mẹ buồn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng
sức khỏe của mẹ càng lúc càng tệ. Sau lần cấp cứu cuối cùng vì bị ngất
xỉu, bác sĩ đề nghị phải đưa thẳng mẹ vào nursing home, vì theo ông, đó
là cách tốt nhất để bác sĩ có thể theo dõi bịnh tình và giữ an toàn cho
mẹ.
Ngày đầu tiên vào
nursing home không ai nỡ bỏ mẹ một mình nên quấn quít bên bà cho đến
tối rồi cũng phải ra về. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời mẹ phải sống
lẻ loi một mình bên những người xa lạ.
Tôi
còn nhớ rỏ gương mặt thẫn thờ của mẹ nhìn theo con cháu đang bỏ bà mà
đi. Tôi không dám nhìn mẹ lâu hơn vì tôi thấy mẹ khóc, một điều rất lạ
đối với nhạc mẫu tôi vốn là người đàn bà can cường và cứng rắn.
Bố
thấy tội nhiệp đòi mỗi ngày chở bố vào nursing home để ông chăm sóc cho
mẹ. Được mấy tuần rồi tôi cũng chịu thua vì chuyện đón đưa hàng ngày
thật là bất tiện….
Còn nếu để bố đi xe bus nếu có chuyện gì xảy ra thì ai lo cho bố đây!
Từ
ngày Mẹ vào nursing home vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, không còn phải
lo lắng như khi xưa khi bỏ mẹ ở nhà.. Chúng tôi yên tâm là mẹ được theo
dõi và chăm sóc 24/7.
Tan sở vợ chồng tôi chở bố vào thăm mẹ, thấy mẹ sạch sẽ thơm tho, giường nệm trắng tinh, kẻ qua người lại tấp nập vui vẻ lắm.
Yên
tâm chúng tôi dần dần xao lãng việc thăm viếng…. Cả hai cháu cũng không
còn đòi đi thăm ngọai nữa, nhiều khi phải bắt chúng mới chịu đi. Chúng
không thích cái mùi trong nursing home.
Từ
ngày sống trong nursing home mẹ hoàn toàn thay đổi, trở nên trầm lặng,
ít nói, khác hẳn với mẹ trước đó “quậy” tưng bừng trong bịnh viện.
Mẹ
chịu mang tã, nằm yên trên giường, không có ý kiến chuyện chung quanh,
không đòi hỏi gì, không còn than phiền đau lưng nhức gối, hay càu nhàu
vì thiếu ngủ, mất ăn như lúc ở nhà.
Sau
này mới biết bà đã được cho dùng thuốc an thần và thuốc đau nhức nồng
độ cao nên lúc nào bà cũng ở trạng thái lờ đờ lim dim ngủ.
Có
lúc tỉnh táo, mẹ chỉ nhìn qua khung cửa sổ với đôi mắt vô thần. Hỏi mẹ
có đau đớn gì không, mẹ lắc đầu. Hỏi có thích ăn uống đồ ăn Việt Nam
không mẹ lắc đầu, tuy tôi biết là mẹ rất ghét đồ ăn Mỹ nhất là khẩu phần
cho bịnh nhân tiểu đường và cao máu nhạt nhẽo không sao nuốt nỗi.
Mẹ chịu đựng, sống âm thầm không một lời than thở.
Cho đến một hôm mẹ nắm tay nhà tôi, nước mắt rưng rưng mẹ van xin:
– Mẹ muốn chết con à. Con xin người ta cho mẹ chết đi!
Bà xã tôi sững sờ, ôm mẹ năn nỉ:
– Mẹ đừng nói kỳ vậy, phải ráng lên chớ, con biết phải làm sao bây giờ?
Rồi vợ tôi cũng khóc. Tôi chỉ đứng nhìn. “Chúng tôi biết phải làm sao bây giờ”?
Vợ
chồng tôi đều nghĩ rằng đã tìm được giải pháp tốt nhất cho mẹ rồi. Mẹ
thì đã “ráng” quá nhiều, ráng đến mỏi mòn, đến kiệt quệ nên muốn bỏ
cuộc.
Đã bốn năm dài đăng đẳng mẹ sống nơi đây như cái xác không hồn.
Có
lúc chúng tôi vào thăm mẹ vào giờ ăn trưa thấy mẹ ngồi gục đầu trên xe
lăn như một em bé ngoan, mắt nhắm nghiền, đợị đến phiên mình há mồm được
đút cho ăn. Mẹ không còn thiết tha gì nữa.
Những
tháng cuối cùng mẹ nằm trên giường đưa mắt nhìn con cháu, không cử động
hoặc nói năng gì. Hình như có điều gì u uẩn trong lòng mà mẹ không nói
được hay mẹ có tâm sự gì nhưng muốn giấu kín trong lòng.
Một buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại từ nursing home báo tin là mẹ chúng tôi đã mất đêm qua.
Bà mất lúc nửa đêm nên không ai hay biết cho đến sáng ngày hôm sau.
Bà âm thầm ra đi không một lời từ giả, không một giọt nước mắt tiển đưa. Chắc mẹ cô đơn lắm lúc trút hơi thở cuối cùng.
Suốt
đời mẹ lo cho chồng, cho con, cho cháu, ngày mẹ ra đi chỉ có một mình,
trong cô đơn. Có ai biết rằng không phải mẹ chỉ cô đơn trong giây phút
ra đi mà mẹ đã chết từ lâu rồi, kể từ ngày mẹ bước chân vào ngưỡng cửa
nursing home, một nhà tù không cần đóng cửa.
Tôi
chợt hiểu được tại sao mẹ đã khóc ngày đầu tiên đến nursing home. Ngày
ấy mẹ chấp nhận bản ản tử hình không văn tự vì muốn hy sinh cho con cái.
Ngày ấy Mẹ đã khóc lời vĩnh biệt các con cháu rồi.
Chúng
tôi vội vã vào nursing home vừa kịp lúc nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi
người ta phủ kín mặt mẹ với tấm trải giường màu trắng rồi mang xác mẹ
đi. Mọi người đứng nhìn theo chết đứng, ngỡ ngàng, đớn đau, nhưng không
ai khóc thành lời.
Chúng tôi đã biết là ngày này sẽ đến với mẹ, và hôm nay nó đã đến.
Cái
chết của nhạc mẫu nhắc tôi nhớ lại chuyện cổ tích về chuyện người tiều
phu đẩy xe chở mẹ vào rừng cho thú hoang ăn thịt vì bà đã quá già.
Tôi
có khác gì người tiều phu đó, đã đưa nhạc mẫu tôi vào nursing home để
chết. Đến một ngày nào sẽ đến lượt con tôi chở tôi đi như vậy sao?
Tôi
lại nhớ đến chuyện con voi già biết mình sắp chết, nó âm thầm đi vào
cái “nghĩa địa voi” là cái hang động cho voi đến để chết.
Nó
âm thầm gục chết một mình bên cạnh những đống xương voi già đã chết
trước nó. Tôi chợt nghĩ nếu con người làm được như con voi già thì con
cháu không phải cực khổ vì cha mẹ già, không phải khổ tâm vì mặc cảm là
đã làm một hành động bất nhân, bất hiếu, như tâm trạng hối hận của tôi
bây giờ đối với nhạc mẫu của tôi.
Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!
Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?
Chú Chín Cali (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)