Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Sức khỏe :Hô hấp sâu bằng bụng

Thực tiễn cho thấy, việc duy trì khả năng hô hấp bình thường là phương pháp cơ bản nhất để giữ gìn sức khoẻ. Chức năng hô hấp của con người bất đầu suy yếu ở độ tuổi 35. Vì vậy, những người ở độ tuổi này dù đang có sức khoẻ tốt cũng nên tập hô hấp sâu bằng bụng.

Bình thường, con người không ăn có thể sống được 14 ngày, không uống có thể sống được 7 ngày, nhưng sẽ tử vong chỉ sau 7 phút ngừng hô hấp. Các số liệu trên cho thấy vai trò thiết yếu của hô hấp đối với sự sống.
Khi chức năng hô hấp suy yếu thì lượng oxy hít vào sẽ giảm đi, khiến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxy. Điều này làm cho quá trình trao đổi năng lượng của tế bào gập trở ngại, đồng thời chức năng của các mô và cơ quan suy giảm, khí huyết ngưng trệ, kinh mạch tắc nghẽn, từ đó phát sinh nhiều bệnh tật.


Khi mới sinh chúng ta hít thở bằng bụng, lớn lên hít thở bằng ngực, đây là cách hít thở hạn chế lượng oxy vào cơ thể.

Khác với các loài động vật khác trong tự nhiên, từ khi đứng thẳng và đi bằng 2 chân, con người đã dần chuyển sang hô hấp bằng ngực thay vì bằng bụng. Cách hô hấp này hạn chế lượng khí oxy đưa vào cơ thể; lâu ngày khiến chức năng của phổi suy yếu do không hoạt động hết công suất, còn cơ thể cũng không được cung cấp đầy đủ khí oxy nên tuổi thọ của con người bị rút ngắn.

Vùng bụng là nơi có 9 kinh mạch đi qua, bao gồm: Vị kinh, Tỳ kinh, Thận kinh, Can kinh đối xứng hai bên và Nhâm mạch ở giữa. Can kinh điều tiết tình cảm, ý chí, có liên quan đến hệ thần kinh cùng trạng thái tinh thần. Vị kinh, Tỳ kinh đảm nhận vai trò tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. Thận kinh nuôi dưỡng nguyên khí của thai nhi trong bụng mẹ, chịu trách nhiệm về tinh khí, đại não, nội tiết; còn Nhâm mạch kiểm soát âm khí.
Khi ta hô hấp sâu bằng bụng, sự cử động lên xuống của cơ bụng sẽ kích thích cả 9 kinh mạch, đồng thời đẩy mạnh quá trình lưu thông khí huyết, giúp đại não ổn định, các cơ quan cân bằng và cơ thể đạt đến trạng thái thả lỏng, tĩnh tại, tự nhiên. Đây là trạng thái lý tưởng nhất cho kinh lạc vận hành. Nếu bạn thường xuyên đạt trạng thái này sẽ duy trì được sức khoẻ tốt và kéo dài tuổi thọ.


                                       Các đường kinh lạc đi qua bụng.

Chúng ta lớn lên đã quen hô hấp bằng ngực, đặc biệt là trong những lúc mệt mỏi, kiệt sức. Do đó, để học được cách hô hấp sâu bằng bụng, chúng ta cần kiên trì tập luyện.
Phương pháp tập luyện hô hấp sâu bằng bụng bao gồm các bước sau:
Thả lỏng cơ thể: thả lỏng mọi bộ vị trên cơ thể. Nếu muốn thực hiện hiệu quả phương pháp này bạn không nên dùng lực mà phải thả lỏng gân cốt.
Ổn định nhịp tim: hãy loại bỏ những suy nghĩ vụn vặt thường ngày và tập trung tư tưởng vào việc tập luyện hô hấp sâu bằn gbụng.
Điều hòa hơi thở: tập hít thở sâu.

 
                               Cách thở bụng: hít vào căng bụng, thở ra xẹp bụng
  • Khi hít vào, giữ yên vùng ngực và thả lỏng cơ bụng, cố gắng căng bụng dưới đồng thời hạ cơ hoành xuống để tăng dung tích phổi sống. Khi thở ra, cơ bụng co lại, cố gắng hóp bụng dưới và nâng cơ hoành lên để đẩy hết khi thải ra ngoài.
  • Phải hít thở sâu, dài, đều đặn, không có tiếng động. Độ chênh lệch của bụng khi căng lên và hạ xuống tốt nhất là trên 10cm.
  • Người bình thường hô hấp bằng ngực khoảng 16 lần/phút. Đối với người hô hấp sâu bằng bụng, ban đầu khoảng 8-6 lần/phút, sau đó giảm dần còn 4 hoặc 2 lần/phút.
  • Khi mới bắt đầu tập hô hấp sâu, tốt nhất ta nên nằm ngửa để tập. Khi đã tạo thành thói quen, bất cứ lúc nào ta cũng nên tập luyện, dù đứng hay ngồi, để tạo nền móng vững chắc cho việc dưỡng sinh bằng kinh lạc.
Theo quy luật tự nhiên, động là dương, tĩnh là âm. Khi ta luyện tập hô hấp sâu bằng bụng đến một trình độ nhất định, đan điền sẽ nóng lên khiến cơ thể hồi sinh và tràn đầy sức sống, nhờ đó đẩy lùi bệnh tật. Bởi vậy, hô hấp sâu bằng bụng là yêu cầu cơ bản trong việc trị liệu bằng kinh lạc.
        Minh Hoàng (bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)