Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Chuyện người già ở Mỹ

image
Thấm thoát mà ông bà Mạnh đã vào nhà dưỡng lão được 18 tháng. Hàng tuần Minh đều vào thăm ông bà vì ông bà là nhạc gia, nhạc mẫu của chàng. Từ hồi vô đây đến nay, sức khoẻ bà Mạnh đỡ hơn đôi chút. Bà cũng có dịp gặp những cụ láng giềng trong nhà dưỡng lão để chào hỏi. Trí nhớ của bà cũng hồi phục nhiều. Ông Mạnh thì phải vô bịnh viện nhiều lần và vẫn nhăn nhó vì còn đau nhiều sau mấy lần bị té mấy năm trước và lần mổ để đặt ống vào bao tử mới đây. Cuộc sống của những người tỵ nạn già người Việt ở Mỹ thật buồn. Xin bắt đầu câu chuyện từ lúc hai cụ còn ở nhà ...Minh nhớ lại gần hai năm trước, khi ông bà Mạnh còn minh mẫn và ở trong một chung cư dành cho người già tại Westminster. Với tiền trợ cấp của chánh phủ và tiền đóng góp của anh chị em trong nhà, họ đã mướn chị Năm, một phụ nữ từ Việt Nam mới qua để trông coi hai cụ 6 ngày trong tuần. Cuối tuần thì Minh và vợ sẽ đến thay cho chị để chị được nghỉ đi chơi một buổi. Mỗi tháng gia đình trả cho chị gần 1.500 đô la bằng tiền mặt. Chị lo nấu nướng, giặt giũ và nâng đỡ hai cụ khi đi vệ sinh ... Công việc không khó khăn nhưng cần có sự hiện diện của chị 24/24. Vậy mà có vấn đề hoài. Khi thì chị nói: " Ông bà khó tánh quá, chìu không nổi". Khi thì chị than :"Tối qua bà cụ đi vệ sinh nhiều quá, làm chị không ngủ nghê gì được hết".  Khi thì chị hù: "Chắc chị phải nghỉ vì cực quá" ... Anh chị em phải cố gắng nhịn chị để chị lo lắng cho cha mẹ mình. Đúng là ôsin thời nguyên tử. Họ ăn lương mà không muốn làm ...

image

Vậy mà có lần ông Mạnh đã bị té gảy xương. Tối hôm đó, ông lò mò tự đi vệ sinh mà không dám kêu chị Năm để phụ. Ông ngại chị phàn nàn. Kết quả ông Mạnh phải bị đi cấp cứu ở nhà thương để bác sĩ mổ thay phần xương bị bể bằng một mẩu xương nhân tạo. Phải công nhận bác sĩ Mỹ quá giỏi. Ở tuổi gần 90 mà bác sĩ còn mổ rồi thay chỗ xương gảy bằng một mẩu xương mới (nhân tạo) dễ dàng. Sau đó, ông Mạnh phải nằm mấy tháng ở một trung tâm vật lý trị liệu và tập đi đứng với mẩu xương giả. 
Từ đó tới nay miếng xương mới nằm cơ thể của ông một cách êm ả, không biến chứng.
 
Bà Mạnh thì đã hơi lú lẫn rồi. Bà không còn nhớ những chuyện quá khứ. Có một lần bà cũng bị té khi vào cuối tuần, khi chị Năm bỏ về thăm con, trong khi Minh và vợ bị kẹt xe chưa tới kịp. Thấy bà cụ té nằm dưới đất, đau đớn mà không nói tiếng nào, Minh ứa nước mắt. Thương cho cụ mà cũng "rủa" thầm bà ôsin làm biếng không chịu đợi mình dù chỉ 10 phút.

image

Sau vụ nầy, các con của ông bà Mạnh quyết định phải đưa hai ông bà vào nhà dưỡng lão. Lúc đó ai cũng đắn đo nhiều lắm. Họ sợ ba má họ không chịu, đòi về nhà thì không biết làm sao, vì ai cũng bận rộn hết. Họ cũng áy náy là mình đã không thể lo lắng cho cha mẹ già. Đối với người Việt, đưa cha mẹ già vào nhà dưỡng lão là một điều không ai muốn. Họ nghĩ rằng chỉ có những người nghèo, không con cái, bị bạc đãi mới "bị" vô đó. Điều nầy là một sự suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Minh có anh bạn ở San Jose cũng có cha mẹ già. Anh nầy nói: "Bạn nhớ đừng bao giờ đưa ông bà cụ vào nhà dưỡng lão. Vô đó chỉ ba tháng sau là chết." Sự thật đã chứng minh anh bạn nầy sai hoàn toàn bởi vì Minh có một ông bạn già. Ông nầy bị "đứt gân máu" rồi bị liệt nên phải vô ở nhà dưỡng lão sau khi ra bịnh viện. Vậy mà ông vẫn sống, tới nay đã hơn 6 năm.

