Trong đời, chúng ta khó tránh khỏi các vết trầy, vết cắt. Hồi nhỏ, chạy nhảy, phóng xe đạp, té trầy trụa đầu gối là chuyện thường, rồi nay, dùng dao làm bếp, cắt thịt nấu ăn, dùng kép tỉa cây, làm vườn, chắc thế nào cũng có lúc xui xẻo tự cắt, tỉa mình.
Vết trầy (scrape, abrasion) chỉ nông trên mặt da, còn vết cắt (cut, laceration) sâu hơn vết trầy, làm đứt da. Nếu vết cắt sâu, rộng, bờ không đều, hoặc gây chảy máu không cầm, vết cắt cần được may lại. Trường hợp không biết vết cắt có cần may lại hay không, chúng ta nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Với những vết trầy (không cần may), vết cắt không sâu, rộng nên không cần may, chúng ta có thể tự chăm sóc vết thương ở nhà.
Chăm sóc vết thương
Khi mới bị trầy xước, hoặc đứt da, chúng ta rửa sạch vết thương với nước và xà bông.
Với vết thương đang chảy máu, chúng ta dùng một miếng vải sạch hay một miếng băng (bandage) đè chặt lên chỗ vết thương khoảng 20 phút. Nếu có thể, chúng ta nâng chỗ có vết thương lên cao hơn tầm tim, máu sẽ mau cầm hơn. Sau 20 phút, rủi máu vẫn không cầm, tiếp tục rỉ ra, chúng ta nên gọi hỏi ý kiến bác sĩ, hoặc đi đến trung tâm chăm sóc khẩn (urgent care center), phòng cấp cứu (emergency room).
Máu cầm, không còn chảy nữa, tốt, chúng ta thoa một lớp mỏng pom mát trụ sinh (như pom mát neosporin, bacitracin mua không cần toa bác sĩ) lên vết thương, rồi băng vết thương lại với “gauze” (vải thưa, sạch làm sẵn để băng bó vết thương) hay “band-aid”.
Chúng ta giữ vết thương sạch và khô, thay băng vết thương ngày 1-2 lần cho đến khi vết thương lành.
Thường, nếu không bị nhiễm trùng, các vết trầy, cắt sẽ lành dần trong vòng 7-10 ngày. Khi vết thương lành, thường sẽ có một vảy màu nâu đậm xuất hiện, chúng ta cứ để nguyên vảy này như vậy, khi nào nó tróc thì tróc, chớ có ngứa mắt ngứa tay ngắt hay bóc nó ra khỏi vết thương.
Khi nào nên gọi bác sĩ?
Chúng ta nên gọi hỏi hoặc đi khám bác sĩ nếu có những dấu chứng nhiễm trùng sau đây:
- Thấy nóng sốt, nhiệt độ lên trên 100 độ F (nhà nên có cây đo thân nhiệt)
- Vùng quanh vết thương ngày càng đau hơn, và thêm sưng, nóng, đỏ.
- Vết thương chảy mủ vàng, xanh.
- Có những tia đỏ tỏa ra từ vết thương.
Những vết thương xuyên sâu xuống dưới da (puncture wound) gây do các vật nhọn có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn những vết thương nông.
Chích ngừa phong đòn gánh
Phong đòn gánh (tetanus) là bệnh nguy hiểm làm nguy tính mạng, do vi trùng Clostridium tetani hiện diện trong đất, bụi.
Bệnh xảy ra từ vài ngày đến vài tháng sau một vết thương ở da. Vi trùng Clostridium tetani tấn công hệ thần kinh, gây các triệu chứng co thắt và cứng bắp thịt (muscle stiffness and spasms) khiến người bệnh cứng hàm, cong người, khó nuốt, ngưng thở và chết.
Chích ngừa có thể phòng được căn bệnh, cứu mạng chúng ta. Các cháu bé đi học ở trường thường đều đã được chích ngừa phong đòn gánh đầy đủ (không chích ngừa không được vào trường), một số người lớn chúng ta nhiều năm quên chưa chích lại.
