Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Công nghệ in 3D làm tay giả điện tử cho người khuyết tật

Với tên gọi Hero Arm, tay giả được điều khiển bằng điện tử ứng dụng công nghệ in 3D của Open Bionics được kỳ vọng “biến những khiếm khuyết trở thành siêu năng lực” cho người khuyết tật.

Ứng dụng công nghệ in 3D làm tay giả điện tử cho người khuyết tật - Ảnh 1.
Thiết kế của Hero Arm hướng tới việc mang lại cho người dùng sự chuyển động khéo léo và thao tác dễ dàng hơn chứ không quá chú trọng về mặt thẩm mỹ.
Do đó, thiết bị này không quá bắt mắt y như cánh tay thật nhưng nhấn mạnh kỹ thuật phần mềm được cấu hình bên trong, có khả năng tạo ra nguồn mở để cho phép người dùng lẫn các nhà phát triển tinh chỉnh và thử nghiệm với thiết bị.



Chi phí của Hero Arm khoảng 7.000 USD và được đánh giá là tiết kiệm hơn các loại chân tay giả khác trên thị trường vì ứng dụng công nghệ in 3D và quét 3D để đảm bảo thiết kế được tùy chỉnh hoàn hảo cho người dùng.

Được biết, quá trình in 3D mất khoảng 40 giờ cho mỗi cánh tay và sử dụng cảm biến để tích hợp với cơ bắp trong cánh tay của người dùng.

Samantha Payne và Joel Gibbard, hai nhà đồng sáng lập Open Bionics, cho biết đã cùng nghiên cứu thử nghiệm và chế tạo các cánh tay robot từ năm 17 tuổi và Hero Arm là sản phẩm hoàn thiện nhất của họ.
Họ chia sẻ: "Hầu hết tay giả hiện nay đều có hình dạng đơn giản như móc hoặc gắp, cung cấp chức năng còn giới hạn và các hành động cơ học khi thực hiện sẽ thiếu sự khéo léo cần thiết để đảm đương nhiều công việc hằng ngày.
Chính vì thế, Hero Arm được chúng tôi sáng tạo để thúc đẩy tính cá nhân hóa với nhiều tính năng như kiểm soát tỉ lệ, cho phép người dùng điều khiển tốc độ chuyển động của ngón tay, thiết lập rung động ánh sáng và âm thanh để phản hồi về trạng thái hoạt động của bàn tay, cổ tay được xoay 180 độ và ngón tay cái co dãn giúp người dùng cầm nắm được các vật thể nhỏ…"
Với trọng lượng nhẹ dưới 1 kg, phù hợp với nhiều ngoại hình và trang phục khác nhau, có cả thiết bị dành cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên, Hero Arm đang được lan tỏa với hiệu ứng tốt.

Ngoài thiết bị, Open Bionics cũng chia sẻ tham vọng tiếp tục áp dụng công nghệ này vào chân giả để hỗ trợ những người bị hạn chế di chuyển.
Trong những năm gần đây, Open Bionics đã giành được nhiều giải thưởng cho các sản phẩm điện tử của mình như James Dyson Award (2015), Wired Social Innovation Award (2016) và UAE AI & Robotics International Award for Good mới đây.