Tháng
Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên
Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống
khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên
“Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các
tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là
những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình
phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người
Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.- Lâm Vân An
Cha - Mẹ nào cũng thương con như biển hồ lai láng, nhưng chẳng mấy khi con cái biết được điều đó , nhất là vào thời mà
Ông Tiền , ÔngBụt , Ông Tiên
Ba ông chụm lại ông Tiền cao hơn .
Với
những người con xa xứ sống ở nước ngoài mà cha mẹ anh chị em
còn hết ở Việt Nam như tôi, được đón ba mẹ qua thăm nhà là
một niềm vui lớn. Tháng đầu tiên hai vợ chồng tôi mua được nhà
riêng bằng tiền dành dụm sau hơn chục năm lang bạc, tôi hồ hởi
mời ba tôi qua thăm (má tôi không đi được vì lúc đó còn trong năm
học, bà phải dạy).
Vừa
từ phi trường về đến nhà, mắt ba tôi sáng lên, lấp lánh niềm
vui. Ba thích thú đi xem hết căn nhà mới tinh của con gái mình,
căn nhà còn thơm mùi sơn mới, kiến trúc vuông vức, 100% làm
bằng gỗ, nhỏ xíu so với tiêu chuẩn vĩ đại của Texas
(‘Everything is big in Texas’) nhưng có sân vườn, có hai cây sồi non
trước nhà, sân sau đủ rộng để trồng bông trồng kiểng.
Mấy
ngày đầu tiên ba tôi như một em bé được lạc vô chỗ nào hào
hứng lắm, ông cứ đi vòng vòng dòm căn nhà từ trong ra ngoài,
từ ngoài vô trong, ngưỡng mộ cách người Mỹ xây nhà. Ông nhìn
thiết kế rồi khen phòng ốc chỗ này, chỗ kia uốn lượn quá
đẹp, có lúc ông ngồi thụp xuống đất coi cách họ đóng tủ, làm
kệ, gõ cộp cộp vào sàn lót gỗ, rồi ông ra ngoài coi hệ
thống điện nước ga, tưới tiêu bên ngoài, xong ông cứ luôn miệng
“Đẹp quá, cực kỳ quá!” làm vợ chồng tôi vui sướng, cười toe
toét.
Ba
siêng lắm, ông làm líp, đánh luống đất bên hông nhà rồi trồng
cho tôi đủ thứ rau thơm, húng lủi, dấp cá, tía tô, húng cây, rau
răm, mà còn rào dậu cẩn thận để chúng không nhảy lan ra
ngoài.
Đến
Chủ Nhật của tuần cuối cùng trước khi ba về Việt Nam, sau bốn
tuần sang Mỹ, đang trong bếp nấu ăn thì tôi nghe con gái nhỏ bốn
tuổi của tôi hỏi “Ông ngoại ơi, ông ở đây có vui không? Món gì
mẹ con nấu mà ông ngoại thích nhứt?” Phải nói thêm là trong
thời gian ba tôi ở với chúng tôi, tôi tranh thủ “trình diễn” cho
ba tất cả những tuyệt chiêu mà tôi học lóm được qua youtube,
qua các cooking shows, mà toàn là đồ ăn… Châu Á, vì cũng như
phần lớn những người già Việt Nam khác ba tôi không chịu được
đồ ăn Mỹ. Đi ăn tiệm thì mỗi tuần ba tôi chỉ có thể kham một
hai lần vì ông không thích ăn bên ngoài. Nói nhỏ, không phải tôi
tốt đẹp, hiếu thảo gì nhưng nghĩ lại những năm còn con gái,
tôi nấu nướng vụng về, ba má tôi phải cố gắng tột bực để…
nuốt đồ ăn tôi làm mà không dám ca thán gì. Cho nên dịp này khi
ba qua thăm và nội công tôi đã thâm hậu hơn hồi xưa một chút,
tôi cố gắng nấu món này món kia để xóa hình ảnh xấu xí trong
mắt ba. Bữa phở gà, bữa hủ tiếu Nam Vang, bữa bún mọc, bánh
canh, bú́́n riêu, bún bò huế, bò xào, bò xáo, nem nướng cá
nướng cuốn rau, bú́́n mắ́́́m, bánh xè̀̀o, đủ̉ thứ́ hế́́́́t.
Ba tôi chậm rãi trả lời cháu ngoại “Hủ tiếu Nam Vang, món đó ông ngoại thấy má con nấu ngon nhứt.”
