Mùi cơ thể không chỉ là vấn đề vệ sinh không sạch sẽ mà trong tương lai, các bác sĩ có thể phát hiện những bệnh lý nghiêm trọng, mạn tính như ung thư, tiểu đường, bệnh lý thận… chỉ bằng “mùi” của họ trước khi các triệu chứng đầu tiên khác xuất hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, với nhiều nghiên cứu đang được tiến hành, các nhà khoa học cũng đã chẩn đoán được một số bệnh lý bằng mùi cơ thể.
Vì sao cơ thể có “mùi” khi bị bệnh?
Theo TS. Alan Hirsch - chuyên gia thần kinh học tại Chicago thì mùi cơ thể có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Bên cạnh đó, TS. Yehuda Zeiri - chuyên khoa y sinh tại Trường Đại học Ben-Gurion ở Israel cho biết, khi mắc bệnh, các cơ quan trong cơ thể thay đổi cơ chế hoạt động như tăng cường các quá trình sinh hóa mới và khác nhau dẫn đến việc hình thành các phân tử dễ bay hơi nhỏ. Những phân tử này có thể được vận chuyển từ máu đến phổi và được giải phóng trong kỳ thở ra, gây ra “mùi” khác lạ. Chúng cũng có thể được giải phóng trong nước tiểu và mồ hôi nhưng không phải lúc nào người bệnh cũng có thể nhận biết.
Xét nghiệm hơi thở phát hiện bệnh với thiết bị NaNose.
Những bệnh lý nào đã và sớm được chẩn đoán bằng “mùi”cơ thể ?
Ung thư phổi: Các nhà khoa học Israel đã chế tạo thành công một thiết bị mới có tên gọi là NaNose có thể chẩn đoán ung thư phổi chính xác đến 90% khi phát hiện một “mùi” đặc biệt từ các tế bào ung thư. Ngoài ra, thiết bị này còn có thể xác định bệnh Parkinson, các bệnh ung thư khác, suy thận, đa xơ cứng, bệnh Crohn với độ chính xác 86%. Thiết bị này hoạt động theo cơ chế để hơi thở đi qua các hạt nano vàng bên trong, các chất hóa học trong hơi thở sẽ tương tác với các hạt nano và tạo ra phản ứng, mỗi hóa chất trong hơi thở sẽ gây ra những thay đổi khác biệt rất tinh tế cho các hạt nano vàng này.
Suy thận: Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois ở Mỹ đã phát triển thiết bị xét nghiệm hơi thở có thể phát hiện sớm dấu hiệu suy thận, giúp người bệnh đến khám sớm, tạo điều kiện cho việc chữa trị hiệu quả hơn. Thiết bị xét nghiệm hơi thở này hoạt động dựa trên lý thuyết mỗi bệnh nhân có dấu vết hơi thở riêng, giống như sự khác biệt về vân tay của mỗi người và phân tích các hợp chất cực nhỏ gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Theo đó, khi người bệnh thở qua dụng cụ này, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi sẽ được thu lại trong một cái túi gắn liền với thiết bị để phân tích. Ở người bệnh bị suy thận, hơi thở thường có mùi amoniac do sự tích tụ các chất thải trong máu khi thận lọc kém dẫn tới tăng urê trong máu sinh ra mùi đặc trưng này.
Đa xơ cứng: Bệnh đa xơ cứng (MS) là bệnh thần kinh mạn tính phổ biến nhất ảnh hưởng đến thanh niên. Chẩn đoán MS dựa trên các đặc điểm lâm sàng và được xác nhận bằng cách kiểm tra dịch não tủy (CSF) hoặc bằng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) của não hoặc tủy sống hoặc cả hai. Tuy nhiên, không phải thủ tục chẩn đoán hiện tại nào cũng thích hợp như một công cụ định kỳ để xác định tình trạng bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học Israel đã dựa vào các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong hơi thở để chẩn đoán bệnh. Thí nghiệm được thực hiện với 204 người tham gia, 146 người mắc MS và 58 người khỏe mạnh. Phân tích được thực hiện bằng sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS) và mảng cảm biến dựa trên vật liệu nano cho thấy người mắc MS có hơi thở đặc trưng do có sự phong phú về các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hơn nhóm chứng.
Bệnh về nướu răng: TS. Hirsch giải thích rằng, khi bị nhiễm trùng nướu răng, vi khuẩn tiết ra các chất thải như hydrogen sulfide có mùi giống như trứng thối. Mùi này cho biết người đó có bệnh về nướu, áp-xe hoặc vệ sinh răng miệng kém. Thực tế trên lâm sàng cho thấy, áp-xe răng miệng có thể được giấu trong một khe hở khó tìm thấy nhưng “mùi hương” từ miệng có thể khuyến khích nha sĩ chỉ định chụp Xquang để tìm ra thủ phạm.
Bệnh tiểu đường: Ở những người bệnh tiểu đường, khi cơ thể không thể tạo ra đủ năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ bắt đầu phá vỡ các axit béo để tạo ra năng lượng. Điều này khiến cho các chất hóa học thuộc nhóm axit được gọi là ketone hình thành trong máu. Một trong số đó là acetone (thành phần tương tự như thuốc tẩy sơn móng tay) tạo ra “mùi trái cây” trong hơi thở. Mùi cơ thể này có thể là biến chứng của loại bệnh tiểu đường được gọi là nhiễm ketone axit tiểu đường (DKA).
Bên cạnh các bệnh lý trên, một số bệnh lý khác như bệnh bạch cầu đơn nhân cũng có thể được phát hiện sớm nhờ hơi thở chua, hội chứng mùi cá với sự mô tả như mùi cá thối, nước tiểu, rác cũ hoặc trứng thối, bệnh tâm thần với hơi thở hôi, suy gan với hơi thở mùi cá sống… sẽ giúp người bệnh nhận biết dấu hiệu đầu tiên của bệnh để đi khám và được điều trị từ sớm - yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả trong quá trình chữa bệnh.
Theo rd.com, -: Lê Mỹ Giang 30/5/2018