Về phần mình, khi hỏi ý kiến ông bà Mạnh thì ông bà tỏ vẻ buồn và cũng không muốn vô đó cho lắm. Nhưng đã hết cách. Chị Năm thì xin nghỉ để về Việt Nam chơi. Mấy đứa con của ông bà thì đứa nào cũng bận công ăn việc làm không thể nào ở với ông bà 100% được. Mướn người khác thì quá khó, và kinh nghiệm bao nhiêu lần mướn rồi đã cho thấy: chỉ một người mà thôi thì không thể nào lo lắng chu toàn cho ông bà được.

image
 
Mấy chị của Minh chọn nhà dưỡng lão H H ở Westminster để gởi ông bà Mạnh vào. Ở đây, họ được anh P. là quản lý chỉ dẫn tận tình về vấn đề giấy tờ để ông bà được vào. (Không phải dễ dàng được thu nhận vào nhà dưỡng lão nầy, mà phải thoả mãn những điều kiện khó khăn của tiểu bang). Hai người được ở chung một phòng. Trong phòng có hai giường, có tủ quần áo và phòng vệ sinh.. Ở đây có phòng tắm rất rộng rãi, thiết kế đặc biệt cho người già, ngồi xe lăn. Khi cần tắm sẽ có nhân viên tắm cho mình.. Ngoài ra còn có phòng vật lý trị liệu, nhà ăn, phòng sinh hoạt. Giữa các phòng còn có một sân trống rất mát mẻ để có thể ra đó tắm nắng, hưởng gió mát, ngắm bông hoa .... Cơ sở vật chất ở đây rất đầy đủ và tiện nghi.
Nhân viên ở nhà dưỡng lão nầy rất nhiều. Số nhân lực gần bằng số các cụ hiện diện ở đây. Họ là bác sĩ, y tá, lao công, nhân viên phục vụ ... Trong số đó, hơn 40% là người Việt. Khi nào ông bà cần sự giúp đỡ thì chỉ cần bấm một cái nút thì trong vòng năm, mười phút sau sẽ có người tới liền.
Việc ăn uống thì ngày ăn ba bữa. Những người yếu quá, ăn không nổi thì sẽ có người đút cơm cho ăn.

image

Điều mà Minh và anh chị em vợ lo nhứt là cách cư xử của nhân viên đối với các cụ. Nghe nói các cụ dễ bị bạc đãi khi vào các nhà dưỡng lão. Điều đó hoàn toàn không có ở đây. Tất cả nhân viên của viện dưỡng lão nầy từ y tá, lao công tới các nhân viên phuc vụ đều rất tận tình giúp đỡ mỗi khi mình yêu cầu. Những nhân viên nầy có đủ sắc dân như Mễ, Phi, Mỹ, Việt ... Ai cũng lịch sự và tận tuỵ trong công việc. Có một anh người Việt làm công việc phục vụ cho các cụ ở đây. Có lần Minh tặng anh chút tiền típ vì nghĩ anh làm việc cực quá nhưng anh không nhận. Anh tâm sự với Minh rằng: " Khi làm việc ở đây, tôi coi các cụ như cha mẹ mình và khi nào cụ gọi thì tôi đến giúp. Phải có lòng nhân đạo chớ nếu chỉ làm việc vì đồng lương thì khó hoàn tất công việc ở đây vì thật ra, việc vệ sinh cho các cụ cũng không sạch sẽ gì cho lắm". Minh nghĩ chắc đây là phương châm làm việc của nơi đây.. Anh P., quản lý nhà dưỡng lão nầy là một người vui vẻ và hiểu biết hoàn cảnh của mỗi cụ ông, cụ bà .

image

Từ ngày vào viện dưỡng lão nầy ông bà Mạnh đã không bị té nữa. Sức khoẻ cũng ổn định và được uống thuốc đầy đủ. Khi nào cần thì ông Mạnh lại được vô nước biển. Sinh hoạt của ông bà đã trở nên bình thường. Bà Mạnh đã hồi phục phần nào trí nhớ và đã có thể nói chuyện khá nhiều.
Mỗi ngày, anh chị em ở gần thay nhau vào thăm. Cuối tuần, có Minh và vợ hay hai chị vợ từ xa đến chơi. Cô cháu ngoại cũng hay đến thăm làm ông bà vui lắm.