Tôi
im lặng, cười, giả bộ không nghe thấy. Món hủ tiếu đó tôi nấu
đơn giản, chỉ là hầm nước lèo xương ống, không quên bỏ thêm
một nắm tôm khô và vài con mực khô cho ra mùi nước lèo hủ
tiếu. Ba tôi thích hủ tiếu dai, nên tôi mua hủ tiếu bột lọc,
trụng bánh vừa tới. Tôm, mực, tim gan, thịt nạc tôi luộc nhanh cho
khỏi dai, thịt bằm tôi cũng xào thiệt nhanh cho không bị xác.
Tôi trộn hủ tiếu với dầu ăn và một thứ nước sauce bí mật. Vậy
là tô hủ tiếu đã xong. Bên trên tô hủ tiếu là vài miếng tôm
mực tim gan thịt băm, vài cọng hành ngọ, vài lát hành phi. Tôi
múc cho ba tô nước lèo riêng, bên trong chén nước lèo có rau tần
ô, vài cọng hẹ, miếng xương heo và cần tàu thơm nhẹ. Chỉ đơn
giản vậy mà ba tôi xin thêm tô thứ hai, rồi thứ ba… “Cho ba chút
xíu bánh thôi.” Đó cũng là món mà ba tôi ăn được tới ba tô mà
không than ngán. Nấu được món ba thích, nhìn ba ăn món mình nấu
ngon lành, theo tôi đó là thành công lớn nhất trong chuyến thăm
nhà đầu tiên của ba với mình.
Lần
đầu tiên ba ăn xong hủ tiếu tôi nấu, tôi hỏi ba “Ba có nhớ kỷ
niệm tô hủ tiếu hồi lúc mình còn nghèo không ba?” Ba tôi nói
“Ủa, con cũng nhớ hả?” Tôi gật đầu “Hồi đó khổ ha ba!” “Ừ.”
Rồi ba và tôi cùng nhau nhớ lại. Đó cũng là kỷ niệm đặc biệt
riêng của tôi với ba. Trong lòng tôi, nó là một trong những
điều ngọt ngào nhứt về cha mình, hết sức thiêng liêng mà gần
gũi.
Lúc
đó tôi chừng 7-8 tuổi, thời gian đó má tôi bị hen suyễn phải
vô bệnh viện nằm một thời gian dài, ngoại tôi phải chạy ra
chạy vô bệnh viên với má và ngoại đưa thằng em ba tuổi của tôi
về ngoại để tiện việc chăm sóc. Nhà còn lại tôi, ba và em
gái. Em gái kế của tôi 5 tuổi không biết tại sao cũng bị viêm
họng sốt li bì, tôi phải nghỉ học ở nhà chăm nó.
Tôi
nhớ hôm đó là xế chiều, ba tôi đi làm về sớm, ông dạo qua một
vòng nhà, thấy nhà cửa trống lỏng, cái chạn thức ăn (ba má
tôi gọi là garde manger) cũng trống lỏng, không có món gì để
bỏ bụng, em tôi nằm tòng teng trên võng hâm hấp sốt. Ba ngán
ngẩm mở bóp, tôi dòm vô không có đồng nào ngoài tờ 2 đồng lớn
hơn tay tôi một chút. Suy nghĩ một hồi, ba rút nó ra đưa tôi
“Con đi mua tô hủ tiếu cho em đi.”
Trời,
tôi còn nhớ lúc đó tôi nghĩ, sao em tôi sướng quá, bịnh được
ăn hủ tiếu, hay giờ mình cũng than bịnh giống nó. Nhưng tôi
không muốn làm ba tôi lo lắng vì tôi cũng đã thấy ba tôi đâu còn
đồng nào để mua thêm một tô hủ tiếu nữa.
Thế
là tôi xách tô sành chạy một mạch trên quãng đường đất dài
gần cây số, nắng hầm hập. Nhà tôi lúc đó ở khu khỉ ho cò
gáy, xa chợ, chợ lại họp buổi sáng, tôi chỉ có nước ra hợp
tác xã. Trên đường đi tôi tính toán nếu mua tô hủ tiếu 2 đồng,
em tôi ăn hết thì tôi và ba tôi sẽ không có gì để ăn. Tôi quá
rành cái garde manger trống trơn ở nhà tôi… vì tôi mở nó ra
ngày hơn chục lần. Có thể tôi sẽ bị ăn cơm với nước tương. Hay
là mình mua tô 1.5 đồng vậy. Nhứt định vậy đi. Hai cô bán hàng
hợp tác xã nghe tôi nói tô hủ tiếu 1.5 đồng thì nhăn mặt kêu
không bán, “giá 2 đồng là thấp nhút rồi bé.”