Tốt nhất, chúng ta chích ngừa bệnh phong đòn gánh đúng định kỳ (sau 3 lần chích, mỗi 10 năm chích lại một mũi), khi đi khám tổng quát nhớ hỏi bác sĩ đã đến lúc mình phải chích lại chưa. [Thường thuốc ngừa phong đòn gánh được pha chung với thuốc ngừa bệnh bạch hầu (diphtheria), nên gọi là Td (tetanus + diphtheria), một mũi thuốc ngừa cả hai bệnh, hoặc được pha chung thêm một thuốc nữa để ngừa luôn bệnh ho gà (pertussis), gọi là Tdap (tetanus + diphtheria + pertussis), một mũi thuốc ngừa ba bệnh. Người từ 65 trở lên nên chích ngừa Tdap.]
Rủi bị các vết trầy, cắt dù nhỏ, nếu không nhớ mình chích ngừa phong đòn gánh mũi cuối hồi nào, chúng ta nên gọi hỏi bác sĩ, trong hồ sơ bác sĩ có ghi chép việc này. (Nhất là bây giờ với hồ sơ điện tử, việc ghi chép càng kỹ lưỡng và dễ kiếm; hồ sơ giấy tờ nọ chồng lên tờ kia, tìm lại một sự việc đã xảy ra cả chục năm trước mất nhiều thì giờ và có khi kiếm cũng không ra, vì chữ viết tay trong hồ sơ giấy lăng quăng, khó đọc.)
Chăm sóc cho những vết cắt cần may
Như chúng ta đã biết, những vết cắt sâu, rộng, bờ không đều, hoặc gây chảy máu không cầm, cần được may lại, để vết thương mau lành, lưu lại ít thẹo hơn, hoặc được cầm, không còn chảy máu nữa.
Kỹ thuật khâu may những vết cắt đơn giản thường không khó. Bác sĩ dùng kim cùng chỉ đặc biệt, kéo sát hai bờ của vết cắt lại với nhau và may, rồi cột chỉ để hai bờ vết thương được giữ nguyên như vậy, không rời xa nữa.
Có hai loại chỉ may:
- Chỉ tan (absorbable): chỉ sau nhiều ngày sẽ tự tiêu tan đi, không phải cắt.
- Chỉ không tan (nonabsorbable): chỉ không tự tiêu tan, khi vết thương đã lành tốt, chỉ cần được cắt, gỡ ra.
Trước khi may vết cắt, bác sĩ rửa sạch vết cắt, và thường sẽ chích thuốc tê vào chỗ vết cắt để bạn không cảm thấy đau lúc may. May xong, bác sĩ sẽ băng vết thương lại sạch sẽ.
Vết cắt được may
Có một cách khác khiến hai bờ vết cắt khít lại song không cần phải may, thường được dùng trong phòng cấp cứu, cho những vết cắt không sâu, rộng lắm. Cách này dùng một dụng cụ gọi là “stapler”, móc hai đầu những miếng kim loại nhỏ (staples, trông giống như đồ chúng ta dùng để đóng những miếng giấy rời vào với nhau) vào hai bên bờ vết thương rồi siết lại, giúp hai bờ vết thương khít lại với nhau. Những miếng “staples” này là kim loại, nên không thể tự tiêu tan, cần tháo lấy ra khi vết thương đã lành tốt.
Vết cắt được khép lại với các “staples”
Chăm sóc vết thương
Bác sĩ sẽ dặn dò bạn cách chăm sóc cho vết thương ở nhà. Vết cắt đã may (hoặc đã được khép kín với “staples”) sẽ mau lành và ít bị nhiễm trùng nếu chúng ta chăm sóc nó đúng cách.
Thông thường, bạn giữ vết thương đã được may khô, đừng để nước vào, trong băng sạch. Chỉ may không tan chỉ cần được giữ khô 1-2 ngày, loại chỉ tan cần được giữ khô lâu hơn.