Lâu lâu, Minh và vợ lại đón ông bà Mạnh về nhà bà chị chơi. Họ sẽ tụ họp, ăn uống và săn sóc ông bà. Ông bà Mạnh cũng yếu lắm rồi. Khi đi chơi là phải ngồi xe lăn từ phòng ra xe, từ xe vô nhà ... Vì ông bà rất yếu nên mỗi lần lên xuống xe là cả một vấn đề. Nhưng Minh và bà xã không nề hà. Lâu lâu cũng nên cho ông bà ra ngoài hóng gió để thấy thiên hạ cho vui vậy thôi. Có lân, khi đưa ông bà trở về nhà dưỡng lão, ông có vẻ vui và nói với Minh: "Tuần sau sẽ đi nữa!". Còn bà thì hỏi: "Chừng nào thì má sẽ được về nhà con". Minh nghe bà hỏi mà buồn ....

image

Thỉnh thoảng, Minh cũng nói chuyện với mấy ông bà cụ già ở các phòng xung quanh. Đa số họ đã lẫn lộn hết rồi, và họ không còn nhớ chuyện gì. Khi nói chuyện với các cụ, Minh chỉ nói chuyện vui và giởn với các cụ chớ không cần ...nói đúng. Có một cụ, mỗi khi ăn cơm xong thường lấy thêm một trái chuối đem về phòng. Hỏi tại sao thì cụ nói: "Để dành cho cụ ông, ông ấy thích ăn chuối lắm". (Thật ra, cụ ông đã bịnh bịnh nặng và không còn ăn được nữa). Câu chuyện nghe thật cảm động về tình cảm của một người già đã lú lẫn mà vẫn còn nhớ và yêu thương chồng mình.

Minh để ý thấy người Việt vô thăm cha mẹ già rất nhiều, còn người Mỹ rất ít. Có một bà Mỹ già nằm một chỗ mà hầu như không có ai đến thăm. Thế nhưng bà vẫn khoẻ mạnh bình thường.

Một điều có thể làm cho nhiều người tới thăm các nhà dưỡng lão thấy chán nãn vì sao ở đây có nhiều người già quá. Và coi bộ ai cũng yếu đuối hết. Nhà dưỡng lão mà, dĩ nhiên phải có nhiều người già. Đây đâu phải là .. nhà trẻ đâu. Được một điều là nơi đây có "ông đi qua, bà đi lại" nhiều nên cũng vui hơn khi hai cụ ở nhà một mình.

image

Minh cũng rất thán phục nhiều người thiện nguyện của các tôn giáo. Minh thấy chủ nhựt nào họ cũng đến đây, giúp đưa các cụ ra phòng sinh hoạt rồi tổ chức làm lễ cầu kinh hay tụng kinh, niệm Phật. Thỉnh thoảng, khi có lễ Mẹ, lễ Cha, Tết Trung Thu, Lễ Vu Lan ... lại thấy nhiều đoàn thể thiện nguyện khác tới tổ chức văn nghệ, ca hát phục vụ cho quý cụ. Nhà dưỡng lão nầy có nhiều người Việt nên có rất nhiều tổ chức của người Việt đến thăm .

Tất cả chi phí của hai cụ khi ở đây đều do chánh phủ đài thọ. Nghe nói con số không nhỏ, chắc cũng phải 6.000-7.000 đô la một tháng chưa kể tiền thuốc. Mỗi ngày hai lần sáng chiều, có y tá đến săn sóc và cho uống thuốc. Khi bịnh thì có bác sĩ tới khám liền. 

