Khi bị viêm loét dạ dày, bên cạnh điều trị bằng thuốc, bạn nên ăn những thực phẩm dưới đây để hỗ trợ cơ thể hấp thụ thuốc và kháng sinh hiệu quả hơn.
Súp lơ: Súp lơ chứa sulforaphane giúp tiêu diệt các vi khuẩn trong ống tiêu hóa. Không chỉ bảo vệ dạ dày khỏi vi khuẩn gây viêm loét, súp lơ còn bổ sung vitamin C và chất xơ.
Bắp cải: Vitamin U có trong bắp cải có thể chữa lành các vết loét dạ dày. Viêm loét dạ dày là do mất cân bằng độ pH trong dạ dày, và vitamin U mang tính kiềm giúp lấy lại độ cân bằng này.
Củ cải: Củ cải chứa chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ kẽm và các khoáng chất khác. Ăn củ cải trắng mỗi ngày giúp tiêu diệt các tác nhân gây viêm thành dạ dày và khó tiêu, đồng thời giảm các vấn đề dạ dày ruột.
Táo: Ăn táo mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó, táo còn chứa flanovoids giúp ngăn sự phát triển của khuẩn H. pylori gây viêm loét dạ dày.
Việt quất: Ăn việt quất vào buổi sáng có thể giúp điều trị viêm loét dạ dày. Việt quất giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, nhờ đó giúp tăng cường khả năng miễn dịch và đẩy nhanh quá trình hồi phục các vết loét dạ dày.
Quả mâm xôi: Quả mâm xôi và quả dâu tằm chứa hàm lượng chất xơ dồi dào, nhờ đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa và kiểm soát viêm ống tiêu hóa.
Dâu: Dâu giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó, dâu còn giúp củng cố thành dạ dày.
Ớt chuông: Ớt chuông ngọt rất có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Hãy ăn ớt chuông tươi kèm với salad mỗi ngày.
Cà rốt: Cà rốt cực kì có hiệu quả trong việc củng cố thành dạ dày. Vitamin A có trong cà rốt giúp phòng ngừa loét dạ dày, viêm dạ dày và khó tiêu. Bạn có thể ăn cà rốt luộc, cà rốt tươi hoặc uống nước ép cà rốt.
Bông cải xanh: Nghiên cứu cho thấy bông cải xanh chứa hóa chất sulforaphane có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm loét dạ dày.
Sữa chua: Sữa chua chứa các lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi khuẩn trong dạ dày, từ đó hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
Dầu ô-liu và các loại dầu thực vật khác: Nghiên cứu cho thấy dầu ô-liu có tiềm năng điều trị viêm loét dạ dày. Nó chứa các chất phenol có vai trò kháng khuẩn, ngăn vi khuẩn gây viêm loét lây lan và ảnh hưởng đến thành dạ dày.
Tỏi: Chỉ một nhánh tỏi tươi là đủ để giúp bạn kiểm soát các vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Tỏi chứa các thành phần kháng khuẩn hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
Cam thảo: Cam thảo là một thảo dược dân gian có khả năng chống lại viêm loét dạ dày. Cam thảo chứa các thành phần kháng viêm giúp giảm viêm trong dạ dày./.
Theo boldsky - Ngọc Diệp/VOV.VN (biên dịch)