Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Người cao tuổi cần ăn uống ra sao?


Chúng ta sống đến tuổi nầy là may mắn lắm rồi ! nên ăn những gì chúng ta thích, đừng hà tiện nữa! để dành tiền cho con cháu biết bao nhiêu cho đủ ??? Hơn nữa, chúng nó có bằng cấp, có công việc tốt, chúng nó hẵn nhiên là giàu có hơn mình! thì tại sao mình lại hà tiện, chắt chiu để dành cho chúng ? biết bao nhiêu cho đủ ?? ( còn ăn thì cứ ăn cho thỏa thích. Một mai răng rụng hết chỉ còn nhìn mà hít hà thôi ! ! ! )
   
 Tuy không hẳn vì bất hiếu nhưng do định kiến là người cao tuổi không cần ăn nhiều nên không thiếu người già bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng một cách oan uổng! Thêm vào đó là nhiều người lớn tuổi phải kiêng cữ, thường khi thái quá do con cháu ép buộc, vì bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ trong máu…Vấn đề chưa dừng lại ở điểm cơ thể người cao niên vì thế mà thiếu dưỡng chất. Nguy hơn nhiều là do đó mà sức đề kháng bị xói mòn khiến bệnh bội nhiễm cũng như bệnh do thoái hóa cơ khớp trở thành mối đe dọa thường xuyên cho cơ thể vốn vừa nhạy cảm, vừa dễ thiếu nước khi tuổi đời chồng chất. Nếu xét về mặt dược lý, bữa ăn của người cao tuổi thậm chí quan trọng không kém viên thuốc đặc hiệu.



    Quan điểm theo đó người cao tuổi phải e dè với từng miếng ăn, là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy hình thức ăn uống dồi dào rau cải tươi, nhiều cá biển, và nhất là ngon miệng, là chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho người già.

   

Bằng chứng là người cao tuổi ở Địa Trung Hải ít bị nhồi máu cơ tim nhờ khẩu phần đa dạng với thực phẩm “xanh” chiếm tối thiểu 60% tổng lượng. Bằng chứng là người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới nhờ thực đơn hầu như không bao giờ thiếu cá biển và đậu nành. Ngược lại, người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão ở Hoa Kỳ, nơi chế độ ăn uống kiêng cữ được đặt lên hàng đầu, lại có tỷ lệ tai biến mạch máu não và tử vong vì nhồi máu cơ tim vượt xa các nước khác!



 Từ nhận thức đó, thay vì tiếp tục đề cao kiêng khem, đa số chuyên gia dinh dưỡng ở khắp nơi đã đồng lòng tán dương chế độ dinh dưỡng mang nhiều nét “đổi mới” cho người già dựa trên các nguyên tắc như sau:



 • Người cao tuổi nên ăn tất cả những món ưa thích và ngon miệng, miễn là với lượng không gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa.



 • Khẩu phần hàng ngày càng đa dạng càng tốt, càng ít thực phẩm công nghệ càng hay.



 • Chắc chắn uống đủ nước trong ngày bằng cách chú trọng các món cung cấp nước như rau trái, món canh…, thay vì uống nước vì nhiều người già thường chỉ uống khi khát.



• Đừng nấu cho người cao tuổi các món ăn tuy bổ dưỡng về thành phần nhưng với khẩu vị nuốt không vô !!!.Đừng quên cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh.



 • Không nhất thiết phải cữ muối tuyệt đối nếu không có y lệnh của thầy thuốc trong giai đoạn bệnh tim mạch cấp tính.



 • Không nên thiếu món ngọt nếu thực khách chưa bị bệnh tiểu đường.



 • Luôn luôn có rau quả tươi trong khẩu phần.



 • Nên có nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ngày ba bữa đúng giờ.



 • Một ly rượu vang cho mỗi bữa ăn là điều nên làm.



• Chỉ tránh các món ăn gây dị ứng, món chiên xào nếu đã có bệnh trên đường tiêu hóa như viêm đại trường mãn, viêm ruột dị ứng, trĩ…



• Có bữa cơm gia đình cùng con cháu thay vì ăn riêng trong buồn tẻ như người bệnh nặng.



 • Vận động nhẹ trước và sau bữa ăn.



   Con cháu nếu biết thương ông bà đừng quên là các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ vừa chứng minh hẳn hòi là: người cao tuổi nếu có da có thịt một chút, nghĩa là dư cân, ít bị bệnh và sống thọ hơn bạn đồng niên mình hạc xương mai. Lượng mỡ dưới da, tất nhiên không nhiều, chính là kho dự trữ dưỡng chất để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi cơ thể đã cao tuổi mỗi lần ngã bệnh.

   Không cho người già ăn no bụng và ngon miệng là một điều đáng trách cả về lý lẫn về tình.

Bác sĩ Lượng Lễ Hoàng (bài do bạn Tư Sang giới thiệu)