Khi vết thương và chỉ may không còn cần phải giữ cho khô nữa, lúc tắm bằng vòi phun bông sen (shower) mỗi ngày, bạn có thể nhẹ nhàng rửa vết thương với nước và xà bông. Sau đó, bạn dùng khăn sạch thấm nhẹ cho vết thương khô nước, thoa một lớp mỏng pom mát trụ sinh (như pom mát bacitracin mua không cần toa bác sĩ) lên vết thương, rồi băng vết thương lại với “gauze” (vải thưa, sạch chế sẵn từng miếng để băng bó vết thương) hay “band-aid”.
Bạn không nên ngâm lâu chỗ vết thương trong nước bồn tắm, hồ tắm. Một vết thương ngâm nước sẽ ẩm và lâu lành, dễ nhiễm trùng.
Cẩn thận, khoảng 1-2 tuần, bạn nên tránh những hoạt động, chơi những thể thao làm đụng chạm đến vùng có vết thương, vì chỉ may có thể bị bung, vết thương chưa lành sẽ toác ra lại.
Gọi hỏi bác sĩ
Bạn nên gọi hỏi hoặc đi khám lại bác sĩ nếu có những dấu chứng sau đây:
- Chỉ bung, vết thương toác hở lại.
- Thấy nóng sốt, nhiệt độ lên trên 100 độ F (nhà nên có cây đo thân nhiệt)
- Vùng quanh vết thương ngày càng đau hơn, và thêm sưng, nóng, đỏ.
- Vết thương chảy mủ đặc màu vàng, xanh. Nước trong, vàng rỉ ra từ vết thương chỉ vài ngày đầu rồi khô dần thì không sao.
- Có những tia đỏ tỏa ra từ vết thương.
Cắt chỉ, tháo “staples”
Sau 5-14 ngày, tùy nơi (đầu, mặt, hoặc cổ, mình, tay, chân), vết thương lành, bạn đến bác sĩ lại, để bác sĩ cắt chỉ (loại chỉ không tự tiêu), hoặc tháo các miếng “staples” ra cho bạn.
Việc cắt chỉ rất dễ, không cần chích thuốc tê, bác sĩ dùng dụng cụ nâng các mối chỉ khâu lên, rồi cắt và rút ra. Việc tháo các miếng “staples” ra cũng vậy, nhưng cần có dụng cụ đặc biệt để tháo chúng (gọi là “staple remover”), mà văn phòng các bác sĩ thường không có. Nếu bạn có vết thương cần may và vào phòng cấp cứu, bác sĩ phòng cấp cứu kẹp các miếng “staples” vào vết thương thay vì may bằng chỉ, bạn nhớ xin bác sĩ phòng cấp cứu dụng cụ “staple remover” đem về cho bác sĩ chính (primary care doctor) của bạn, để đến ngày tháo các “staples”, bác sĩ chính của bạn có cái để tháo chúng.
Sau khi chỉ đã cắt, hoặc “staples” được tháo ra, bạn tránh đừng để ánh nắng chiếu vào vết thương. Ánh nắng có tác dụng không tốt trên các vết thương đang lành. Bạn dùng thuốc chống nắng (sunscreen), mặc áo dài tay (vết thương ở tay), dài chân (vết thương ở chân), đội mũ (vết thương trên đầu, mặt) để che chở vết thương.
Tóm lại, với các vết cắt cần may, bác sĩ may vết thương, song sau đó, việc chăm sóc cho vết thương ở nhà là phần việc của chúng ta. Bạn giữ vết thương khô, sạch, thay băng mỗi ngày sau khi tắm, để ý xem vết thương có dấu chứng nhiễm trùng hay không, và giữ hẹn với bác sĩ để bác sĩ cắt chỉ, hoặc tháo gỡ các “staples” đúng hạn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức (theo ChinhNghiaViet.com)