Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Sống có ý nghĩa không phải là điều khó đạt được?

Dưới đây là bản dịch bài "The secret to living a meaningful life' của  Christian Jarrett - BBC Future, giới thiệu lời bàn của chuyên gia tâm lý cá tính Brian Little về cách làm sao chúng ta có thể vượt ra khỏi những giới hạn của cá tính để tìm đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Brian Little là một chuyên gia về tâm lý cá tính ( personality psychology)và là một diễn giả được nhiều người biết đến. Nếu từng xem một trong những cuộc đối thoại của ông trên TED về cá tính như hàng triệu người khác, bạn sẽ thấy ông là một diễn giả sắc sảo và đầy thu hút.
Có lẽ bạn sẽ nhanh chóng đưa ra kết luận rằng ông là người hướng ngoại (extravert): không những ông giỏi trong lĩnh vực của mình mà còn biết tận dụng cơ hội trong lĩnh vực ấy.
Trên thực tế, Little tự nhận mình là một người hướng nội (introvert). Sau mỗi cuộc nói chuyện, ông thường giam mình phía sau cánh cửa khoá trái của một toilet công cộng. Trong cuốn sách năm 2014 với tựa ‘Me, Myself and Us’, đây là một trong những mẹo mà ông hay áp dụng cho bản thân để quay lại là mình sau khi phải cố gắng tỏ ra hướng ngoại trước công chúng.
Little giải thích rằng ông có thể cư xử như một người hướng ngoại khi cần, nhờ điều mà ông gọi là ‘cá tính linh hoạt’: Đóng vai một người hoàn toàn khác nhằm tương tác và giáo dục các sinh viên cũng như những người khác về giá trị của ngành tâm lý cá tính.
Đây không phải là đặc điểm của riêng vị giáo sư Đại học Cambridge này. Ông tin rằng mỗi chúng ta cần nhập vào một vai khác khi đang theo đuổi một nhiệm vụ quan trọng của cá nhân.
Thật vậy, Little và các đồng nghiệp của ông đã dành ra nhiều năm nghiên cứu cách làm sao chúng ta có thể vượt ra khỏi những giới hạn của cá tính để tìm đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Để hiểu được nghiên cứu của ông, bạn hãy thử dành ra vài phút để viết xuống các dự án của bản thân, ví dụ như giảm cân, chăm sóc cho thú cưng tốt hơn, hoặc viết sách. Danh sách này không cần quá dài; hầu hết mọi người thường chọn ra khoảng 15 thứ.
Tiếp theo, bạn hãy thử nhìn vào mỗi mục tiêu, hãy nghĩ xem nó quan trọng với mình thế nào, nó phù hợp với tính cách và những giá trị mà bạn đề cao hay không; liệu dự án đó có mang lại cho bạn niềm vui, sự căng thẳng hay nỗi bực dọc; bạn có chia sẻ nó với ai khác; bạn đã đạt được kết quả ra sao; bạn có tự tin sẽ hoàn thành được nó hay không.
Những câu hỏi này được phân làm 5 loại trong Phân tích Các Dự án Cá nhân(Personal Projects Analysis):
Ý nghĩa, tính khả thi, sự liên quan tới những người khác, cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực.
Trước hết là các dự án mà bạn cho là có nhiều ý nghĩa với mình. Đây là những dự án quan trọng với bạn và chúng nhiều khả năng sẽ tác động đến niềm vui cũng như sức khoẻ của bạn. Đây là điều vô cùng quan trọng bởi vì, theo cách mà Little đã giải thích trong cuốn Me, Myself and Us, cá tính của bạn diễn tả con người bạn, còn các dự án của bạn diễn tả những gì bạn đang làm, hoặc ngược lại. Khi chọn đúng dự án và đúng cách để thực hiện chúng, bạn có thể khiến cuộc sống của mình trở nên trọn vẹn hơn.

Các dự án ảnh hưởng tới bạn ra sao?

Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu dự án của chính mình hoàn toàn khả thi. Trên thực tế, Little cho biết độ tự tin của chúng ta trong việc hoàn thành dự án của mình quan trọng đến sức khoẻ của chúng ta hơn là ý nghĩa của chính dự án đó.
Nói một cách khác, không có gì tệ bằng việc theo đuổi một dự án không khả thi. Trên thực tế, các kết quả nghiên cứu cho thấy khi một ai đó theo đuổi một dự án làm họ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, điều này tác động xấu đến sức khoẻ của họ hơn cả những yếu tố như nghèo đói.
Chúng ta cần những dự án có tính khả thi cao và đồng thời có nhiều ý nghĩa với chính mình, có thể phản ánh đúng những điều mà mình mong muốn trong cuộc sống.
Các dự án của bạn có thể khả thi và mang lại nhiều niềm vui hơn nếu bạn là người chủ động theo đuổi nó thay vì muốn làm cho ai đó hài lòng. Những cặp đôi thường cảm thấy hạnh phúc hơn nếu họ theo đuổi các dự án mà cả hai đều yêu thích.
Một điều thú vị hơn nữa là việc theo đuổi các dự án giúp bạn vượt ra khỏi giới hạn mà những tính cách của mình tạo ra. Các nghiên cứu cho thấy những người hướng nội như Little cảm thấy thích thú với việc vào vai những người hướng ngoại hơn họ nghĩ.
Mặc dù vậy, Little cảnh báo rằng điều này có thể gây tác động xấu trong tương lai dài và bạn cần có thời gian để quay trở lại chính mình - dù đó là một chút thời gian cho riêng mình sau khi phát biểu trước công chúng, hoặc tham dự một buổi tiệc đầy những người hướng ngoại sau một ngày làm việc trong yên tĩnh.
Với những kiến thức này, bạn có thể nhìn lại và đánh giá các dự án của mình. Có những dự án nào bị bạn cho là không có tiến triển hoặc bị bạn cho là gây quá nhiều căng thẳng và không thể hoàn thành? Nếu câu trả lời là có và những dự án này không có nhiều ý nghĩa với bạn, có lẽ bạn nên từ bỏ chúng.
Nếu những dự án đang trì trệ lại có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, Little khuyến nghị các phương pháp khác nhau để tiếp tục bằng cách đặt mục tiêu thực tế hơn. Ví dụ như thay vì đặt mục tiêu là ‘cố gắng viết sách’, bạn hãy đặt mục tiêu lại là ‘cố gắng viết trong nửa tiếng mỗi ngày’. Bên cạnh đó, cách mà chúng ta đề ra mục tiêu của bản thân cũng có tác động rất lớn, ví dụ như câu mệnh lệnh “viết nửa tiếng mỗi ngày” thường có tác động mạnh hơn là “cố gắng viết nửa tiếng mỗi ngày”.
Một chiến thuật khác mà Little nghĩ bạn có thể áp dụng với các dự án bị đình trệ đó là “tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực”. Nếu dự án viết lách của bạn đang bế tắc, bạn hãy thử nghĩ đến một thứ khác mà mình yêu thích, ví dụ như đá bóng.
Bạn có thể viết ra hai danh sách, một danh sách miêu tả các khía cạnh của việc viết lách, một danh sách liệt kê những khía cạnh làm nên sự thành công trong bóng đá. Điều bạn cần làm là tìm kiếm những điều tương tự nhau trong hai lĩnh vực.
Ví dụ như trong viết lách, điều gì có thể được xem như là tương tự với việc huấn luyện hoặc sự cổ động từ khán giả nhà như trong bóng đá? Những câu hỏi như vậy có thể khiến bạn phải nghĩ đến môi trường làm việc hoặc các khoá huấn luyện mình cần đăng ký và tái tạo sức sống cho dự án của mình.
Tất cả những điều này nói lên khả năng thay đổi của chúng ta. Little cho biết có ba yếu tố quyết định cuộc sống của chúng ta: những cái do tự nhiên cấu thành, những cái do tác động của môi trường sống, và ‘những bản chất thứ ba’, vốn bao gồm những cá tính mà chúng ta hình thành khi theo đuổi các dự án của riêng mình.
Hãy chọn các dự án này thật kỹ lưỡng và bạn sẽ bất ngờ với những gì mình có thể đạt được. “Các dự án này mở ra những cơ hội mới,” Little nói. “Và một trong những cơ hội đó chính là một cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn
-