Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Điện toán mây là gì?

Có thể bạn không để ý, nhưng nếu bạn đã dùng Dropbox, iCloud, Spotify hay là Google Drive tức là bạn đã sử dụng công nghệ điện toán mây (cloud computing). Công nghệ điện toán mây hiện tại là một đề tài nóng bỏng.

Mạng Forbes.com báo cáo là theo Market Research Media thì thị trường điện toán mây có thể lên tới $270 tỷ vào năm 2020. Vậy thì điện toán mây là gì? Lợi và hại ra sao?


Trong bài này tôi nói tới những hoạt động và ảnh hưởng của công nghệ điện toán mây đối với người tiêu dùng cá nhân hay những tiểu thương chứ không nói đến những công ty lớn. 

Định nghĩa điện toán mây

Chữ “mây” (cloud) ở đây không có liên quan gì tới mây thật bay trên bầu trời mà chỉ là dùng theo thói quen. Từ mấy chục năm về trước người ta thường vẽ một cụm mây để tượng trưng cho mạng lưới thông tin toàn cầu (Internet) trong những buổi thuyết trình trong công nghệ máy tính và thông tin.

Tờ Technology Review, báo về kỹ thuật của Đại Học MIT, đã truy lùng xem từ “cloud computing” xuất hiện từ lúc nào. Báo đó báo cáo là thấy từ cloud computing xuất hiện từ công ty Compaq Computer vào năm 1996.

Vì có nhiều người dùng điện toán mây với nhiều ý khác nhau nên cũng khó có một định nghĩa đồng nhất cho từ điện toán mây. Tuy nhiên, có thể nói công nghệ điện toán mây cho phép người sử dụng dùng những ứng dụng trên một số máy chủ (server) thay vì chỉ trên một máy chủ dành riêng. 

Tiến trình của điện toán mây

Từ khi bắt đầu có máy tính đã có hai mô hình cho hệ thống máy tính. Một là các hoạt động và ứng dụng phần lớn đều được gài đặt và hoạt động trên máy tính cá nhân. Với mô hình này chỉ cần nối mạng khi cần thiết như trao đổi dữ liệu với máy chủ (server) chứ không cần nối mạng liên tục.

Mô hình thứ hai gọi là mô hình khách-chủ (client-server model). Trong mô hình này những ứng dụng và dữ liệu phần lớn đều ở trên máy chủ. Người dùng chỉ có một máy tính thô sơ, có khả năng nối mạng nhưng không có nhiều chức năng khác. Muốn làm gì thì người dùng gửi một mệnh lệnh qua mạng lưới thông tin tới máy chủ. Máy chủ hoạt động theo mệnh lệnh và gửi lại kết quả cho người dùng.
Theo thuật ngữ của giới công nghệ thông tin thì máy tính như vậy được gọi là dumb terminal (thiết bị đầu cuối không thông minh). Với mô hình này thì vấn đề nối mạng là cần thiết và phải liên tục.

Vào các thập niên 1980 và 1990 nhiều công ty dùng mô hình khách-chủ vì rẻ tiền. Thiết bị đầu cuối so với máy tính bình thường thì rẻ hơn nhiều. Nhưng cái bất tiện là phải có liên kết mạng. Thời đó các thảo chương viên không thích mô hình này vì sự nối mạng không được ổn định như bây giờ và tốc độ úp lên (upload) và tải xuống (download) cũng rất chậm.

Về sau này thì máy tính rất rẻ nên mô hình khách-chủ không còn thịnh hành nữa. Nhưng bây giờ vì nối mạng rẻ, tốt và có khắp nơi nên mô hình khách-chủ lại thoát thai thành mô hình điện toán mây. 

Những loại điện toán mây

Có ba thể loại điện toán mây chính:

-Phần mềm như một dịch vụ (Software as a Service, viết tắt là SaaS): Trong thể loại này khách hàng ghi danh để dùng phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ và truy cập phần mềm đó qua mạng thông tin.

-Nền tảng như là một dịch vụ (Platform as a Service, PaaS): Trong trường hợp này khách hàng tự phát triển những ứng dụng riêng của mình. Nhà cung cấp dịch vụ điện toán mây cung cấp phần cứng, phần mềm và dịch vụ máy chủ (hosting service) để cho khách hàng truy cập ứng dụng qua Internet.

-Hạ tầng cơ sở như là một dịch vụ (Infrastructure as a Service, IaaS): Trong trường hợp này nhà cung cấp dịch vụ cung cấp tất cả phần cứng, nối mạng và trung tâm dữ liệu. Khách hàng dùng hạ tầng cơ sở đó cho những dịch vụ riêng của mình.