“Thôi,
cô bán cho con tô 2 đồng, và làm ơn cho con mua thiếu ổ bánh mì
không được hông, em con đang bị sốt, nhà con không có gì ăn,” tôi
nài nỉ.
Không
biết ai nhập mà tôi nói ro ro hay y như trong kịch Kim Cương, tôi
còn nhìn hai người lạ với cặp mắt con nít buồn bã nhứt. Chắc
nhìn tôi thương quá, hai cô bán hàng dòm nhau rồi quyết định
làm cho tôi tô hủ tiếu, tặng luôn cho tôi ổ bánh mì không. Tôi
nhớ là tô hủ tiếu có nước, một ít bánh, đúng 4 lát thịt heo
mỏng dính, một hai miếng tóp mỡ, giá hẹ có vài cọng bên trên
vậy mà nhìn ngon quá đỗi. “Coi chừng đổ nha bé.” Tôi bưng tô hủ
tiếu đi dưới trời nắng gắt, đất đỏ lục sục vào chân, hai tay
tôi bưng chậm chậm, chốc chốc tôi phải dừng lại để tô hủ tiếu
qua một tay cho tay kia đỡ mỏi. Ổ bánh mì hai cô bán hàng bọc
trong giấy, tôi kẹp vô… nách. Tôi thèm hủ tiếu đến mức trên
đoạn đường gần cây số về nhà, cả trăm lần tôi nâng cả tô lên
mặt, hít hít. Lâu lâu không ngăn được cám dỗ tôi lè lưỡi liếm
miếng nước lèo sóng sánh mép tô… nhưng tuyệt đối cả quãng
đường dài tôi không ăn miếng thịt nào và tôi hết sức tự hào
vì điều đó.\
Cuối
cùng cực hình tra tấn cũng kết thúc. Về đến nhà, tôi tự hào
đưa ba tôi tô hủ tiếu. Ba tôi đang đắp khăn cho em bớt sốt, ông
xoa đầu tôi “Con giỏi lắm!” rồi ông dòm ổ bánh mì không xẹp
lép đầy mồ hôi của tôi, ánh mắt ngạc nhiên. Tôi nói “Còn ổ
cuối, mấy cô đó cho con, ba chiên trứng gà cho con ăn đi. Con biết
3-4 cái trứng là để mai ngoại đem vô bệnh viện cho mẹ mà con
thèm quá ba ơi.”
Ba
tôi không nói gì, ông dòm tôi, ánh mắt ông dâng lên tia nhìn đầy
tội nghiệp. Sau đó ông dựng em tôi dậy cho nó uống thuốc rồi
đút nó ăn. Rồi ba đi mở garde manger làm món trứng ốp la cho tôi
với mấy cái trứng gà nhà đẻ. Tôi sung sướng giơ tay, đón lấy
cái chảo con, bên trong có 2 cái trứng gà tròng đỏ nhiều ơi là
nhiều. Tôi xịt nước tương vô chảo xong bưng cái chảo ra hàng hiên
ăn ngon lành, vừa ăn vừa dòm cây xoài lúc lỉu trái non, thấy
cuộc đời không đến nỗi đau khổ lắm. Lúc ăn xong tôi đã hả hê,
định vô nhà coi tình hình thì ngay bậu cửa, tôi thấy ba tôi vừa
bưng mâm khỏi chỗ em nằm, dọn qua bàn ăn. Cái mâm trống trơn,
chỉ có tô hủ tiếu tôi mới mua hồi nãy đã hết sạch cái, còn
chút nước lèo lỏng bỏng. Ba không trông thấy tôi, ông đang mở
nồi cơm nguội. Ông xúc một vá đầy cơm, bỏ cơm vô phần nước lèo
còn sót lại của tô hủ tiếu.Và ba tôi ngồi xuống, bắt đầu bữa tối của mình.
Tôi vội vàng lùi lại, quay ra hàng hiên. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết khóc khi cảm nhận tình phụ tử.
Lâm Vân An (bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)