Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Ngừa cúm năm 2020

Mùa cúm đang đến. Chúng ta đang sống trong đại dịch COVID-19, và sự tự bảo vệ để tránh việc “lưỡng đầu thọ địch” (vừa bị COVID-19, vừa bị cúm) rất nguy hiểm, là điều ta cần làm, nên làm, và có thể làm một cách dễ dàng.

 
Thuốc ngừa cúm hằng năm thường được gởi ra cho các văn phòng bác sĩ vào khoảng
 đầu Tháng Chín. (Hình minh họa: Bryan R. Smith/AFP via Getty Images)

Nhiều phòng mạch và tiệm thuốc tây đã có thuốc chích ngừa cúm.

Bên cạnh việc chích ngừa, còn cần làm gì thêm để phòng cúm?

Cúm lây sang người thường do các tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết (như nước mũi) của người bệnh, có thể là từ tay người này sang tay người khác, hoặc qua trung gian như nắm cửa… Virus có thể tồn tại trong môi trường đến ba tiếng đồng hồ. Khi tay ta tiếp xúc với các chất tiết này, rồi dụi vào mắt mũi của mình, ta sẽ bị lây bệnh.

Do đó, điều quan trọng đầu tiên để phòng cúm (cũng giống như phòng cảm và COVID-19) là:

-Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

-Khi bị bệnh, tránh tiếp xúc với người khác để khỏi lây cho họ.

-Nếu có triệu chứng cúm, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo là bệnh nhân nên nghỉ ở nhà cho đến khi hết sốt (dù không dùng thuốc hạ sốt) ít nhất 24 tiếng đồng hồ.

-Nên rửa tay thường xuyên. Tốt nhất là rửa với xà bông và nước ấm, khoảng 20 đến 30 giây. Hai mươi đến ba mươi giây là khoảng thời gian mà ta hát bài “Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday, happy birthday, happy birthday to you” khoảng hai lần. Nếu nước và xà bông không có sẵn, thì có thể dùng loại dung dịch chà tay có alcohol.

-Không vứt bỏ khăn chùi mũi bừa bãi.

-Khi ho hay ách xì, nên che miệng bằng cánh tay, chứ không phải bằng bàn tay, để giảm bớt các chất tiết dính vào bàn tay rồi qua các vật dụng hoặc bàn tay người khác.

-Tránh sờ, móc tay, ngón tay vào mắt, mũi.

-Lau chùi các bề mặt có thể dính virus truyền bệnh cảm cúm (như nắm cửa, đồ chơi trẻ em…) với chất sát trùng.

Dù nằm trong các hạt li ti trong không khí sau khi người bệnh ho hay ách xì ra, virus lại không có trong nước bọt của người bệnh trong 90% các trường hợp. Do đó, điều lý thú là bị (hay được) người bệnh hôn, thường không khiến ta bị lây bệnh.

Nhiều người vẫn tưởng là lạnh là một nguyên nhân gây ra cảm hay cúm. Thật ra, nhiều nghiên cứu cho thấy khí hậu lạnh không phải là nguyên nhân của cảm hay cúm. Lạnh có thể gây ra viêm mũi do co giãn mạch máu trong mũi (vasomotor rhinitis), có triệu chứng giống như cảm, nhưng đó không phải là cảm, và không lây. Tuy nhiên, dù sao, giữ cơ thể đủ ấm vẫn là điều tốt và cần thiết.

Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) khuyên tất cả mọi người từ sáu tháng tuổi trở
 lên đều nên chích ngừa cúm. (Hình minh họa: Mandel Ngan/AFP via Getty Images)

Ai cần chích ngừa cúm

CDC khuyên tất cả mọi người từ sáu tháng tuổi trở lên đều nên chích ngừa cúm (thuốc ngừa cúm hằng năm thường được gởi ra cho các văn phòng bác sĩ vào khoảng đầu Tháng Chín).

Những người có nguy cơ cao bị bệnh, và nếu bị thì dễ bị nặng, và bị biến chứng, cần chú ý để chủng ngừa hơn:

-Tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi.

-Tất cả phụ nữ sẽ có thai.

-Người lớn từ 50 tuổi trở lên.

-Những người ở bất cứ tuổi nào có các bệnh kinh niên.

-Những người bị suy giảm miễn dịch (do thuốc, hay do bị nhiễm HIV).

-Những người từ 6 tháng đến 18 tuổi và đang phải uống aspirin kéo dài (sẽ có thể bị hội chứng Reye sau khi bị cúm).

-Những người ở trong nursing home hoặc những chỗ chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân khác.

-Những người bị béo phì nặng (BMI – cân nặng tính bằng kilogram chia bình phương của chiều cao tính bằng mét – từ 40 trở lên).

-Những người tiếp xúc với những người kể trên.

-Những người tiếp xúc và chăm sóc cho trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn từ 50 tuổi trở lên.

-Nhân viên y tế.

Ngoài thuốc chủng ngừa, một số thuốc dùng để trị cúm (như Tamiflu) cũng có thể được dùng để ngừa cúm. Giống như trong việc điều trị, thuốc cần phải được bắt đầu trong vòng 48 tiếng từ khi tiếp xúc với người bệnh, phải có toa bác sĩ mới mua được thuốc này, và phải dùng ít nhất là bảy ngày. Liều ngừa bệnh khác với liều trị bệnh.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng/nguoi viet online