Mỗi lần ông Mạnh bị thiếu nước thì lại được bác sĩ vô nước biển. Một lần khác ông bị sưng phổi thì người ta hay liền và đưa đi bịnh viện. Kỳ đó, nếu ông ở nhà thì có thể đã không cấp cứu kịp thời và có thể đã qua đời rồi... Mới đây, ông Mạnh yếu quá và không thể ăn uống được nữa thì người ta lại đưa vô bịnh viện để mổ và đặt một ống thông vào bao tử. Sau đó người ta sẽ bơm thức ăn lõng vào ống nầy để nuôi ông. Người ta cố gắng kéo dài sự sống của ông được ngày nào hay ngày nấy ...

Chúng ta được may mắn đến vùng đất tự do và con người được tôn trọng. Bây giờ đi làm thì đóng thuế, khi về già, bảo đảm chúng ta sẽ được xã hội lo lắng đúng mức chớ không sợ khi già yếu, bịnh hoạn không có tiền ăn, không ai lo lắng như ở quê nhà. Tâm lý và tình cảm của người Việt chúng ta là con cái phải lo cho cha mẹ. Không lo cho cha mẹ là bất hiếu ... Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là bất nhân ... Điều nầy chắc phải xét lại trong hoàn cảnh ở Mỹ nầy. Nếu ai có khả năng tự lo cho cha mẹ già thì rất tốt, nhưng đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão cũng không có gì là tội lỗi và phải áy náy vì hệ thống nhà dưỡng lão ở Mỹ rất chuyên nghiệp và được nhân viên tiểu bang thanh tra, kiểm soát thường xuyên. Như ở nhà dưỡng lão nầy, cha mẹ vợ của chàng được săn sóc đúng mức hơn và đầy đủ hơn khi ở nhà. Ngay cả khi chúng ta mướn người phục vụ 24/24 cũng không thể nào bằng được. Sự làm việc của nhân viên, y tá ở đây đều rất chuyên nghiệp và do đó sức khoẻ của các cụ sẽ được lo lắng đúng mức trong những ngày còn lại của cuộc đời.

image

Dĩ nhiên, không phải chúng ta đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão rồi ... phủi tay để mặc cho họ lo. Bởi vì không phải các cụ ở nhà dưỡng lão sẽ hoàn toàn sung sướng. Thật ra, ở đó cũng có vài điều mà các cụ không vừa ý như các cụ thường cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và buồn bã. Mỗi khi người ta thay khăn trãi giường, làm vệ sinh giường thì các cụ bị đưa lên xe lăn đặt ngồi ở hành lang. Có cụ ngồi gục gục, còng lưng chịu đựng thấy rất khổ. Những cụ không biết tiếng Anh còn khổ hơn nhiều. Muốn uống nước, muốn đi vệ sinh thì các cụ không biết làm sao... Có rất nhiều người Việt làm cho những viện dưỡng lão quanh khu Little Saigon, nhưng không phải hoàn toàn 100%, nên không biết tiếng Anh là khó khăn lớn nhứt của các cụ mà Minh nhận thấy... Nếu biết chút tiếng Anh thì cuộc sống cuối đời của các cụ trong các nhà dưỡng lão sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ở Việt Nam, khi già cả có thể ta sẽ có con cái, hàng xóm láng giềng tới thăm hỏi nhưng y tế yếu kém. Người già ở Mỹ thì sống trong viện dưỡng lão, tuy tiện nghi đầy đủ nhưng hơi buồn vì không có hàng xóm láng giềng. Còn con cái thì thỉnh thoảng mới vào thăm. Đó là thực tế mà mỗi người trong chúng ta phải chuẩn bị để chấp nhận.

Trước khi kết thúc bài viết, xin kể một câu chuyện ngắn để bạn suy nghĩ. Mỗi lần vào nhà dưỡng lão H.H. , Minh đều gặp cụ T.. Lúc nào cụ cũng nhờ Minh đẩy xe lăn của cụ ra trước cổng. Cụ nói: "Cậu làm ơn đẩy tôi ra trước cổng để tôi đón con tôi". Đó chắc là mong ước của không những cụ T. mà của tất cả các cụ khác trong nhà dưỡng lão nầy..

image

Nhưng Minh cũng hiểu rằng không chắc gì con cụ sẽ tới thăm cụ hôm nay!.

MINH TÂM (bài do bạn Mậu Trần giới thiêu)