Dịch vụ của điện toán mây

Một dịch vụ của điện toán mây rất phổ thông là lưu trữ các dữ liệu như phim ảnh, nhạc và hồ sơ cá nhân. Có thể bạn đã dùng những dịch vụ sau đây:

-Google Drive, phần lớn các dịch vụ của Google như là Gmail, Google Calendar và Google Maps đều thuộc loại điện toán mây. Nếu bạn có một chương mục với Google thì bạn đã có Google Drive. Google cho bạn tổng số lưu trữ là 15 GB miễn phí. Nếu bạn chưa có chương mục với Google thì có thể tạo một chương mục mới không tốn tiền.

-Dropbox, đây là một dịch vụ lưu trữ trên mây. Bạn chỉ có thể lưu trữ tới 2 GB miễn phí. Muốn hơn thì phải trả tiền. Dropbox còn có thể đồng bộ hóa (synchronize) những dữ liệu trên những thiết bị của bạn.

-Apple iCloud, đây là dịch vụ lưu trữ trên mây của Apple. iCloud lưu trữ những hình ảnh, hồ sơ, điện thư và âm nhạc. Bạn có 5 GB miễn phí, muốn có hơn thì phải trả tiền.

-Amazon Cloud Drive, đây là dịch vụ lưu trữ trên mây của Amazon. Theo quảng cáo của Amazon thì bạn có 5 GB miễn phí để lưu trữ hình ảnh, video và hồ sơ. Nếu bạn là thành viên chủ yếu (prime member) của Amazon thì bạn muốn lưu trữ bao nhiêu hình ảnh cũng được. 

Những lợi ích của điện toán mây

Truy cập từ khắp mọi nơi, vì truy cập các dịch vụ điện toán mây qua Internet mà Internet thì ở đâu cũng có nên có thể truy cập khắp mọi nơi, miễn là nơi đó có Wi-Fi.

Có hiệu năng hơn, giảm chi phí về phần cứng cũng như nhân sự. Nếu một công ty có những máy chủ riêng thì phải lo đủ mọi vấn đề liên quan đến máy chủ, thí dụ như nguồn điện, nhân viên quản lý máy. Nếu dùng điện toán mây thì công ty có thể thuê ngoài (outsourcing) phần lớn hệ thống phần cứng và phần mềm.

Uyển chuyển hơn, có thể tăng hay giảm năng suất một cách dễ dàng, vì tất cả các thiết bị đều thuộc nhà cung cấp dịch vụ điện toán mây. Hơn nữa chỉ phải trả tiền những gì mình dùng.  

Những vấn đề của điện toán mây

Có nhiều vấn đề của điện toán mây.

-Lệ thuộc vào sự nối mạng. Nếu không có thể nối mạng thì không làm gì được. Thí dụ bạn ở trên máy bay, không có Wi-Fi thì bạn không dùng Dropbox được.

-Mất sự kiểm soát về các dữ liệu của mình. Vì những dữ liệu của mình nằm trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ nên khó có thể kiểm soát được việc họ làm gì với dữ liệu của mình.

-Lệ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ. Các vấn đề như là bảo mật, sửa lỗi phần mềm đều lệ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ điện toán mây. Nếu họ làm tốt thì mình được nhờ, nếu không thì cũng ráng chịu. Nếu không thích thì có thể đổi hãng khác, nhưng di chuyển tất cả thông tin từ một công ty này qua một công ty khác không phải là một chuyện dễ.
Hơn nữa nếu nhà cung cấp dịch vụ bị trục trặc thì mình cũng bị theo. Một trường hợp có thật đã xảy ra năm 2012 khi các máy chủ của Amazon bị hư hỏng, làm cho những công ty lệ thuộc vào dịch vụ của Amazon như Netflix cũng không sử dụng được.

-Muốn dùng điện toán mây thì phải qua mạng lưới Internet, tức là tùy thuộc vào những công ty cung cấp dịch vụ liên kết mạng. Vấn đề bảo mật và sự ổn định cũng phải tùy thuộc vào những công ty ấy. Hơn nữa bạn phải trả tiền để có được nối mạng, nếu bạn dùng điện toán mây thì có khi phải tốn rất nhiều tiền vì số lượng dữ liệu úp lên và tải xuống sẽ rất lớn.
—————-
Nguồn tài liệu: www.technologyreview.com, www.linkedin.com, www.pcmag.com


Hà Dương Cự/Người Việt-27/7/2017